10 sự kiện công nghệ năm 2017

Bitcoin, tin tức giả mạo, iPhone X… thế giới công nghệ đã trải qua năm 2017 với đầy ắp những sự kiện. Trong đó, có rất nhiều điểm sáng cũng như không ít mảng tối.

Thế giới đang bước vào những ngày cuối cùng của năm 2017, và sau một năm với rất nhiều biến động, đây là thời điểm không thể thích hợp hơn để điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất của làng công nghệ thế giới.

Để độc giả có một cái nhìn rõ và chi tiết hơn, Báo điện tử VTV News đã lựa chọn ra 10 sự kiện công nghệ đáng chú ý nhất trong năm 2017.

 

1. Bitcoin

 

Bitcoin có lẽ là một trong những từ được nói đến nhiều nhất trên thế giới trong năm 2017. Không chỉ tại những quốc gia có nền kinh tế, công nghệ phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản… ngay tại Việt Nam, ở đâu, người ta cũng nói và bàn về đồng tiền ảo này.

Bắt đầu được thiết kế từ năm 2007, tên miền bitcoin.org được đăng ký vào 18/8/2008, trước khi chính thức lần đầu được ấn định trên sàn giao dịch vào 5/10/2009. Tại thời điểm đó, 1 Bitcoin chỉ tương đương với 0,00076 USD.

Đến ngày 22/10/2010, lần đầu tiên Bitcoin được sử dụng để mua hàng hóa.

 

Bitcoin

Vào ngày 28/11/2017 khi mà đồng tiền này cán mốc 10.000 USD/Bitcoin, trang Business Insider đã có một bài so sánh rất thú vị. Theo đó vào ngày 22/10/2010, nếu những ai “bớt mồm bớt miệng”, không dùng 10.000 Bitcoin (tương đương 25 USD ở thời điểm đó) để mua 2 chiếc bánh pizza thì đến 28/11/2017 sẽ sở hữu số tiền 100 triệu USD.

Bitcoin tăng giá điên cuồng, đến đầu tháng 12/2017, những tỷ phú đầu tiên của đồng tiền này đã đã xuất hiện đó là cặp song sinh Tyler và Cameron Winklevoss. Đến ngày 18/12, đồng tiền lập kỷ lục với 20.000 USD/Bitcoin.

Trong khi các Ngân hàng Trung ương tỏ ra thận trọng, cảnh giác và ở nhiều quốc gia là phản đối, không công nhận, có một thực tế rất khó phủ nhận là đồng tiền kĩ thuật đã làm “nóng” toàn cầu trong năm 2017.

Những ngày cuối cùng của năm, thế giới tiếp tục chứng kiến đà tăng giảm chóng mặt của Bitcoin. Đồng tiền ảo khuynh đảo thị trường đang bị thổi phồng, trở thành bong bóng, chỉ chờ ngày phát nổ? Chưa ai có thể trả lời chính xác câu hỏi này ngoài chờ đợi tương lai.

 

2. Facebook và tin tức giả mạo

 

facebook-fake

Bên cạnh Bitcoin, tin tức giả mạo là vấn đề nóng bỏng không kém của làng công nghệ thế giới năm 2017.

Với sự phát triển của công nghệ, Internet, smartphone và đặc biệt là các mạng xã hội, việc phân phối và tiếp nhận thông tin đã trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết. Đây cũng được xem là môi trường không thể thuận lợi hơn cho vấn nạn tin tức giả mạo.

Nhìn lại năm 2017, các chuyên gia và cơ quan truyền thông đều có chung nhận định, đã đến lúc tin tức giả mạo không chỉ là vấn nạn mà còn trở thành mối nguy thực sự với thế giới nếu không có những biện pháp ngăn chặn kịp thời. Thậm chí nhiều tờ báo còn đồng quan điểm “Tin tức giả mạo – ngành công nghiệp bất khả chiến bại” để miêu tả về tầm ảnh hưởng và tính chất của vấn nạn này.

Mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 2 tỷ người dùng, Facebook là “nạn nhân” tiêu biểu nhất cho vấn nạn tin tức giả mạo. Theo đó, lãnh đạo Facebook đã phải điều trần trước Quốc hội Mỹ sau khi bị nghi ngờ trở thành công cụ để can thiệp vào kết quả bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Nhằm hạn chế tối đa tin tức giả mạo, Facebook đã công bố các biện pháp như: Ra mắt hàng loạt các tính năng, cũng như thuê thêm hàng nghìn nhân viên giúp kiểm soát thông tin được đăng tải lên mạng xã hội này.

