Quảng cáo số dự báo sẽ tăng trưởng

Quảng cáo kĩ thuật số, bao gồm cả quảng cáo trực tuyến (online) và quảng cáo trên điện thoại di động (mobile) được cho là xu thế và sẽ tăng trong thời gian tới, theo các chuyên gia.

Theo ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng bộ phận Digital của Công ty Maxus Việt Nam, thuộc công ty GroupM, quảng cáo trên mạng xã hội đã trở thành một xu hướng khi nhiều nhãn hàng đã thực hiện các chiến dịch của mình.

Theo số liệu của ông Dũng, hiện có hơn 30 triệu người Việt Nam đang sử dụng Internet, trong đó 86% sử dụng các mạng xã hội. 81% trong số những người sử dụng mạng xã hội lại có thói quen chia sẻ các hoạt động mua sắm hàng hóa của mình với bạn bè.

Facebook vẫn là trang mạng xã hội được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam với khoảng 14 triệu người dùng, trong đó 11 triệu người truy cập qua điện thoại di động. Trung bình mỗi người dùng bỏ ra khoảng 40 phút hàng ngày trên mạng xã hội này.

Hai hành động mà người dùng Facebook ở Việt Nam thường thực hiện nhất là nhấn nút like và comment, tức bình luận, theo ông Dũng. Trong khi đó, xu hướng ở các thị trường phát triển, người dùng Facebook thường hay sử dụng để “check in”, tức thông báo vào một địa điểm nào đó, và tải hình lên.

Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm về quảng cáo do Câu lạc bộ Doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) tổ chức ngày 20/11 tại TP HCM, ông Dũng cho biết để đạt được hiệu quả của quảng cáo trên mạng xã hội và quảng cáo số là không dễ dàng.

Khách hàng đang trải nghiệm quảng cáo bằng công nghệ tương tác trên điện thoại di động

Hiện tại, ông Dũng cho biết, số tiền phần lớn các doanh nghiệp dành cho quảng cáo số vẫn còn khiêm tốn, chiếm chưa đầy 5% tổng ngân sách marketing.

Theo ông Phan Quốc Công, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Hàng tiêu dùng Quốc tế ICP, công ty ông đã bắt đầu để ý đến chuyện quảng cáo trên Internet từ mấy năm về trước khi nhận thấy người tiêu dùng truy cập Internet ngày càng nhiều.

Ngân sách marketing của ICP, theo ông Công, được chia theo tỉ lệ 70-20-10, theo đó 70% được thực hiện trên các phương tiện đã làm rồi và đã chứng minh được hiệu quả, thông thường là truyền hình. 20% chạy trên các kênh mới và có thể đo lường được hiệu quả, và 10% còn lại là dùng cho các chiến dịch “mới và chưa đo lường được.

Hiện tại, theo ông Công, một chiến dịch của ICP quảng cáo trên truyền hình ngốn hết một triệu USD Mỹ “là chuyện bình thường”. Trong khi đó, công ty thực hiện một chiến dịch trên Internet thì bằng khoảng 1/10, tức khoảng 100.000 USD. Số tiền này được chia cho rất nhiều kênh khác nhau, từ sáng tạo, sản xuất, chạy quảng cáo…

Bà Lê Hồ Mỹ Duyên, Phụ trách nhãn hàng cao cấp của ICP, quảng cáo trên mạng xã hội không nên tách riêng ra, mà cần được tích hợp trong một loạt các kênh truyền thống khác, từ truyền hình, báo chí, tại điểm bán đến các hoạt động kích hoạt thương hiệu khác.

Theo Công ty nghiên cứu thị trường eMarketer, quảng cáo trên Internet của Việt Nam năm 2012 khoảng 26 triệu USD, chiếm 2.9% doanh số toàn thị trường. eMarketer dự báo cho doanh số quảng cáo trên Internet ở Việt Nam năm 2013 sẽ đạt khoảng 32 triệu USD, và đạt 45 triệu USD vào năm 2015.

Nửa đầu năm 2013, theo Kantar Media Việt Nam, doanh số quảng cáo trên các phương tiện truyền thông ở Việt Nam đạt gần 11.000 tỉ đồng, trong đó truyền hình chiếm đến 92%.

Theo KTSG

Tin liên quan