Sức mua suy giảm: Thời của siêu thị mini và… click chuột!

Những trung tâm thương mại (TTTM) sầm uất luôn vắng khách, những siêu thị điện máy thu hẹp dần quy mô… là thực tế diễn ra thời gian qua.

Khi túi tiền của người dân ngày càng eo hẹp, dường như mua sắm đồ đắt tiền không còn là nhu cầu bức thiết. Thay vào đó, những siêu thị mini giá rẻ với chất lượng không thua kém, hoặc các website bán hàng trực tuyến đang là sự lựa chọn tối ưu của người tiêu dùng (NTD).

 

“Sale off” không… ăn thua!

Mặc dù hầu hết các TTTM, siêu thị tại TPHCM liên tục tung ra các đợt khuyến mãi, giảm giá từ 20-30%, nhưng lượng khách đến mua hàng vẫn khá vắng vẻ. Dạo quanh các TTTM chuyên kinh doanh ngành hàng thời trang tại TPHCM như Diamond, Vincom, Parkson, Zen Plaza…, không khí vắng khách bao trùm các tầng lầu.

Tại các TTTM này chi phí cho vận hành hệ thống khá tốn kém, máy lạnh, đèn điện sáng choang nhưng lối đi các hàng lang và quầy hàng lại trống trơn bóng người tham quan, mua sắm. Thi thoảng có vài nhóm khách dạo quanh lối đi. Trong số này, không ít khách đến với các TTTM chỉ để ngắm hàng, tận hưởng không khí mát mẻ, ăn uống hoặc để giải trí, xem phim 3D – 4D  hơn là mua sắm hàng hóa.

Tại Hà Nội, tình hình cũng không mấy sáng sủa hơn dù ở những thời điểm được xem là mua sắm “vàng”. Không khí mua sắm ở các TTTM lớn như Vincom, Tràng Tiền Plaza, Parkson… khá trầm lắng. Lượng người mua sắm tại đây khá èo uột khi phần lớn chỉ dạo chơi thay vì bỏ tiền ra mua.

Đang giữa mùa mua sắm nhưng hầu hết các thương hiệu lớn đều ra sức khuyến mãi, giảm giá “khủng” lên đến 50-70% nhưng vẫn không hút được khách mua. Chị Triệu Thị Vân (ngụ ở Q.Hà Đông) chia sẻ: “Trước đây, tôi là khách hàng ruột của các thương hiệu Mango, Bonia… Nhưng giá hàng hiệu đắt quá mức, vì thế, tôi chuyển sang mua quần áo VN xuất khẩu, giá cả phải chăng mà mẫu mã không thua kém gì!”.

Hàng hiệu ế ẩm, TPHCM xuất hiện ngày càng nhiều cửa hàng kinh doanh quần áo “hàng xuất khẩu”, “hàng thanh lý”. Tại cửa hàng Minh Trang, kinh doanh quần áo “hàng xuất khẩu” trên đường Vạn Kiếp, quận Bình Thạnh, chủ cửa hàng cho biết: “Với những váy đầm hàng VN xuất khẩu mang nhãn hiệu Zara, Forever 21 này, nếu bày bán ở các TTTM, shop thời trang cao cấp, giá sẽ lên đến tiền triệu/chiếc. Nhưng hàng bán tại các cửa hàng nhỏ này, giá chỉ 150.000 – 200.000 đồng/chiếc nên thu hút nhiều khách chọn mua do giá phù hợp túi tiền”.

Không chỉ hàng trời trang, các trung tâm điện máy cũng lâm vào tình cảnh tương tự. Bãi đỗ xe của nhiều siêu thị điện máy lớn tại TPHCM như Nguyễn Kim, Viễn Thông A, Chợ Lớn, Pico Plaza… không còn cảnh tấp nập lượng xe ra – vào như những năm trước. Nhân viên bán hàng còn nhiều hơn khách đến mua hàng.

