Làm thế nào để xây dựng chiến lược marketing và thương hiệu hiệu quả?

Xây dựng chiến lược Marketing và thương hiệu là một trong những hoạt động quan trọng quyết định thành công và vị thế của doanh nghiệp trước môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Đặc biệt, với những hạn chế về ngân sách cũng như kinh nghiệm, việc lựa chọn một giải pháp, chiến lược Marketing khéo léo luôn là một câu hỏi lớn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Đây cũng chính là chủ đề của SATUS CAFE II – Cafe chia sẻ, một hoạt động nằm trong khuôn khổ dự án Kết nối và hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ 2013 khu vực Hà Nội – do Lãnh sứ quán Hoa Kỳ bảo trợ. Chương trình có sự góp mặt của ba vị khách mời: Ông Lê Quốc Vinh – Chủ tịch HĐQT Tập Đoàn Le Group , bà Phạm Thị Thanh Long – Quản lý Thương hiệu và Truyền thông IBM Việt Nam và ông Hoàng Hải Đường –  Chủ tịch tập đoàn Truyền thông và Quảng cáo Goldsun cùng các mentee của chương trình.

Ngay từ đầu chương trình, không ít mentee (những doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia dự án SME 2013 với tư cách người được cố vấn) đã gửi tới các vị khách mời (cũng là mentor của dự án) những câu hỏi liên quan đế vấn đề sử dụng ngân sách cho quảng cáo, truyền thông. Theo ông Hoàng Hải Đường, không chỉ với doanh nghiệp vừa và nhỏ mà ngay cả đối với các doanh nghiệp lớn vấn đề này luôn luôn là một câu hỏi hóc búa. Theo chia sẻ của các mentor, việc xác định ngân sách cho Marketing trước tiên phải dựa trên kì vọng về doanh số. Thông thường các công ty sẽ trích khoảng  8 -10% ngân sách hoặc thậm chí với một số “ông lớn” như Coca Cola, con số này có thể lên đến 45% vào thời điểm công ty này quay trở lại quảng bá tại thị trường Việt Nam.

 

Tiếp tục bàn luận về vấn đề ngân sách cho Marketing, một mentee chia sẻ khó khăn khi doanh nghiệp mình đã phải dành ra chi phí không hề nhỏ để được đăng bài trên một báo mạng. Theo ông Lê Quốc Vinh, trước hết doanh nghiệp cần xác định mục đích PR cốt lõi, đó là làm cho khách hàng biết đến thương hiệu, sau đó không ác cảm với công ty, cuối cùng mới khiến họ yêu mến mình. Dựa trên mục đích đó, doanh nghiệp phải xác định nội dung cụ thể cần PR và “tạo ra câu chuyện” đáng nói,  thay vì “cố đấm ăn xôi” trong khi chưa có thông tin gì nổi bật. Theo đó, “câu chuyện” tự nhiên sẽ thu hút báo chí mà không tốn một khoản chi phí nào. Một vấn đề khác cũng được nhiều mentee quan tâm và đặt câu hỏi đó là công cụ đánh giá hiệu quả marketing hay làm sao để xác định liệu lượng ngân sách đã đầu tư cho truyền thông có đem lại doanh thu mong muốn.

Trước vấn đề này, ông Lê Quốc Vinh cho rằng không thể đánh giá hiệu quả của PR bằng doanh số bởi mục tiêu của PR là xây dựng tình yêu, niềm tin của khách hàng. Hơn nữa, tăng trưởng doanh thu không chỉ phụ thuộc vào Marketing mà còn nhiều yếu tố khác. Ông đã đưa ra một ví dụ rất tiêu biểu: Bia Lazer từng rất thành công khi tung ra video quảng bá ấn tượng, gợi lên sự đẳng cấp, sang trọng của sản phẩm. Nhưng sau đó do chưa biết cách phân phối sản phẩm đến đúng  khách hàng tiềm năng mà bia Lazer nhanh chóng mất chỗ đứng trên thị trường. Thêm vào đó, theo ông, các doanh nghiệp cần tỉnh táo trước những nút “like” ảo trên các mạng xã hội và phải xem xét tới các chỉ số thể hiện độ tương tác cao hơn (như comments, lượng share, …). Ngoài ra, theo lời khuyên từ các mentor, bên cạnh ngân sách, doanh nghiệp cần chú trọng đầu tư vào con người để nâng cao hiệu quả Marketing.

