Mới đây, Microsoft đã bất ngờ công bố sẽ tiếp tục chấp nhận phương thức thanh toán bằng bitcoin, chỉ vài ngày sau khi thông báo tạm dừng các giao dịch liên quan đến đồng tiền mã hóa này vì lý do “thiếu ổn định”. Kể từ năm 2014 đến nay, “gã khổng lồ” công nghệ này đã cho phép người dùng nạp thêm tiền vào tài khoản Microsoft của mình dưới dạng bitcoin và cũng từng hai lần ngưng sử dụng đồng tiền này vào năm 2015 và 2016.
Trước đó vào đầu tuần vừa qua, trang Bleeping Computer đã đưa tin Microsoft chính thức ngừng chấp nhận thanh toán bitcoin vì “quá bất ổn”. Tuy nhiên, vào ngày hôm nay (10/1), phát ngôn viên của Microsoft bất ngờ xác nhận: “Chúng tôi hiện đã khôi phục lựa chọn thanh toán giao dịch bằng bitcoin tại hệ thống cửa hàng của mình. Sau khi thảo luận với các nhà cung cấp, chúng tôi thống nhất sẽ đảm bảo lượng bitcoin mà khách hàng có thể sử dụng luôn duy trì ở mức thấp nhất”.
Microsoft vẫn sẽ tiếp tục chấp nhận thanh toán bitcoin trong thời gian tới.
Jamie Dimon, Chủ tịch kiêm CEO của ngân hàng JPMorgan Chase cho biết: “Tôi rất hối hận khi đã nhận định bitcoin là một trò lừa đảo. Blockchain là có thật với những đồng USD hay đồng yên mã hóa. Tuy nhiên, đối với ICO thì bạn phải chú ý kỹ lưỡng đến từng dự án cụ thể. Nói về bitcoin thì tôi luôn quan tâm đến suy nghĩ của chính phủ về loại tiền mã hóa đang ngày càng lớn mạnh này. Ý kiến của tôi hơi khác với đa số mọi người một chút, và thực sự tôi không có hứng thú lắm với chủ đề đó”.
Các khoản phí tăng vọt cùng thời gian chờ giao dịch kéo dài khiến cho việc sử dụng mạng lưới bitcoin đang ngày càng gặp nhiều khó khăn. Hiện tại, để có thể xử lý hơn 4 giao dịch mỗi giây là một nhiệm vụ khá khó đối với hệ thống mạng lưới này.
Người dùng bitcoin cũng có thể thêm vào một khoản phụ phí cho mỗi giao dịch của mình. Giá trị phụ phí càng cao thì “thợ đào” (chính là những cỗ máy tính) càng dễ chấp nhận giao dịch của họ hơn. Khi nhiều nhà đầu tư bắt đầu để ý đến bitcoin, mức phụ phí này càng tăng cao buộc người dùng phải lựa chọn: hoặc là mất thêm tiền, hoặc là đợi vài giờ hay thậm chí là vài ngày để giao dịch được thông qua.
Bên cạnh đó, các đối thủ của bitcoin, bao gồm ethereum, đã nhanh chóng giảm phụ phí cũng như thời gian chờ đợi giao dịch xuống nhằm tăng sức cạnh tranh của mình. Tuy nhiên, điều này đã khiến chúng đánh mất thị phần, giảm từ 87% (vào một năm trước) xuống còn 36% (vào năm nay).
Việc sử dụng mạng lưới bitcoin đang gặp nhiều khó khăn do thời gian giao dịch đang bị kéo dài.
Vào tháng 12 vừa qua, công ty game lừng danh Valve cũng xác nhận sẽ không hỗ trợ thanh toán bitcoin trên nền tảng nổi tiếng Steam của mình. Đại diện công ty này cho biết: “Các khoản phí giao dịch mà khách hàng phải trả cho mạng lưới bitcoin đã tăng vọt trong năm nay, có khi lên đến 20 USD/1 lần giao dịch. Thật không may là chúng tôi không thể kiểm soát được những khoản phí này. Điều đó dẫn đến tình trạng mức giá để mua một tựa game trở nên quá cao so với bình thường. Các khoản phí giao dịch ngất ngưởng này còn gây ra nhiều rắc rối hơn khi giá trị của bitcoin đột ngột giảm mạnh”.
Tốc độ tăng trưởng thần kỳ của bitcoin, từ 1.000 USD vào năm ngoái lên đến hơn 15.000 USD ở thời điểm hiện tại, đã gây ra nhiều biến động tiêu cực đối với công ty game này. Họ cho biết: “Khi khách hàng thanh toán bằng bitcoin trên Steam, họ sẽ phải trả 2 khoản phí: Một khoản dành cho lượng bitcoin tương đương với giá trị của tựa game họ muốn mua và một lượng phí giao dịch cho mạng lưới bitcoin. Giá trị của bitcoin chỉ mang tính ổn định trong một khoảng thời gian ngắn. Và nếu giao dịch của họ không được thực hiện thành công trong khoảng thời gian này thì mức phụ phí giao dịch sau đó chắc chắn sẽ thay đổi, đa số là tăng lên. Giải pháp thông dụng nhất cho tình trạng này là hoàn tiền thanh toán gốc cho người dùng hoặc yêu cầu họ nạp thêm một khoản phụ phí nữa”.
Valve cũng đã loại bỏ bitcoin ra khỏi danh sách những hình thức thanh toán được chấp nhận trên Steam.
Bên cạnh đó, hãng máy ảnh huyền thoại Kodak cũng đã ra mắt nền tảng blockchain của riêng mình và tiến hành ICO với đồng tiền mã hóa có tên KodakCoin, dành riêng cho các nhiếp ảnh gia và những người yêu thích chụp ảnh.
Theo Genk