Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp: Tăng niềm tin

Giảm thuế thu nhập doanh nghiệp không phải là cây đũa thần giúp các doanh nghiệp thoát khỏi tình cảnh khó khăn hiện nay nhưng nó tạo động lực, niềm tin cho toàn bộ hệ thống doanh nghiệp và đây chính là giải pháp nuôi dưỡng nguồn thu.

 

255Thực tế đã chứng minh khi chúng ta giảm thuế suất từ 28% xuống 25%, nguồn thu ngân sách không giảm

 

Theo tờ trình của Chính phủ trước Quốc hội, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp hiện hành quy định mức thuế suất phổ thông là 25%. Để thực hiện chiến lược cải cách thuế đến năm 2020 là giảm dần mức động viên, tại Khoản 6, Điều 1 Dự thảo luật quy định từ 1/1/2014 áp dụng mức thuế suất phổ thông là 22%; doanh nghiệp sử dụng dưới 200 lao động và có tổng doanh thu năm không quá 20 tỉ đồng được áp dụng thuế suất phổ thông 20% kể từ 1/7/2013.

 

Từ ngày 1/1/2016, mức thuế suất phổ thông là 20% (Khoản 6, Điều 1) và mức thuế suất ưu đãi 20% được điều chỉnh giảm xuống còn 17% (Khoản 7, Điều 1). Với việc điều chỉnh thuế suất phổ thông và thuế suất ưu đãi như nêu trên, đồng thời bổ sung đối tượng ưu đãi do rà soát và bổ sung ưu đãi đối với đầu tư mở rộng, dự kiến giảm thu ngân sách năm 2014 khoảng 22.200 tỉ đồng; năm 2016 dự kiến giảm thu ngân sách thêm khoảng 21.190 tỉ đồng đến 21.580 tỉ đồng so với mặt bằng thuế suất 22%.

 

Phần lớn ý kiến Đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định về giảm thuế suất và lộ trình giảm thuế suất như dự thảo luật là 22% vào năm 2014 và 20% vào 2016 là hợp lý. Chủ trương giảm thuế suất là bảo đảm phù hợp với chiến lược cải cách thuế; góp phần tạo điều kiện cho doanh nghiệp tích lũy vốn, mở rộng sản xuất nâng cao tính cạnh tranh; đẩy mạnh, khuyến khích thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

 

Theo đại biểu Trần Du Lịch: Thuế suất thu nhập doanh nghiệp giảm từ 25% còn 22% và đến 2016 còn 20% là hợp lý vì hiện nay nhiều doanh nghiệp lỗ không có tiền đóng thuế nên thuế suất bao nhiêu không quan trọng và không ảnh hưởng đến thu ngân sách. TP HCM hiện chỉ có 30% doanh nghiệp có lãi, còn 70% lỗ nên không có tiền đóng thuế. Việc các Cty kiểm toán nước ngoài tham gia góp ý dự luật cho rằng, mức thuế suất hiện hành là 25% nhưng thực chất là 27% vì nhiều khoản thực chi không được khấu trừ.

 

Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa – Chủ tịch HĐQT Liên hiệp hợp tác xã Thương mại TP HCM (Saigon Co.op) nhấn mạnh: việc giảm thuế hiện nay sẽ tạo lòng tin khi doanh nghiệp thấy có sự đồng hành và chia sẻ từ nhà nước. Một số lập luận cho rằng, hiện nay doanh nghiệp khó khăn, không có doanh thu để nộp thuế thì giảm cũng không có nhiều ý nghĩa, nhưng tôi cho rằng, khó khăn hiện nay là nhất thời và giảm thuế cũng chỉ là một trong nhiều chính sách hỗ trợ thị trường và doanh nghiệp. Nhiều gói hỗ trợ tác động tương hỗ sẽ tạo ra niềm tin và kỳ vọng để thúc đẩy doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

 

Việc chủ động giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp từ 25% xuống 22% là điều tích cực. Tuy nhiên, tôi đề nghị nên miễn thuế thu nhập doanh nghiệpđối với phần đưa vào Quỹ tích lũy không chia của hợp tác xã. Điều này vừa thể hiện bản chất xã hội của hợp tác xã, xem như khoản nhà nước tạm không thu thuế để hỗ trợ các hợp tác xã mở rộng sản xuất kinh doanh, bởi hợp tác xã là tập hợp của những người yếu thế, sản xuất nhỏ.

 

Việc xác định mức thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệpbao nhiêu cần xem xét toàn diện. Chính thuế suất này sẽ là dòng chảy hướng các luồng đầu tư. Nếu đưa ra mức thuế suất quá cao thì doanh nghiệp sẽ không đến đầu tư ở Việt Nam. Ngoài ra, trong điều kiện hiện nay, phải có lộ trình khoan sức doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp sẽ mở rộng sản xuất kinh doanh bởi tiền được giảm thuế doanh nghiệp cũng không cất vào tủ mà sẽ tiếp tục bỏ vào sản xuất. Quy mô sản xuất tăng, doanh thu tăng thì tiền thuế sẽ tăng. Thực tế khi giảm thuế suất từ 28% xuống 25%, nguồn thu của chúng ta không giảm. Đây chính là nuôi dưỡng nguồn thu.

 

Nguồn: DĐDN

Tin liên quan