Triết lý thành công của các CEO công nghệ

Nhịp độ không nghỉ của khoa học công nghệ luôn khiến các doanh nhân hoạt động trong lĩnh vực này hoặc phải tự làm mới mình, hoặc phải từ giã cuộc chơi. Chúng ta hãy xem quan niệm sống của họ như thế nào để tồn tại dưới sức ép cạnh tranh dữ dội đó.

Tỷ phú Elon Musk, Tổng Giám đốc Tập đoàn SpaceX:

 

Khi phỏng vấn một ứng viên tiềm năng, nếu anh/cô ấy bảo rằng “tất cả là ở tiến bộ công nghệ”, tôi xem đó là dấu hiệu không tốt.

Vấn đề ở chỗ tại rất nhiều doanh nghiệp lớn, công nghệ đang trở thành thứ thay thế đầu óc tư duy. Bạn được khuyến khích để hành xử như một phần trong bộ máy phức tạp. Nói thẳng ra là nó sẽ khiến bạn không còn thông minh, không còn sáng tạo nữa.

Marissa Mayer – Chủ tịch kiêm CEO Yahoo:

 

Tôi luôn làm việc gì mà tôi còn chưa thật sẵn sàng lắm. Tôi cho rằng đó là cách để bạn phát triển bản thân. Khi có khoảnh khắc “Wow, tôi không chắc mình sẽ làm được việc này” và bạn vượt qua được nó, đó là khi bạn bứt phá. Đôi khi đó là tín hiệu cho thấy một việc rất tốt sẽ đến. Bạn sẽ trưởng thành và học hỏi được nhiều từ chính mình.

Jeff Bezos – CEO Amazon:

 

Nếu bạn tập trung vào đối thủ cạnh tranh, bạn sẽ phải chờ cho tới khi một đối thủ khác làm gì đó rồi mới hành động. Còn nếu là người tập trung vào khách hàng, bạn sẽ là người luôn dẫn đầu.

Mark Zuckerberg – CEO Facebook:

 

Mục tiêu của tôi không bao giờ chỉ là tạo dựng một công ty. Rất nhiều người hiểu lầm điều này, họ tưởng rằng tôi không quan tâm tới doanh thu, lợi nhuận hay bất cứ điều gì trong số đó. Nhưng với tôi, “không chỉ là một công ty” có nghĩa là xây dựng một cái gì đó thực sự tạo ra ảnh hưởng lớn với thế giới.

Larry Page – đồng sáng lập Google:

 

Công việc của tôi trong tư cách lãnh đạo là đảm bảo sao cho mọi người trong công ty có được những cơ hội lớn, giúp họ cảm thấy đang tạo ra được ảnh hưởng có ý nghĩa và đóng góp vào tiến bộ xã hội. Mục tiêu của tôi với Google là dẫn đường chứ không chạy theo.

Tim Cook – CEO Apple:

 

Không cho phép bản thân có suy nghĩ hẹp hòi là điều rất quan trọng – có lẽ là điều quan trọng nhất theo suy nghĩ của tôi với tư cách một CEO. Hiện tại thật may mắn là sẽ rất khó để một CEO của Apple có thể hẹp hòi trong suy nghĩ, nhưng điều đó vẫn có khả năng xảy ra.

Đối diện với các khách hàng, nhân viên cũng như báo chí, bạn sẽ nhận được vô số phản hồi. Vấn đề lớn hơn là phải xử lý những điều đó và quyết định xem nên quan tâm cái gì và nên gạt bỏ cái gì.

Jeff Weiner – CEO Linkedln:

 

Bạn càng chịu trách nhiệm về nhiều người hơn thì những lời nói, cách giao tiếp, ngôn ngữ cơ thể và nhất là cách hành xử của bạn càng quan trọng hơn với đội ngũ của mình.

Bạn cần phải ý thức cẩn trọng hơn về cách cư xử của bản thân và tôi nghĩ các lãnh đạo giỏi nhất luôn có nhận thức tỉnh táo với môi trường xung quanh tại mọi thời điểm đang diễn ra.

Susan Wojcicki – CEO YouTube:

 

Khi tôi lần đầu tiên tới YouTube, tôi thực sự muốn dành thời gian để lắng nghe và học hỏi. Tôi muốn hiểu rõ môi trường làm việc của mình. Một trong những việc tôi thực sự muốn làm là ngắm nhìn các tài năng sáng tạo của mình và nghĩ cách làm sao có thể giúp họ phát triển, thúc đẩy công việc kinh doanh cũng như những nội dung hấp dẫn họ đang xây dựng.

Reed Hastings – CEO Tập đoàn Netflix:

 

Những người có trách nhiệm luôn khao khát tự do và xứng đáng được tự do. Mô hình làm việc của chúng tôi là tăng cường sự tự do thay vì giới hạn điều đó, và tiếp tục thu hút, nuôi dưỡng những tài năng sáng tạo để chúng tôi có cơ hội thành công bền vững hơn.

Jack Ma – CEO Tập đoàn Alibaba:

 

Những người thông minh cần một gã ngốc chỉ huy họ. Khi một đội ngũ gồm toàn các nhà khoa học, sẽ là tốt nhất nếu đội ngũ đó có một người kém xuất sắc hơn họ lãnh đạo. Cách nghĩ của anh ta sẽ khác. Bạn sẽ dễ dàng chiến thắng hơn nếu tổ chức của bạn có những người có thể nhìn sự việc theo những cách khác biệt. 

 

Theo DNSG

Tin liên quan