Các ông lớn công nghệ Facebook, Google, Amazon, Apple bị cáo buộc có liên quan hành vi chống độc quyền

Các ông lớn công nghệ “Big Tech” như Facebook, Google, Amazon, Apple lần lượt bị chính quyền các nước Anh, EU, Mỹ cáo buộc có liên quan hành vi chống độc quyền…

Các Big Tech này nắm rõ dữ liệu người dùng, cung cấp thông tin và các dịch vụ quảng cáo cũng như sẵn sàng “dìm hàng” đối thủ và thách thức kiểm duyệt thông tin sai lệch, cạnh tranh không lành mạnh.

congngheweb-ongloncongnghe

Nhóm các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới

Châu Âu mạnh tay với các ông lớn công nghệ độc quyền

Ủy ban châu Âu (EC) đã đi đầu trong việc thắt chặt quy định đối với các ông lớn công nghệ “Big Tech” của Mỹ, dẫn đến việc các đại gia sớm phải điều chỉnh lại mô hình kinh doanh. Những cái tên phải kể đến như Alphabet – tập đoàn sở hữu Google, YouTube; Apple; Microsoft; Amazon và Facebook.

Đầu tháng 6 năm nay, Ủy ban châu Âu và Cơ quan Thị trường và cạnh tranh của Anh (CMA) đã mở các cuộc điều tra chống độc quyền về việc Facebook sử dụng dữ liệu quảng cáo trong kinh doanh quảng cáo, sử dụng dữ liệu người dùng trong thị trường quảng cáo trực tuyến và chèn ép đối thủ. Facebook bị điều tra lợi dụng vị thế thống lĩnh trong mạng xã hội hay lĩnh vực quảng cáo kỹ thuật số thông qua việc thu thập và xem xét việc sử dụng dữ liệu cùng hành vi “bóp méo” thị trường quảng cáo.

Bà Margrethe Vestager, Ủy viên EU phụ trách cạnh tranh đã cáo buộc nhằm vào nhà cung cấp mạng xã hội số một thế giới này và cũng là cuộc điều tra mới nhất mà bà thực hiện nhằm vào một loạt các công ty công nghệ của Mỹ. “Facebook cũng như các nền tảng mạng xã hội khác đã thu thập một lượng lớn thông tin riêng tư cá nhân của người dùng dựa trên các điều khoản về quyền riêng tư để phát triển nền tảng tích hợp Marketplace nhằm tăng lợi thế cạnh tranh so với các đối thủ.”

Phản ứng trước quyết định trên của EU và Anh, Facebook cho biết họ sẽ hợp tác toàn diện với giới chức các bên để chứng minh nền tảng tích hợp “Marketplace” (chợ) và hẹn hò (dating) của Facebook cung cấp cho mọi người thêm nhiều sự lựa chọn và đều hoạt động trong môi trường có tính cạnh tranh cao.

Trước đó, EU đã buộc Alphabet – công ty mẹ của Google nộp khoản phạt 8 tỷ euro (khoảng 9,7 tỷ USD) cũng như đang tiến hành điều tra tương tự Amazon và Apple. Cụ thể, với việc đặt ra các quy tắc nghiêm ngặt trên App Store gây bất lợi cho các dịch vụ phát nhạc trực tuyến cạnh tranh, Apple đã “tước đi” sự lựa chọn được sử dụng nhạc phát trực tuyến giá rẻ hơn của người dùng và cạnh tranh công bằng.

Trong khi đó, Amazon ngày 25/5 đã bị vướng vào một vụ kiện chống độc quyền do Văn phòng của Bộ trưởng Tư pháp Washington D.C Karl Racine đệ trình. Amazon bị cáo buộc tham gia vào các hoạt động ngăn chặn sự cạnh tranh, làm tăng giá bán cho người tiêu dùng.

Trong năm 2020, số liệu thống kê từ eMarketer cho thấy thị phần thương mại điện tử của Amazon tại Mỹ là 39,8% và được dự báo trong năm 2021 sẽ tăng lên 44,1% (tương đương khoảng 367,19 tỷ USD). Ngoài ra, 3 tháng đầu năm 2021, lợi nhuận của Amazon đã đạt 8,1 tỷ USD.

congngheweb-ongloncongnghe1

Trên đây là những cáo buộc chống độc quyền của EU đối với các tập đoàn công nghệ Mỹ, khiến những ông lớn này phải chịu một khoản tiền phạt nặng và thay đổi mô hình kinh doanh đang sinh lời vốn có.

Bóp méo thông tin, cạnh tranh không lành mạnh

Trong thời đại công nghệ số, các website, mạng xã hội, diễn đàn… không ngừng phát triển mạnh mẽ và đang dần là xu hướng truyền thông tích cực của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đã xuất hiện việc cạnh tranh không lành mạnh núp bóng các website, các trạng mạng xã hội khiến nhiều doanh nghiệp bị đặt điều, bêu xấu trên mạng. Điều này không chỉ làm mất đi hình ảnh, uy tín của doanh nghiệp mà còn bị thiệt hại không hề nhỏ về kinh tế.

Theo Reuters, Ủy ban châu Âu cho rằng: Facebook, Google và các công ty công nghệ khác sẽ phải cam kết nỗ lực nhiều hơn nữa để hạn chế hoạt động kiếm tiền từ thông tin sai lệch thông qua “nhúng quảng cáo” (advertisement placements). Cơ quan điều hành của EU mong muốn các công ty công nghệ nỗ lực nhiều hơn nữa để hạn chế hoạt động kiếm tiền từ thông tin sai lệch.

Ngoài ra, EU cũng muốn các dịch vụ tìm kiếm hay truyền thông xã hội nhỏ hơn, dịch vụ nhắn tin riêng, trao đổi quảng cáo, nhà cung cấp công nghệ quảng cáo, cơ quan truyền thông và dịch vụ thanh toán điện tử, nền tảng thương mại điện tử và hệ thống huy động vốn cần phải hạn chế hoạt động kiếm tiền từ thông tin sai lệch.

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 100 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện thì người có hành vi “Chủ động lưu trữ, truyền đưa thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, vu khống, xuyên tạc, xúc phạm uy tín của tổ chức và danh dự, nhân phẩm của cá nhân” phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

Trước đó, Tập đoàn Công nghiệp kỹ thuật số (Digi) đại diện cho Google, Facebook, Twitter, Microsoft, Redbubble và TikTok ở Australia hôm 22/2/2021 đã công bố Bộ Quy tắc thực hành mới về thông tin sai lệch.

Với việc tham gia Bộ quy tắc này, các đại gia công nghệ số sẽ có trách nhiệm kiểm duyệt để ngăn chặn việc lan truyền các thông tin sai lệch trên nền tảng của mình. Quy tắc yêu cầu đối tác tham gia xóa thông tin sai lệch; tạm ngưng tài khoản; gắn nhãn nội dung gây hiểu lầm; hủy quảng cáo thông tin sai lệch…

Việc phát hành Bộ quy tắc này được thực hiện theo sau quyết định của Facebook cấm tin tức của Australia khỏi nền tảng của mình để đáp lại Luật Trả phí truyền thông được đề xuất lên Thượng viện Australia nhằm buộc các công ty công nghệ phải trả tiền cho những nội dung tin tức được chia sẻ trên mạng xã hội.

Mới đây, Liên minh Châu Âu đã đề ra đạo luật Thị trường kỹ thuật số để siết chặt trách nhiệm của các công ty công nghệ có trên 45 triệu người dùng đối với cộng đồng và xã hội.

Theo Vneconomy

Tin liên quan