Công ty an ninh mạng Cyberory của Israel và Mỹ đã công bố báo cáo mới hôm 24/6, tuyên bố rằng các tin tặc được ủng hộ bởi một quốc gia đã xâm phạm hệ thống của ít nhất mười nhà mạng di động trên khắp thế giới với mục đích đánh cắp siêu dữ liệu liên quan đến người dùng cụ thể. Mặc dù chưa được xác nhận, những tin tặc này được cho là có liên hệ với chính quyền Trung Quốc.
Tuy nhiên báo cáo không nêu tên các nhà mạng di động bị nhắm mục tiêu.
Cyberory cho biết các cuộc tấn công rất tinh vi và có quy mô lớn, được họ đặt tên là Chiến dịch Softcell, mang dấu ấn của một hành động tầm cỡ quốc gia và nhắm vào các cá nhân là các quan chức quân sự và nhà bất đồng chính kiến có liên kết với Trung Quốc. Tất cả bằng chứng đều chỉ ra chính phủ Trung Quốc là thủ phạm khả nghi nhất. Phạm vi các nhà mạng bị ảnh hưởng ở cả châu Âu, châu Phi, Trung Đông và châu Á. Tuy nhiên không có mục tiêu được cho là ở Mỹ.
“Chiến dịch nhắm mục tiêu vào các nhà cung cấp viễn thông”, công ty an ninh mạng cho biết. “Các hoạt động bắt đầu từ ít nhất là năm 2017. Tin tặc đã cố gắng đánh cắp tất cả dữ liệu được lưu trữ trong thư mục hoạt động, xâm phạm mọi tên người dùng và mật khẩu trong tổ chức, cùng với nhiều thông tin nhận dạng cá nhân khác, dữ liệu thanh toán, hồ sơ chi tiết cuộc gọi, thông tin đăng nhập, máy chủ email, vị trí địa lý của người dùng…”
Tin tặc Trung Quốc được cho là đang tấn công gián điệp trên phạm vi toàn cầu.
Vụ tấn công được mô tả trong báo cáo là “trò chơi mèo vờn chuột giữa kẻ đe dọa và những người bảo vệ”. Bởi ngay khi có các thông tin quan trọng hoặc bị phát hiện, kẻ tấn công sẽ dừng lại nhưng sau đó một thời gian lại tiếp tục hoạt động.
Cyberory cũng chỉ ra rằng mặc dù các cuộc tấn công chỉ nhắm vào các cá nhân cụ thể, nhưng bất kỳ thực thể nào sở hữu sức mạnh để chiếm lĩnh dữ liệu hay máy chủ của các nhà cung cấp viễn thông đều có khả năng tận dụng quyền truy cập này để ngừng hoạt động hoặc phá vỡ hoàn toàn hệ thống. Điều này giống như một đòn chí mạng trong trường hợp một cuộc chiến tranh trên mạng Internet xảy ra.
Cũng theo chia sẻ của Lior Div, CEOc ủa Cyberory thì công ty ông chưa bao giờ biết tới một khả năng gián điệp quy mô lớn trên toàn thế giới này. Ông gọi nó là hành động gián điệp bởi về bản chất các dữ liệu được thu thập trong vụ tấn công có giá trị thực sự quan trọng đối với các cơ quan tình báo. Ngay cả khi thông tin và nội dung cuộc gọi, tin nhắn không bị truy xuất, tin tặc vẫn có thể phân tích đối tượng đang nói chuyện với ai và trong bao lâu để tìm hiểu các bí mật đằng sau.
Cyberory cũng chỉ mũi tên nghi vấn về phía nhóm hacker APT10 của Trung Quốc có thể đứng sau các vụ tấn công này. Nhóm này được biết đến với các chiến dịch đe dọa lâu dài, liên tục, thu thập thông tin như một cơ quan an ninh thực tế trong suốt nhiều năm qua. NASA, một trong những mục tiêu trước đây của APT10, mới đây đã xác nhận việc bị hack cơ sở dữ liệu.
FireEye và Crowdstrike, hai công ty an ninh mạng đã theo dõi và có hồ sơ đầy đủ nhất về APT10, cũng nói rằng họ “không thể xác nhận phát hiện của Cyberory, nhưng đã thấy tình trạng nhiều nhóm tin tặc đang nhắm mục tiêu vào các nhà cung cấp di động”.
Hai tin tặc được cho là có liên quan đến APT10 đã bị truy tố ở Mỹ vào năm ngoái.
Theo một số chuyên gia, chiến dịch tấn công mạng này có thể liên quan tới việc Mỹ đang thực hiện chiến dịch chống lại nhà mạng Huawei nói riêng và các nhà sản xuất thiết bị viễn thông của Trung Quốc nói chung,
“Chúng tôi đã kết luận với mức độ chắc chắn cao”, Cyberory tuyên bố khi đưa ra báo cáo của mình, “rằng tác nhân đe dọa có liên kết với Trung Quốc và có khả năng được nhà nước bảo trợ. Các công cụ và kỹ thuật được sử dụng trong các cuộc tấn công này phù hợp với một số mối đe dọa của tin tặc Trung Quốc, đặc biệt là nhóm APT10, một đội quan hacker được cho là hoạt động thay mặt Bộ An ninh Nhà nước Trung Quốc”.
Theo Genk/Forbes, Wired