Hôm 30-4, Viện Nghiên cứu Công nghệ châu Âu (CERN) tuyên bố sẽ tái tạo trang web đầu tiên trên thế giới để chào mừng kỷ niệm 20 năm ngày mạng internet ra đời. Theo CERN, chính viện nghiên cứu này góp phần tung ra bản quyền công nghệ mạng tự do cho mọi người. Kể từ đó, mạng internet phát triển ngày càng rực rỡ.
Screenshot của trình duyệt đầu tiên sử dụng công nghệ WWW trên máy tính NEXT. (Nguồn: Viện Nghiên cứu công nghệ châu Âu – CERN)
Khởi thủy của mạng internet
Những năm 1950, máy tính vẫn còn là những cỗ máy khổng lồ có kích thước bằng cả một căn phòng. Năm 1957, để dễ làm việc với các máy tính này, các nhà khoa học nghĩ ra cách tạo một máy phụ bên ngoài để kết nối với máy bên trong các phòng lớn. Đó là sự kết nối máy tính đầu tiên. Chỉ 1 năm sau, dưới sức ép của cuộc chiến tranh lạnh Xô – Mỹ, chính phủ Mỹ thành lập nhóm nghiên cứu chiến lược DARPA.
Để tạo điều kiện cho việc trao đổi thông tin nhanh chóng, DARPA tạo nên một hệ thống máy tính kết nối với máy chủ trung tâm với tên gọi ARPANET. Cùng lúc đó, 3 hệ thống mạng khác cũng được phát triển, đó là hệ thống của Tập đoàn Rand – Mỹ, NPL – hệ thống mạng thương mại của Anh và hệ thống mạng khoa học Cyclades của Pháp. Các hệ thống mạng này dần dần phát triển các công nghệ liên quan để tạo nên mạng internet hiện đại.
Một lần nữa, chiến tranh lạnh lại thúc đẩy sự phát triển của công nghệ mạng. Lo sợ một cuộc tấn công bằng vũ khí nguyên tử có thể làm ngắt mạch kết nối đến máy chủ trung tâm của mạng ARPANET, một hệ thống mạng phân cấp với nhiều “nốt” kết nối riêng biệt được tạo ra. Hệ thống này có kết cấu như một mạng lưới chặt chẽ, nếu một “nốt” bị ngắt, các “nốt” khác vẫn duy trì được sự kết nối.
Tại Pháp, mạng Cyclades kết nối các mạng nhỏ với nhau thành một mạng lớn. Với hệ thống này, các máy tính có thể tự tạo ra mạng riêng rồi hợp chung vào một mạng lớn hơn với các máy đóng vai trò là một cổng trung chuyển thông tin và đó chính là cội nguồn của cụm từ inter (liên thông) và net (mạng). Kết hợp với các phát kiến về giao thức trong đó có TCP/IP, các công nghệ mạng dần được tiêu chuẩn hóa và hợp lại dần để trở thành một mạng toàn cầu.
Mạng internet hiện đại
Đến năm 1990, mạng internet phát triển nhanh chóng, người ta đã dần quen với việc sử dụng email để liên lạc, lấy thông tin từ mạng và những phần mềm độc hại/virus đầu tiên đã bắt đầu nhen nhóm. Tuy vậy, việc phát triển các trang web mạng vẫn chưa được tiêu chuẩn hóa. Năm 1989, kỹ sư người Anh Tim Berners-Lee thuộc CERN đã kêu gọi sử dụng một hệ thống ngôn ngữ văn bản “hypertext” để thống nhất việc thiết kế, soạn thảo và sắp xếp thông tin trên các trang web, một hệ thống ngôn ngữ có thể chạy trên mọi hệ điều hành và mọi loại máy tính.
Hệ thống này liên kết với nhau qua cơ sở hạ tầng mạng, được gọi là World Wide Web (WWW). Từ đó dẫn đến sự ra đời của trình duyệt web phổ thông đầu tiên: Mosaic (hậu duệ của trình duyệt này là Netscape đã trở thành một trình duyệt vô cùng nổi tiếng và phổ biến suốt các thập niên 1990). Mạng internet không chỉ là sự liên lạc giữa các máy tính mà còn là sự liên lạc giữa người với người. WWW bùng nổ, kéo theo hàng loạt công nghệ để tìm cách đưa những thông tin đa dạng như hình ảnh và video lên mạng. Số người sử dụng mạng internet tăng rất nhanh. Internet đã trở thành sản phẩm khoa học – văn hóa không thể thiếu của loài người.
Năm 1994, chứng kiến sự ra đời của nhiều công cụ tìm kiếm tận dụng công nghệ WWW đầu tiên, trong đó có WebCrawler, Go.com, Altavista… Những công cụ này là tiền đề để cho ra đời những Yahoo! (1995) và Google (1998). 1997 là năm mà chuẩn kết nối không dây WiFi 802.11 ra đời, với tốc độ chỉ 1 hay 2 Mbit/s. Đây là thời kỳ được xem là hoàng kim của mạng internet, còn gọi là thời kỳ “bong bóng dot-com”.
Hàng loạt nhà đầu tư liên tục rót tiền vào thị trường chứng khoán với kỳ vọng vào đà phát triển chóng mặt của những công ty kinh doanh trên mạng internet (với tên miền website thường kết thúc bằng .com). Nhưng những kỳ vọng thái quá này đã làm mờ mắt các nhà kinh doanh, họ đã quá tự tin vào thành tựu công nghệ mà quên đi các yếu tố kinh doanh thông thường. Những công ty .com thất bại thảm hại, dẫn đến sự sụp đổ của giá cổ phiếu, những cái tên khổng lồ như Amazon.com chứng kiến cổ phiếu rớt từ 107 USD xuống còn 7 USD/cổ phiếu. Năm 2000, “bong bóng dot-com” vỡ.
Hậu “bong bóng dot-com”
Những thập niên sau năm 2000 là lúc mà công nghệ máy tính cá nhân và máy tính di động bùng nổ. Hàng loạt mô hình kinh doanh mới nổi lên với sự tính toán kỹ càng hơn, điển hình là sự ra đời của mạng xã hội. Các công ty vốn chuyên về phần cứng tìm cách nắm bắt các xu hướng của mạng internet, điển hình như Apple. Trong khi đó, những công ty chuyên về phần mềm và công nghệ mạng như Google lại manh nha đưa các công nghệ của mình vào các thiết bị phần cứng…
Thế giới công nghệ lại mở đầu cho một thời kỳ vàng son mới của mạng internet, nơi mà nội dung giải trí có thể được xem trên bất kỳ thiết bị nào, sự cạnh tranh gay gắt của các mạng xã hội, các tập đoàn truyền thông… Tất cả đang thúc đẩy ngành công nghệ thông tin phát triển từng ngày và chưa có điểm dừng…
Thật khó tưởng tượng thế giới một ngày không có internet. Internet đã trở thành sản phẩm khoa học – văn hóa của con người.
Theo NLĐ