Ngoài Facebook, những Google hay Twitter… đã đều phải “xắn tay” vào để đối phó với vấn nạn tin tức giả mạo.

Không chỉ các tập đoàn, chính phủ hàng loạt các quốc gia cũng đã đều công bố hàng loạt biện pháp để đối phó với vấn nạn tin tức giả mạo.

Như tại Đức, trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin đã xác thực về các nội dung giả mạo, gây thù hận, các trang mạng xã hội chủ quản sẽ phải xóa bỏ nội dung này mà không có bất kỳ ngoại lệ nào. Nếu vi phạm quy định, các mạng xã hội sẽ phải đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu Euro.

Ngay tại Việt Nam, số liệu thống kê từ chương trình đánh giá an ninh mạng của Bkav cho thấy, 63% người dùng thường xuyên đọc được tin tức giả mạo trên Facebook, trong đó 40% là nạn nhân hằng ngày. Không chỉ khiến người đọc hoang mang, tin tức giả mạo còn tiềm ẩn nguy cơ gây bất ổn xã hội khi kẻ xấu cố tình đưa tin sai sự thật liên quan đến tình hình kinh tế, chính trị của đất nước.

 

3. Các cuộc tấn công mạng và nỗi ám ảnh WannaCry

wannacry
Ngoài tin tức giả mạo, các cuộc tấn công mạng là một điểm tối khác trong bức tranh của làng công nghệ thế giới năm 2017.

Năm 2017, chứng kiến sự bùng nổ của các ransomware (mã độc) lợi dụng lỗ hổng hệ điều hành để phát tán với tốc độ chóng mặt. Điển hình là mã độc WannaCry.

WannaCry là một biến thể của mã độc tống tiền (ransomware), còn có tên gọi khác là WannaCrypt0r 2.0 hay WCry. Bắt đầu bùng phát trên toàn thế giới từ 12/5, chỉ sau một ngày đã có hơn 230.000 máy tính ở 150 nước bị lây nhiễm. Làm đình trệ hoạt động của nhiều bệnh viện, hãng sản xuất xe hơi, hệ thống giao thông, ATM… Gây thiệt hại hàng tỷ USD trên toàn cầu.

Sau đó là sự xuất hiện của mã độc tống tiền Petya làm tê liệt hàng loạt ngân hàng, sân bay, máy ATM và nhiều doanh nghiệp lớn tại châu Âu. Tương tự, mã độc Bad Rabbit đã lan rộng trong hệ thống của ít nhất 200 tổ chức trên thế giới.

Số tiền chuộc khổng lồ hacker kiếm được chính là nguyên nhân dẫn tới sự bùng nổ của loại mã độc nguy hiểm này.

 

4. Uber và bê bối tình dục

 

tdykentuber
Dù không muốn đề cập, song vụ bê bối tình dục tại một trong những startup “khủng” nhất thế giới Uber, được xem là scandal lớn nhất của làng công nghệ năm 2017.

Đầu năm 2017, cựu nữ nhân viên phần mềm Susan Fowler đã tố cáo thường xuyên bị quấy rối trong quãng thời gian làm việc tại Uber. Bà Susan Fowler cho biết đã gửi bằng chứng lên bộ phận nhân sự nhưng bị phớt lờ chỉ vì thủ phạm là nhân viên giàu thành tích, cấp cao.

Đây là một trong những lý do quan trọng khiến CEO Travis Kalanick và cũng là đồng sáng lập của Uber phải bay chức.

Vào đầu tháng 12 vừa qua, tạp chí Time đã chọn “Những người phá vỡ im lặng” – những phụ nữ mở đầu phong trào #MeToo dũng cảm tố cáo việc quấy rối tình dục trên toàn thế giới là Nhân vật của năm 2017. Trong số 5 người phụ nữ được vinh danh có sự xuất hiện của bà Susan Fowler.

Điều đáng nói, điều này không chỉ diễn ra tại Uber, mà nó chỉ là “giọt nước tràn ly” cho tình trạng quấy rối tình dục, phân biệt giới tính tại thung lũng Silicon.

Chỉ tính riêng trong tháng 6/2017, bê bối tình dục cũng đã khiến nhiều lãnh đạo cao cấp trong làng công nghệ Mỹ phải “ngã ngựa”. Điển hình như Justin Caldbeck, đồng sáng lập Binary Capital và Dave McClure, đồng sáng lập 500 Startups bị buộc phải từ chức vì cáo buộc cư xử không phù hợp hoặc quấy rối tình dục phụ nữ.

