Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay không khiến nguồn vốn đầu tư bị cạn kiệt. Dòng tài chính vẫn chảy trong một thế giới nhiều không phẳng hơn phẳng. Nhưng vấn đề tài năng lại khác. Để sở hữu những con người có đủ kiến thức, kỹ năng và thái độ phù hợp hay năng lực cần thiết (gọi tắt là KSA), các nhà lãnh đạo và quản lý đang đứng trước hai lựa chọn chiến lược:
Một là “thu mua” những tài năng đã phát triển, những “cây trưởng thành”. Hai là “phát triển” những hạt giống tài năng ngay trong chính tổ chức của mình.
Tài năng là một trong hai loại vốn quý không thể thiếu để doanh nghiệp có thể phát triển bền vững
Đối với giải pháp một, thuận lợi là những người này đã sẵn sàng nhập cuộc và đóng góp giá trị ngay ngay đầu tiên. Họ không cần phải đào tạo thêm hay huấn luyện lại; điều họ cần là nép mình vào tầm nhìn và sứ mệnh của tổ chức.
Đó thực sự là một thách thức khá lớn cho chính bản thân họ. Bởi vì “tài,” những “nhà chiến lược” này không chỉ biết cách hoàn thành công việc được giao, mà họ luôn trong tư thế sẵn sàng chọn bến đỗ khác “thú vị” hơn. Việc giữ chân những tài năng thật sự luôn cần sự đầu tư lớn. Nhưng các chương trình phát triển tài năng từ bên trong là giải pháp tối ưu để phát triển bền vững.
Vấn đề là làm thế nào vừa phát triển tài năng vừa quản lý điều hành hiệu quả cao. Theo các chiến lược gia hàng đầu, một chiến lược phát triển tài năng tổng thể cho mỗi nhân viên ở mọi cấp phải được áp dụng triệt để. Giải pháp tài năng này phải phản ánh và song hành cùng kế hoạch chiến lược của tổ chức để vừa đạt được những mục tiêu trung và dài hạn, vừa đáp ứng các nhu cầu kinh doanh cấp bách và ngắn hạn hơn.
Thông thường, để có được giải pháp tổng thể này, các cấp quản lý phải làm việc chung với chuyên gia huấn luyện và phát triển (hay còn gọi là chuyên gia tài năng – talent expert).
Trong thực tế quản trị hiện nay, hầu hết các công ty chỉ chú trọng đến đưa ra giải pháp chiến lược tài chính. Đó là lý do CEO (Chief Executive Officer) là từ khá thông dụng. Mọi người liên tưởng thuật từ này với chiến lược. Ít ai biết rằng đó chỉ là một phần của chiến lược. Khái niệm ít phổ biến và nhiều bí ẩn hơn chính là CTO (Chief Talent Officer).
CEO và CTO là hai “bán cầu não” định đoạt hướng đi chiến lược cho một tổ chức. Thiếu CEO, công ty thiếu một kế hoạch chiến lược tổng thế, thiếu tầm nhìn, không rõ sứ mệnh, không có mục đích cụ thể. Thiếu CTO, công ty thiếu một chiến lược phát hiện, phát triển và giữ chân nhân tài. Thiếu CTO, công ty như một tập thể những cá nhân riêng rẽ, tách biệt, thiếu sức sống. Thiếu CTO, văn hóa công ty không được xây dựng bằng nỗ lực chung, không có sự kế thừa, không giao lưu giữa các phòng ban chức năng, thiếu động lực làm việc, thiếu gắn kết… dẫn đến thiếu sáng tạo, thiếu ý tưởng, mất tập trung, hiệu suất làm việc giảm, các dự án chạy chậm chạp, mục tiêu ngắn hạn không đạt, nay người ra mai kẻ vô, chất lượng sản phẩm không đồng đều, khách hàng than phiền…
Hệ quả nhãn tiền của việc thiếu một chiến lược quản lý và phát triển tài năng tổng thể làm nhiều nhà lãnh đạo và quản lý cấp cao lo lắng. Đặc biệt trong thời đại “bùng nổ” mọi thứ như hiện nay. Bùng nổ thông tin đòi hỏi nhân viên phải học nhanh để nắm bắt yêu cầu từ thị trường. Bùng nổ công nghệ đòi hỏi nhân viên phải nâng cấp kỹ năng ứng dụng công nghệ vào công việc. Bùng nổ sản phẩm đòi hỏi nhân viên phải đầu tư vào kỹ năng và qua đó điều chỉnh hay thay đổi để tư duy chiến lược hơn, sáng tạo hơn, dự báo kinh doanh tốt hơn.
Theo DNSG *