Đi tìm chuẩn mực cho tiếp thị số Việt Nam

Trong khi thị trường quảng cáo Việt Nam đang lao đao thì thị phần của tiếp thị số (Digital Marketing) vẫn có sức hấp dẫn, bất chấp những khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, địa hạt này tại Việt Nam còn mới mẻ, thừa khả năng ứng dụng và thiếu số liệu đo lường hiệu quả tin cậy.

TTOLThị trường tiếp thị số Việt Nam: Sôi động và bất cập

Theo số liệu thống kê của VNNIC, số người sử dụng internet tại Việt Nam liên tục tăng trưởng đều đặn và bền vững qua các năm, từ 748 ngàn người năm 2003 đến 31,3 triệu người vào năm 2012, chiếm 35,58% dân số.

Sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thiết bị số đã làm thay đổi thói quen tìm kiếm thông tin của người Việt Nam. Đây là yếu tố lý tưởng để các nhà hoạch định chiến lược tiếp thị thỏa sức tung hoành. Chính vì vậy mà thị phần tiếp thị số tại Việt Nam phát triển với tốc độ khá nhanh.

Điều này có thể dễ dàng nhận thấy trong sự chuyển dịch ngân sách quảng cáo của các nhà sản xuất smartphone, hàng tiêu dùng điện tử (tivi thông minh, máy tính bảng, thiết bị điên, điện tử…), hàng tiêu dùng khác (dầu gội, mỹ phẩm, hàng may mặc, giày dép,…).

Theo nghiên cứu về ngân sách dành cho quảng cáo online – thực hiện bởi iTracker của VietDev Corp – chỉ trong vòng 6 tháng từ tháng 11/2012 đến tháng 4/2013, số tiền chi cho quảng cáo trên top 23 website tại Việt Nam đã đạt 29,4 triệu USD.

Nhanh chóng nắm bắt được sự thay đổi thói quen của người tiêu dung, các đại gia trong ngành sản xuất đã đầu tư mạnh ngân sách cho tiếp thị số. Từ chỗ chỉ được xem như một công cụ thử nghiệm với ngân sách hạn chế, Digital Marketing hầu như đã có mặt thường xuyên trong các chiến dịch quảng cáo hiện nay.

Rất nhiều chiến dịch đã thu hút được những con số khiến đối thủ thèm muốn. Tuy nhiên, hầu hết các chiến dịch có chỉ số KPI (lượt truy cập, tương tác, độ lan truyền, chia sẻ thông tin…) đáng mơ ước này chỉ mới phản ánh bề nổi, chưa phản ánh đúng thực trạng tiêu dùng. Với tiềm năng lớn và dự báo sẽ phát triển mạnh mẽ trong nhiều năm tới, tiếp thị số vẫn chưa được đầu tư xứng tầm. Nguyên nhân do đâu?

Thị phần

Hầu hết việc đầu tư quảng cáo rơi vào các vị trí trang chủ và các chuyên mục giải trí của các website để tiếp cận đến người tiêu dùng (Nguồn: VietDev – iTracker, giai đoạn từ tháng 11/2012 – tháng 4/2013)

Chuẩn mực nào cho ngành tiếp thị số Việt Nam

Tuy hội tụ nhiều điểm hấp dẫn nhưng thị trường tiếp thị số tại Việt Nam vẫn còn khá sơ khai, những con số chỉ là bề nổi, bởi hệ thống đo lường vẫn còn lỏng lẻo. Có lẽ vì thế mà các nhà kinh doanh, sản xuất còn ngại ngần khi sử dụng kênh tiếp thị này cho thị trường Việt Nam.

“Performance Based Digital Marketing” được hiểu là việc áp dụng những kỹ thuật, công cụ để người tiêu dùng chủ động tương tác với quảng cáo, và doanh nghiệp chỉ trả tiền cho công ty quảng cáo dựa trên những kết quả có thể đo lường được. Phương thức này đã được các nhà tiếp thị chiến lược trên thế giới sử dụng từ lâu, nhưng vẫn còn là một khái niệm mới mẻ tại Việt Nam.

Băn khoăn lúc này của thị trường Việt Nam chính là làm cách nào để các Marketers đo lường được ROI (Return on Investment) cho các chiến dịch Digital Marketing, hạn chế tối đa sự lãng phí ngân sách và khai thác được sức mạnh của công nghệ số.

Ông Joe Nguyễn, Phó chủ tịch cấp cao của Tập đoàn comScore tại Châu Á Thái Bình Dương (APAC) chia sẻ “Càng nhiều người tiêu dùng sử dụng Internet tại Việt Nam, các marketers càng cần phải theo sát các đối tượng mục tiêu này. Điều đó có nghĩa quảng cáo dựa trên hiệu quả đã trở nên bức thiết trong bối cảnh hiện tại của Việt Nam. Đặc biệt, các nhà quảng cáo có ngân sách khiêm tốn lại càng muốn chi đồng tiền của mình vào các kết quả có thể đo đạc được. Sự phát triển của các mô hình đo lường khác nhau của tiếp thị số hoàn toàn cho phép các marketers đạt được mong muốn này”.

Theo DNSG

Tin liên quan