 

5. Smartphone với thiết kế viền mỏng

 

phone

Sẽ thật thiếu sót nếu chỉ đề cập đến những mảng tối của làng công nghệ năm 2017. Xét tổng thể, bức tranh làng công nghệ thế giới năm 2017 có rất nhiều điểm sáng tích cực. Và điện thoại viền mỏng là một trong số rất nhiều điểm sáng đó.

Với việc chiếm tới gần 90% diện tích mặt trước, smartphone màn hình viền mỏng trông đẹp hơn và bắt mắt hơn rất nhiều so với các thiết kế trước đây. Không chỉ đẹp, smartphone màn hình viền mỏng còn giúp người dùng trải nghiệm tốt hơn rất nhiều khi xem phim hay chơi game.

Xu thế thiết kế viền mỏng được thể hiện rõ nét khi xuất hiện trên hàng loạt các mẫu smartphone từ flagship: Galaxy Note 8, LG V30, Galaxy S8/S8+, iPhone X… cho đến những mẫu smartphone tầm trung như Pegasus 4S hay OPPO F5…

Nếu không có gì thay đổi, xu hướng thiết kế này vẫn sẽ đóng một vai trò nhất định trên các mẫu smartphone trong năm 2018.

 

6. iPhone X

 

iphonx

Nhắc đến smartphone, một cái tên không thể không nhắc đến trong năm 2017 chính là iPhone X. Đây là chiếc iPhone kỷ niệm 10 năm thiết bị này ra mắt. Đúng như lời hứa đến từ Apple, iPhone X được xem là bước ngoặt lớn về thiết kế cũng như tính năng được trang bị trên một chiếc iPhone.

iPhone X hoàn thiện đến mức, tạp chí danh tiếng Time đã đề cử chiếc smartphone này là một trong 25 phát minh sáng tạo xuất sắc nhất năm 2017.

Tính năng nhận diện khuôn Face ID, chụp chân dung ở cả 2 camera (chính và selfie), sạc không dây… là 3 trong số rất nhiều những tính năng đột phá mà iPhone X sở hữu. Bên cạnh đó, thiết kế viền mỏng với màn hình OLED có thể làm xiêu lòng bất cứ người dùng nào khi cầm thiết bị này trên tay.

Trong chiều ngược lại, “khuyết điểm” lớn nhất của thiết bị này nằm ở mức giá bán cao chót vót. Tại Mỹ, iPhone X được bán với giá 999 USD cho bản 64GB và lên mức 1.149 USD cho bản 256GB. Song mức giá này chẳng hề khiến người dùng “chùn tay” khi quyết định mua smartphone “hot” nhất trong năm nay. Theo thống kê, chỉ tính riêng trong dịp Black Friday, Apple đã bán được đến 6 triệu chiếc iPhone X.

Theo dự đoán, với iPhone X, giá bán trung bình của một chiếc iPhone vào năm 2018 sẽ đạt mức 740 USD/thiết bị. Con số này là vô cùng ấn tượng nếu biết rằng, trước khi iPhone X lên kệ, giá bán trung bình một chiếc iPhone chỉ là 619 USD.

 

7. Trí tuệ nhân tạo

 

tri-tue-nhan-tao

“Trí tuệ nhân tạo là tương lai, không chỉ với nước Nga, mà đối với toàn thể nhân loại. Nó đi kèm với những cơ hội khổng lồ, song đi cùng là các mối đe dọa khó có thể tiên đoán. Quốc gia nào dẫn đầu trong lĩnh vực này sẽ thống trị thế giới”, Tổng thống Nga Putin cho biết trên hãng thông tấn RT.

Ý kiến của người đứng đầu nước Nga chỉ là một trong số rất rất nhiều các phát biểu cho thấy sự phát triển cũng như tầm trọng của công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong năm 2017.

Năm 2017 đánh dấu sự phát triển đến chóng mặt của AI trên phạm vi toàn thế giới, khi nó là trọng tâm trong chính sách của nhiều quốc gia, cũng như len lỏi vào mọi góc cạnh trong cuộc sống từ nông nghiệp, y học, xây dựng, giáo dục, quy hoạch đến quân đội…

Tháng 10/2017, Saudi Arabia trở thành quốc gia đầu tiên trao quyền công dân cho robot mang tên Sophia. Đây là được xem là tiền đề trong kế hoạch trở thành quốc gia phát triển trí tuệ nhân tạo hàng đầu thế giới của Saudi Arabia.

