Tuy nhiên, với người kinh doanh nhỏ, lẻ thì với trang mạng xã hội thông dụng như Facebook, nhiều người đã nhanh nhạy tận dụng “nhà” của mình để lấn sân làm chức năng thương mại điện tử. Đã có người thành công, tạo được thương hiệu từ những cửa hàng trên mạng xã hội.
Công việc này đang thu hút nhiều người tham gia, từ người nội trợ nhàn rỗi đến các nhân viên văn phòng, sinh viên… với các sản phẩm, dịch vụ tương đối phong phú, đa dạng như mỹ phẩm, thời trang, giày dép, túi xách, đồ handmade, sách, đồng hồ, nước hoa, cả nhiều món ăn đặc sản của các vùng miền… Ưu điểm của cách kinh doanh này là không mất tiền thuê mặt bằng, không tốn chi phí thuê nhân viên bán hàng, quản lý nên người đang đi làm vẫn có thể tự mình mở một cửa hàng trên mạng như một nghề tay trái.
Hiện nay số lượng người sử dụng Facebook ở Việt Nam hơn 12 triệu người nên việc kết bạn trên Facebook để tìm khách hàng tiềm năng cũng khá dễ dàng. Bạn cần điền đầy đủ thông tin về shop của mình, thu hút người quan tâm (like) bằng cách đưa lên (post) các thông tin hữu ích, có giá trị. Vì mua hàng qua mạng, khách không xem hàng trực tiếp được nên thông tin phải đầy đủ mới tạo sức thu hút cho khách. Nhưng một trong những điều quan trọng khởi đầu công việc kinh doanh là lựa chọn sản phẩm thích hợp. Nếu lựa chọn đúng sản phẩm mà thị trường đang cần sẽ dễ thành công hơn. Điều cần lưu ý là khi lựa chọn sản phẩm kinh doanh hãy quan tâm đến sở thích, sở trường và những đam mê của chính bản thân mình.
Kinh doanh những thứ bạn quan tâm và am hiểu sẽ giúp bạn tìm thấy niềm vui và hứng thú trong công việc. Đó là kinh nghiệm của chị Kim Ánh, chủ cửa hàng Đặc sản Đà Nẵng tại TP.HCM. Chị từng có ba năm bán hàng trên mạng trước khi mở cửa hàng. Là một nhân viên văn phòng quê ở Đà Nẵng, chị thích sưu tầm quán ăn “đặc sệt” miền Trung ở Sài Gòn, nhưng ít khi vừa ý vì khẩu vị của quán đã dung hòa cho khách ba miền.
Bởi vậy, mỗi khi lễ, tết có dịp về quê, chị mua thật nhiều đồ ăn “made in Đà Nẵng” mang vào ăn và tặng đồng nghiệp: ký chả bò, chục nem, hộp tré, hũ mắm dưa… Có người ăn xong thấy thích, nhờ chị mua giùm. Những khi như vậy chị nhờ người nhà mua gửi vào. Từ đó chị suy nghĩ, sản phẩm có nhu cầu, tại sao mình không thử cung cấp. Thế là chị quảng cáo nhận đặt hàng trên mạng, cung cấp những thương hiệu có uy tín là đặc sản quê nhà. Cứ túc tắc kiểu “làm mà chơi”, dần dà chị có lượng khách hàng khá ổn định. Từ bán hàng qua mạng, bây giờ cửa hàng của chị không chỉ bán đặc sản Đà Nẵng mà còn mở rộng cả đặc sản miền Trung.
Anh Khoa Nguyễn, người bán hàng handmade trên mạng chia sẻ, một lỗi mà nhiều người sơ sót, hay mắc phải là chỉ bán hàng mà không có nội dung gì khác làm người xem nhìn phát ngán. Rút kinh nghiệm, anh chăm chút “nhà” mình khá chu đáo, chịu khó viết, sưu tầm nhiều bài viết bổ ích về kinh nghiệm sống, chuyện vui, chuyện suy ngẫm… để chia sẻ cùng bạn bè.
Đồng quan điểm với anh Khoa Nguyễn, chị Kim Ánh cũng chăm sóc cho “nhà” của mình một cách có chủ ý. Chị post những bài viết “văn hóa ẩm thực”, giới thiệu những món ăn, cách chế biến… cùng hình ảnh bắt mắt làm không chỉ người đồng hương phát thèm mà người xứ khác cũng tò mò, muốn thử một lần món ăn lạ cho biết.
Một bà mẹ 8X bán hàng mỹ phẩm xách tay trên mạng luôn có lượng khách hàng khá đông, mà theo chị có đến 70% là khách tỉnh – những người chị chưa một lần gặp mặt. Bí quyết của chị là sản phẩm nào cũng có đầy đủ thông tin chi tiết, từ kích thước, trọng lượng, xuất xứ, công dụng, hạn sử dụng, giá trên thị trường… Khi khách mua hàng xong thì giữ lại liên lạc và quan tâm, hỏi thăm cảm nhận của họ về chất lượng hàng, trả lời thắc mắc của khách hàng trong thời gian sớm nhất. Những ý kiến nào của khách được chị chụp hình lại sẽ được chị giảm giá cho đơn đặt hàng tiếp theo. Nhìn lượng sản phẩm chị cập nhật mỗi ngày thì không khác gì một cái shop mỹ phẩm ở trung tâm thương mại.
Người bán nhiệt tình, vui vẻ, yêu thích công việc, nhưng không phải việc buôn bán lúc nào cũng suôn sẻ. Bạn Thanh Trúc – một cô giáo dạy kỹ thuật có tổ chức một nhóm bạn làm hàng thêu và handmade cho biết, có khi mạng internet bị trục trặc hay đặt mua nguyên liệu không kịp sẽ mất khách.
Chị Kim Ánh cũng bị một cú “đau điếng”. Người đặt hàng ở xa, phải đi giao hàng nhưng đến không tìm ra địa chỉ, gọi thì người mua hàng không nghe điện thoại. Mà thực phẩm không chất bảo quản, chỉ khi có người đặt mới lấy hàng, không để lâu được. Mãi vài lần chị mới biết đó là “chiêu” của đối thủ cạnh tranh. Có khi dù chưa mua sản phẩm nhưng có người bình luận (comment) thiếu thiện ý, làm ảnh hưởng đến tâm lý khách hàng.
Chủ nhân một “cửa hàng” bán mật ong rừng Sơn Lang – Gia Lai than thở, do chất lượng mật ảnh hưởng theo mùa mà có mùi vị, độ đặc lỏng khác nhau, cô đã nhiều lần giải thích cặn kẽ cho khách hiểu, kèm cách hướng dẫn nhận biết mật thật, giả… nhưng khách vẫn phàn nàn. Còn người mua qua mạng có lúc phải “ngậm bồ hòn” vì nhìn hình trên mạng một đằng, khi nhận hàng lại một nẻo. Sự tiện lợi của những bếp ăn cung cấp món ăn chế biến sẵn đang phổ biến cũng bị khách thiếu tin tưởng chỉ vì khâu bảo quản, thời gian vận chuyển… làm ảnh hưởng chất lượng món ăn.
Kinh doanh là một nghệ thuật tổng hòa nhiều yếu tố nhưng cần thiết phải bài bản, chuyên nghiệp. Người mua do quen biết người bán mà ủng hộ, hay do tò mò thì chỉ mua một lần, muốn có những lần sau thì hàng hóa, dịch vụ phải đảm bảo chất lượng. Bán trên mạng, tuy thuận lợi mà không dễ là vậy.
Theo DNSG