1. Khơi gợi cảm xúc
Ngày nay, dành được sự chú ý của khách hàng thật khó. Bạn không thể thuyết phục khách hàng chỉ bằng những sản phẩm và lợi ích. Mỗi ngày, chúng ta nhận hàng trăm thông điệp khác nhau. Có cái nào trong số đó thực sự ở lại trong tâm trí? Chắc chắn rằng không phải những hứa hẹn lợi ích hay công dụng sản phẩm. Chúng ta cần nghe một lời tâm tình từ như một người bạn hoặc những từ ngữ khơi gợi những cảm xúc tốt đẹp từ sâu thẳm. Và nếu slogan của bạn làm được điều đó, có nghĩa là nó đã đặt được một căn phòng nhỏ trong tâm trí của bạn.
Ví dụ: “Abeliebe – Ngọt ngào như vòng tay âu yếm” ; “Kinh Đô – Trao thành ý, bền tâm giao”; “Ấm áp như lòng mẹ – chăn ga gối đệm Hanvico”.
2. Kết hợp hài hòa với logo
Nếu tôi nói đến điều này thì cũng không phải với tư cách một nhà thiết kế thương hiệu. Trong hầu hết các trường hợp bạn nhìn thấy slogan luôn song hành cùng logo. Chỉ trừ trường hợp quảng cáo trên sóng phát thanh. Trong quá trình thiết kế thương hiệu bạn có thể có logo trước rồi sáng tác slogan phù hợp sau. Hoặc cả 2 việc này song hành cùng một thời điểm. Hãy nhớ rằng slogan của các thương hiệu lớn thay đổi trong từng thời kỳ nhưng luôn ăn nhập với logo của họ.
3. Đừng ngại nó quá dài
Trong bài 5 từ khóa để có một slogan hay, chúng tôi có nhắc đến tiêu chí ngắn gọn như một tiêu chí quan trọng hàng đầu của một slogan hay. Ở đây chúng tôi cũng không phải muốn thay đổi lại tiêu chí. Có điều, đôi khi bạn cũng cần cân nhắc giữa vẻ đẹp của slogan với tính hiệu quả trong truyền tải thông điệp. Có phải bạn là fan hâm mộ của những slogan như “Cứ làm đi – Nike” hay “Nghĩ khác biệt – Apple”? Đúng, nó rất hay. Nhưng để thành công những thương hiệu này buộc phải nỗ lực rất lớn để truyền thông đến công chúng của họ. Nếu bạn không có một nguồn lực to lớn như vậy, cách tốt nhất là hãy có một thông điệp hiệu quả, dù không quá ngắn gọn. Trong một số trường hợp những thương hiệu lớn cũng sử dụng những slogan dài rất hiệu quả.
Ví dụ: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu – Prudential”, “He keeps going and going and going – Energizer” .
Lời khuyên: Độ dài dưới 8 từ là chấp nhận được với một slogan. Nếu slogan của bạn có vần điệu, dễ nhớ hoặc quen thuộc với công chúng, bạn có thể cho phép nó dài hơn 1 chút.
4. Tiêu cực không có nghĩa là xấu
Những từ như “không bao giờ”, “không có ai”, “đừng” … có vẻ như tiêu cực. Tuy nhiên vẫn có những slogan thành công khi sử dụng những thuật ngữ này. Kinh nghiệm là phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Ví dụ: “Không ai hiểu làn da bạn hơn Dove” có thể rất tích cực. Vì người nghe không có thời gian để phản ứng với từ “không” mà sẽ nắm bắt ngay lập tức trọn ý của cả câu slogan. Nó vẫn hợp lý và hiệu quả.
5. Hãy kêu gọi hành động
Nghĩa cổ của slogan là tiếng hô xung phong của người lính khi đánh trận. Nguồn gốc chỉ ra rằng slogan cần có sự kêu gọi hành động trong đó. Ví dụ tiêu biểu nhất cho slogan loại này phải kể đến “Just do it” hoặc “Think” của IBM, “Live Unboring – Ikea”. Ngày nay, có nhiều cách khác nhau để sáng tạo slogan nhưng một trong những cách hiệu quả nhất vẫn là sử dụng những câu khẩu ngữ kêu gọi người nghe hành động.
6. Tránh xa các từ sáo rỗng
Những từ như “hàng đầu”, “đẳng cấp”, “hạng nhất”, “tốt nhất”, “dẫn đầu” … là những từ ngữ rất sáo rỗng. Trừ khi đặc biệt phải sử dụng vì tính hợp lý, tôi thường tư vấn cho khách hàng của mình bỏ qua những sáo ngữ này. Gần đây có một hãng hàng tiêu dùng luôn quảng cáo “sản phẩm hàng đầu Việt Nam” trên TV và theo như tôi thấy hãng này thật sự thành công … khi tăng đột biến số người ghét sản phẩm của họ.
Theo Nguyễn Tuấn Hùng , Brand Strategy Consultant