Sự phát triển của trí tuệ nhân tạo nhanh đến mức mà tỷ phú Elon Musk đã phải phát đi cảnh báo rằng, công nghệ này là mối đe dọa lớn nhất với con người trong tương lai.

Bên cạnh đó, CEO của Tesla cùng với 116 nhà lãnh đạo công nghệ khác đã gửi kiến nghị tới Liên Hợp Quốc kêu gọi ban hành quy định về việc phát triển các loại vũ khí mới. Nhóm này cho rằng, công nghệ AI sẽ tạo ra “cuộc cách mạng vũ khí lần thứ 3”, sau thuốc súng và vũ khí hạt nhân.

 

8. Thực tế tăng cường AR

 

ar

Thực tế tăng cường AR (augmented reality), một khái niệm có thể còn mới mẻ với không ít người, song đây được xem là công nghệ sẽ thay đổi thế giới trong tương lai.

Theo đó, AR là công nghệ tích hợp đồ họa máy tính và mạng internet với thế giới thực. AR tập trung vào việc kết hợp giữa thế giới thật với thông tin ảo, không phải tách bạn ra một không gian riêng như VR (thực tế ảo). AR cũng sẽ cho phép bạn tương tác với nội dung ảo ngay trong đời thật, có thể là chạm vào, có thể phủ một lớp hình ảnh lên trên…

Dự đoán, tính ứng dụng của AR với cuộc sống con người trong tương lai là không có giới hạn từ: Giải trí, giáo dục, thương mại… Ví dụ như với AR, trong tương lai, chỉ cần một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng, giáo viên có thể tạo ra một bài giảng rất sinh động bằng cách kết hợp giữa tài liệu trên giấy với các mô phỏng 3D mà học sinh có thể tương tác.

Để nói về tầm quan trọng của AR, CEO Apple Tim Cook cho biết, công nghệ này sẽ thay đổi thế giới giống như việc Apple đã ra mắt chiếc iPhone đầu tiên của 10 năm trước đây.

 

9. Loa thông minh

 

Digital marketing icons in speaker shape abstract background: vector illustration.

Digital marketing icons in speaker shape abstract background: vector illustration.

 

Bên cạnh smartphone, loa thông minh là một “mặt trận” khốc liệt khác của làng công nghệ thế giới năm 2017.

Sau khi chứng kiến Amazon hốt bạc với những mẫu loa thông minh: Echo Dot, Echo Plus, Eco Show và mới nhất là Echo Spot, hàng loạt các hãng công nghệ đã đổ xô vào lĩnh vực được dự đoán đầy tiềm năng này. Những cái tên tham gia cuộc đua này có thể kể đến: Apple với chiếc HomePod, Google với Google Home, Samsung, Xiaomi…

Với việc được tích hợp trí tuệ nhân tạo, bên cạnh ứng dụng truyền thống như phát nhạc, thiết bị này đang được các hãng công nghệ định vị như một trung tâm điều khiển của ngôi nhà thông minh: bật tắt tivi, điều hòa, khóa cửa…

Ngoài ra, các thế hệ loa thông minh hiện tại còn được tích hợp hàng loạt tính năng hữu dụng khác như: xem tin tức, kết quả thể thao, thời tiết, thông tin chuyến bay, đặt xe qua Uber…

 

10. Bill Gates mất ngôi vị số 1 thế giới

 

Bỏ qua các mảng tối, hay những khái niệm có phần khô khốc nh

ư AR hay AI, sự kiện công nghệ tiêu biểu cuối cùng trong năm được VTV News lựa chọn đó là chính là việc cựu chủ tịch Microsoft Bill Gates mất đi ngôi vị số 1 người giàu nhất thế giới

 

amazon

Vào cuối tháng 10 vừa qua, ông chủ Amazon Jeff Bezos đã chính thức vượt mặt Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới.

Hiện theo Bloomberg Billionaires Index, Jeff Bezos đang sở hữu số tài sản lên đến 99,6 tỷ USD, bỏ xa Bill Gates, người đang đứng thứ 2 với 91,3 tỷ USD. Thậm chí, vào ngày 25/11 với liều “doping” mang tên Black Friday, Jeff Bezos đã trở thành người thứ 2 trên thế giới có tài sản cán mốc 100 tỷ USD.

Ngoài việc cho đi những khoản tiền lớn để làm từ thiện, việc Bill Gates bị Jeff Bezos qua mặt cũng phản ánh sự phát triển ngày càng mạnh mẽ của thương mại điện tử. Trong đó, Amazon của Jeff Bezos đang là một trong những công ty thương mại điện tử hùng mạnh nhất thế giới.

Theo VTV

Tin liên quan