Một số siêu thị điện máy do kinh doanh ế ẩm buộc phải thu hẹp mặt bằng hoặc chuyển địa điểm kinh doanh ra khu vực ngoại thành để cắt giảm chi phí. TTTM Zen Plaza TPHCM vừa đổi mới không gian mua sắm, giảm gian hàng thời trang và tăng gian hàng ẩm thực và siêu thị thực phẩm.

Tại Hà Nội, những “ông lớn” điện máy như Nguyễn Kim, Media Mart… đã phải tìm các chi nhánh ở khu vực quận Hà Đông thay vì cứ “chăm chút” cho những trung tâm ở Q.Hoàn Kiếm. Gần 15.000m2 TTTM Grand Plaza tạm ngừng hoạt động hơn một năm nay vì không có khách thuê. Mipec Tower sau khoảng 1 năm hoạt động thì phải chuyển nhượng cho Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc)…

 

  
Các trung tâm thương mại lớn đang ế ẩm

Thời của siêu thị mini và trực tuyến

Nắm bắt được tâm lý mua hàng của NTD, các cửa hàng bách hóa tổng hợp, siêu thị mini hoặc cửa hàng điện máy nhỏ lẻ được dịp hút khách bởi giá cả hợp túi tiền. Tại Hà Nội, nhiều mặt hàng thiết yếu như nước mắm, giấy vệ sinh, bột giặt… khi mua ở siêu thị mini đều có giá rẻ hơn từ 5.000- 15.000 đồng so với giá ở siêu thị lớn, và càng mua số lượng hàng lớn thì càng được giảm giá nhiều.

Qua khảo sát các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu tại hệ thống siêu thị tại HN như Minh Hoa, Intimex, Fivimart, do áp lực thuê mặt bằng, nhân công và nhiều chi phí khác, giá cả hàng hóa tại đây luôn ở mức cao hơn hàng hóa ở cửa hàng bách hóa, siêu thị mini, mức độ chênh lệch giá tùy mặt hàng.

Đối với điện máy, NTD đang có xu hướng mua hàng trực tuyến để giảm bớt gánh nặng tiền bạc. Anh Hoàng Thịnh, đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, quận 3 cho biết: “Sau một buổi “đọ giá” giữa các điểm bán hàng ngoài thị trường lẫn các trang web online, cuối cùng tôi quyết định chọn mua máy ảnh mới tại cửa hàng bán lẻ trên đường Nguyễn Huệ (quận 1) và mua một tủ lạnh mới qua trang web online do giá cạnh tranh hơn vài trăm ngàn đồng/sản phẩm so với siêu thị”.

Ông Nguyễn Minh Thư – Phó TGĐ TTĐM và nội thất Thiên Hòa – cho biết: “Kinh doanh trực tuyến đang là xu hướng phát triển với ưu điểm không phải đầu tư nhiều chi phí về mặt bằng để trưng bày sản phẩm, nhân viên bán hàng, điện,… nên giá bán sẽ thấp hơn so với hàng bán tại các siêu thị, trung tâm điện máy. Tuy nhiên, để đảm bảo mua hàng chính hãng, có bảo hành, NTD nên chọn mua hàng trực tuyến qua website của đơn vị có uy tín”.

Theo số liệu của Hiệp hội Bán lẻ VN, tổng mức doanh số bán lẻ 8 tháng đầu năm chỉ tăng 5% – thấp hơn mức cùng kỳ năm ngoái là 6,2%. Tỉ lệ hàng tồn kho rất đáng lo ngại như xe máy là 81%, sữa là 35,2%, giấy vở: 38%… Đại diện hiệp hội cũng cho rằng, đây chưa phải thời kỳ phát triển của các trung tâm mua sắm, siêu thị. Hình thức kinh doanh nhỏ linh hoạt như siêu thị mini, cửa hàng tiện ích sẽ hợp lý hơn.

Dự báo, đến năm 2014, nhiều chính sách hỗ trợ thị trường như gia hạn thuế GTGT, giảm thuế thu nhập DN, giảm phí thuê đất… mới phát huy tác dụng. Thu nhập người dân ổn định hơn, sức mua tăng lên khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của các DN sẽ hồi phục dần.

Theo Lao động

Tin liên quan