Các doanh nghiệp nhỏ cho rằng truyền miệng vẫn là chiến lược tiếp thị hiệu quả nhất.
Các chiến lược hiệu quả khác gồm: email (34% xếp email là một trong ba chiến thuật tiếp thị hàng đầu), mạng (25%), phương tiện truyền thông xã hội (23%), tiếp thị công cụ tìm kiếm (14%), và tiếp thị nội dung (13%).
Quảng cáo truyền hình/radio được xem như chiến lược tiếp thị ít hiệu quả nhất, chỉ 2% số người được hỏi xếp hạng phương thức này nằm trong top 3 chiến lược tiếp thị hàng đầu. Khảo sát này dựa trên dữ liệu phỏng vấn 408 doanh nghiệp nhỏ (50% B2C, 28% B2B, 22% hỗn hợp).
Các chuyên gia lưu ý, tiếp thị truyền miệng sẽ có tác dụng theo hai hướng khác nhau rất rõ rệt: tốt hoặc xấu. Nếu có sản phẩm, dịch vụ tốt, bạn sẽ được lan truyền ngợi khen. Ngược lại, khi khách hàng không hài lòng, tiếng xấu cũng sẽ được lan truyền theo cấp số nhân.
Muốn vậy, nếu chọn truyền miệng là cách tiếp thị chính, sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp phải đáp ứng hoặc vượt hơn những mong đợi của khách hàng vốn được hình thành từ việc xem các chương trình quảng cáo, nghe các bài thuyết trình bán hàng của doanh nghiệp hay các tiêu chuẩn của ngành.
Trong xu hướng kết nối mạng xã hội, tiếp thị truyền miệng vẫn có nhiều ưu thế vượt trội, đặc biệt là tốc độ lan truyền và chi phí thấp. Doanh nghiệp sử dụng tiếp thị truyền miệng trong xu thế này cần lưu ý tích cực tham gia truyền thông xã hội.
Hãy thiết lập các trang web riêng trên Facebook, Twitter, Google+ và LinkedIn, nên đăng ký vào Pinterest và SlideShare. Khuyến khích khách hàng tham gia vào các trang web này, bày tỏ sự yêu thích (like) với các bản tin (post) hay đăng ký theo dõi các bản tin (follow) và chia sẻ (share) các bản tin.
Doanh nghiệp cũng nên bổ sung chức năng chia sẻ vào trang web hay thư điện tử, tạo điều kiện thuận lợi hơn để khách hàng chia sẻ thông tin, các chương trình quảng cáo của doanh nghiệp cho cộng đồng của họ.
Theo DNSG