Tạo cơ sở pháp lý cho giao dịch thương mại điện tử

Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết trong tháng 6 tới, cơ quan này sẽ hoàn thiện dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm trong thương mại điện tử.

 
Ảnh minh họa. (Nguồn: wsiinternetservices.com)

 

Theo đó, Nghị định này sẽ quy định cụ thể về các hoạt động thương mại điện tử cũng như công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực này, với mục tiêu tạo lập hành lang pháp lý cho các giao dịch thương mại điện tử được tiến hành một cách minh bạch, trên cơ sở cạnh tranh lành mạnh, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia, qua đó tạo điều kiện để thương mại điện tử phát triển, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và xây dựng các tập quán thương mại hiện đại cho Việt Nam.

Thời gian qua, một loạt vụ việc liên quan đến hoạt động thương mại điện tử như MB24, Nhóm Mua, Deal Sốc,… đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động thương mại điện tử Việt Nam.

Bên cạnh việc tham gia các trang bán hàng theo nhóm (group on), hiện có rất nhiều doanh nghiệp chủ động tham gia bằng cách trực tiếp đăng khuyến mại và chịu mọi trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, dịch vụ của mình, mà không cần phải thông qua một bên thứ ba nào.

Theo kết quả điều tra sơ bộ tình hình ứng dụng thương mại điện tử tại các doanh nghiệp phục vụ Chương trình chỉ số thương mại điện tử 2012 cho thấy, hầu hết các doanh nghiệp đã sử dụng email trong hoạt động kinh doanh với các mục tiêu chủ yếu là quảng bá, giới thiệu doanh nghiệp, trao đổi thông tin kinh doanh và chăm sóc khách hàng.

Trên 40% doanh nghiệp tham gia điều tra có website và 12% doanh nghiệp tham gia các sàn thương mại điện tử. Hoạt động kinh doanh trên các website cho phép đặt hàng trực tuyến, 20% doanh nghiệp cho biết tham gia các sàn thương mại điện tử mang lại hiệu quả cao.

Ông Lê Danh Vĩnh – Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) cho biết, dưới sự tác động của thương mại điện tử, môi trường kinh doanh trực tuyến tạo ra rất nhiều cơ hội cũng như tạo ra áp lực canh tranh gay gắt đối với doanh nghiệp.

Vì thế, doanh nghiệp nào nắm bắt được xu thế mới có thể lớn mạnh nhanh, doanh nghiệp nào lỗi nhịp với xu hướng mới có thể mất khách trong một thời gian rất ngắn. Hơn nữa, với “số liệu khủng” được công bố mới đây trên 33% dân số Việt Nam thường xuyên truy cập Internet, tương đương với 30 triệu lượt người, Việt Nam vào tốp 20 nước trên thế giới có lượng truy cập Internet nhiều nhất… cho thấy lượng khách hàng tiềm năng, thực sự hấp dẫn đối với sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam trong những năm tới.

Tuy nhiên, với nhiều sự việc có dấu hiệu lừa đảo xảy ra liên tiếp trong thời gian vừa qua, nhiều người tỏ ra e ngại về môi trường pháp lý, cũng như thủ tục thanh toán chưa thực sự bảo vệ người tiêu dùng khi tham gia thương mại điện tử./.

 

Theo TTXVN

Tin liên quan