Từ những chia sẻ khó khăn của anh Kiên – 1 trong các mentee của chương trình –  trong việc tiếp cận khách hàng và các tổ chức kết nối doanh nghiệp trong ngành IT khi công ty bước vào thị trường quốc tế, bà Phạm Thị Thanh Long cho rằng, doanh nghiệp trước tiên cần xác định rõ khách hàng mục tiêu, khảo sát các mạng xã hội thông dụng trên thế giới (ví dụ ở Mỹ là Twitter, ở Trung Quốc là Sina Weibo,…). Ngoài ra, ông Lê Quốc Vinh cũng tin rằng công ty cần có tư duy toàn cầu (think globally) về sản phẩm sau đó mới có thể xác định một chiến lược Marketing toàn cầu. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên xác định ước số chung, nhằm vào thị trường lớn, tránh việc “đánh lẻ” vào từng thị phần nhỏ. Thêm vào đó, ông cũng nhấn mạnh việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp phù hợp với đối tượng khách hàng (ví dụ: ngôn ngữ riêng của những người chơi game), đặc biệt khi bước chân vào thị trường thế giới, việc thành thạo tiếng Anh cũng là một điều kiện tiên quyết.

Một mentee khác đang khởi nghiệp trên lĩnh vực truyền thông đã đưa ra thắc mắc về cách thức truyền thông hiệu quả khi khách hàng chủ yếu là các doanh nghiệp. Theo ông Hoàng Hải Đường, công ty không nên giới hạn số lượng khách hàng, thay vào đó là tập trung chăm sóc một số khách hàng lâu dài. Công ty cần luôn chủ động lắng nghe, nắm bắt nhu cầu của những khách hàng này, từ đó phát triển các sản phẩm phù hợp, đưa giá trị của công ty đồng hành với các hoạt động của họ.

Ngoài ra, anh Thắng – một doanh nghiệp trẻ trong lĩnh vực E-commerce đưa ra câu hỏi về việc làm sao để tiếp cận và thay đổi thói quen mua hàng truyền thống của nhiều người Việt sang mua sắm trực tuyến. Về vấn đề này, ông Hoàng Hải Đường nhận định, việc thay đổi thói quen của khách hàng là vô cùng nan giải. Thay vào đó, doanh nghiệp cần chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ giao hàng, cải thiện giao diện web để thuận tiện cho giao dịch online, tập trung vào các mặt hàng đặc thù mà khách hàng khó có thể tìm mua ở các chợ hay siêu thị. Thêm vào đó, theo ông Lê Quốc Vinh, doanh nghiệp của anh Thắng có thể xâm nhập vào thị trường ngách, tiếp cận những đối tượng khách hàng là những người bận rộn, thu nhập cao, không có thời gian mua sắm trực tiếp tại các chợ hay siêu thị. Hình thức quảng bá qua mobile (như  mã QR,…) và truyền miệng (ví dụ: trên các mạng xã hội) cũng được ông Lê Quốc Vinh và ông Hoàng Hải Đường đề cập như một công cụ marketing rẻ và hiệu quả.

Bên cạnh các câu hỏi về ngân sách Marketing, cách tiếp cận khách hàng, vấn đề đặt tên thương hiệu cũng được anh Hoài – một doanh nghiệp trẻ đặt câu hỏi tới các khách mời. Theo ông Hoàng Hải Đường, các công ty khi trong những ngày đầu thành lập nên xác định tên thương hiệu trước khi xác định sản phẩm mục tiêu. Tên thương hiệu cần nhắm đúng vào khách hàng mục tiêu dài hạn và gợi nhớ đến sản phẩm.

Trong thời gian còn lại của chương trình, các khách mời tiếp tục giải đáp thắc mắc của một mentee hoạt động trên lực lĩnh vực tổ chức sự kiện về cách thức truyền thông hiệu quả nội dung của chương trình tới người xem. Ông Lê Quốc Vinh đã đưa ra định nghĩa cô đọng về tổ chức sự kiện đó là việc “bán nội dung” của sự kiện đó nhằm tạo ra giá trị cho cộng đồng. Ông cho rằng, để chiến dịch marketing đạt hiệu quả, trước hết doanh nghiệp cần xác định nội dung cốt lõi của sự kiện, từ đó tạo ra sự tò mò và thu hút sự chú ý của khách hàng.

Nằm trong khuôn khổ dự án Kết nối và Hỗ trợ Doanh nghiệp vừa và nhỏ 2013, có thể nói hoạt động Satus Cafe đã đem lại kịp thời những phương án hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trong khi còn nhiều doanh nghiệp cảm thấy “mơ hồ” trước việc xây dựng chiến lược Marketing và truyền thông thương hiệu.

Theo DNSG

Tin liên quan