Bí quyết tích hợp chiến dịch marketing với mạng xã hội hiệu quả

Ngày nay mọi hoạt động trên mạng xã hội đều là một phần của chiến dịch marketing. Dưới đây là một số bí quyết giúp bạn tích hợp những hoạt động trực tuyến với các nỗ lực marketing khác một cách hiệu quả.

Nếu như bạn đang nghĩ tới việc làm cách nào để kênh mạng xã hội có thể hỗ trợ cho chiến dịch marketing đạt được những mục tiêu đã đề ra, bạn đang có khởi đầu rất tốt.

Khi khách hàng bắt gặp điều gì đó về thương hiệu hay sản phẩm của bạn trên một kênh truyền thông, điều đó sẽ được “buộc chặt” vào thương hiệu của bạn trong tâm trí khách hàng.

Theo một khảo sát mới đây của CMO Insights, chỉ 22% các doanh nghiệp đang tích hợp các kênh mạng xã hội với các hoạt động marketing ngoài thực tế một cách hiệu quả, và chỉ có 29% các doanh nghiệp tại Vương quốc Anh cho rằng hoạt động marketing trực tuyến của họ được kết nối với các kênh khác.

1. Những nhân tố quan trọng của chiến dịch marketing tích hợp

Trước khi bắt đầu một chiến dịch marketing tích hợp, hãy nhìn lại mục tiêu mà doanh nghiệp muốn đạt được sau chiến dịch.

Cần nhớ rõ 4 yếu tố quan trọng cấu thành một chiến dịch marketing tích hợp hiệu quả:

    • Sự mạch lạc – Liệu tất cả các khía cạnh của chiến dịch đã được kết nối một cách logic và chặt chẽ?

    • Sự nhất quán – Liệu tất cả các thông điệp được truyền tải và các ý nghĩa khách hàng có thể liên hệ tới sẽ không đối lập và sẽ bổ trợ lẫn nhau?

    • Tính liên tục – Các kênh truyền thông trong chiến dịch có liên kết và nhất quán với nhau xuyên suốt chiến dịch?

    • Tính bổ sung – Tất cả các cấu phần của chiến dịch có tạo ra một giá trị bổ sung nào khác hay không?

2. Hãy để chiến dịch của bạn bùng nổ trên mạng xã hội

Một suất quảng cáo trên ti vi có thể chỉ cho phép thương hiệu xuất hiện khoảng 30 giây, thậm chí ít hơn. Các ấn phẩm cũng chỉ dành nhiều nhất là 2 trang cho mỗi thương hiệu quảng cáo mà thôi. Ngược lại, trên các trang mạng xã hội, bạn có thể quyết định mức độ và tần suất xuất hiện trước người dùng internet.

Đó chính là lý do tạo sao chúng ta vẫn thường thấy các thương hiệu tiêu dùng lớn tại Việt Nam như Vinacafe, Coca-Cola…, ngoài việc đưa các đoạn video quảng cáo nhân dịp Tết trên ti vi vào các giờ vàng, đăng những đoạn quảng cáo này trên các trang mạng xã hội, đặc biệt là Facebook, Youtube với phiên bản đầy đủ, không bị cắt ngắn do giới hạn thời lượng như trên ti vi.

3. Sử dụng từ khoá một cách nhất quán

Hãy đem những thảo luận ngoài cuộc sống lên mạng. Các từ khoá độc đáo, nhất quán cần phải được sử dụng thường xuyên để kêu gọi sự tương tác liên tục. Những từ khoá này cần nhất quán và chính xác với những nội dung trong các tài liệu marketing đã được in ra, cũng như các mẩu hội thoại trên mạng xã hội, hay thông điệp trên radio hoặc ti vi…

4. Tạo ra chỉ dẫn phong cách cho chiến dịch của bạn

Các trang mạng xã hội cho phép bạn đăng tải nội dung theo thời gian thực, tương tác theo thời gian thực với khách hàng và nhiều điều linh hoạt khác mà quảng cáo trên các kênh truyền thống không có được. Điều này cũng đồng nghĩa rằng bạn không thể cứng nhắc rằng bất kỳ nội dung gì cũng cần phải kiểm duyệt mới được đăng lên, đặc biệt là khi bạn có được cơ hội quảng cáo trong một sự kiện nào đó thật quan trọng.

Chẳng hạn, khi diễn ra trận chung kết bóng bầu dục Mỹ – Super Bowl, còn biết đến là Siêu cúp Bóng bầu dục Mỹ. Đây là sự kiện mà người ta vẫn nói rằng người Mỹ có thể không dự Quốc khánh, bỏ qua lễ tuyên thệ Tổng thống, nhưng ít khi bỏ trận chung kết này. Bởi vậy, để chạy đua với trận bóng đang diễn ra, sẽ không có thời gian cho các lãnh đạo kiểm duyệt từng nội dung một, thay vào đó, đội ngũ marketing cần “chộp” lấy từng khoảnh khắc và đăng tải những thông tin liên quan trên các kênh mạng xã hội ngay.

Đây chính là lý do tại sao bạn cần tạo ra một chỉ dẫn cụ thể về từ ngữ sử dụng, hình ảnh, giọng điệu sẽ được sử dụng xuyên suốt chiến dịch. Điều này đảm bảo những đăng tải có tính “ngay lập tức” như trên sẽ đem đến thông điệp ăn khớp với chiến dịch marketing dài hơi của doanh nghiệp.

Đồng thời, việc có chỉ dẫn phong cách cũng sẽ đảm bảo những trang mạng xã hội của doanh nghiệp sẽ có “diện mạo” ăn khớp với các hình ảnh quảng cáo của chiến dịch.

5. Kết hợp quảng cáo trên ti vi với đối tượng hướng tới trên mạng xã hội

Nếu như doanh nghiệp đã chi ra một khoản tiền đáng kể cho một suất quảng cáo trên ti vi, hãy tận dụng tối đa khoản đầu tư này bằng cách hướng tới các khán giả – những người có thể sẽ nói về quảng cáo đó trên mạng xã hội.

Theo Businessinsider, 46% người sử dụng smartphone tại Mỹ sử dụng điện thoại trong khi đang xem ti vi mỗi ngày, và 20% người sử dụng máy tính bảng đã mua những sản phẩm được quảng cáo trên ti vi.

Do vậy, kết hợp quảng cáo trên ti vi với mạng xã hội sẽ giúp tần suất thương hiệu tiếp cận khán giả tăng lên 2 lần, từ đó có thể giúp biến những người quan tâm thành người ủng hộ, theo dõi, và xa hơn là trở thành khách hàng của bạn.

Kết hợp quảng cáo trên ti vi với mạng xã hội sẽ giúp tần suất thương hiệu tiếp cận khán giả tăng lên 2 lần

 

 

6. Kêu gọi hành động rõ ràng

Trong các quảng cáo truyền thống như trên biển hiệu, quảng cáo ti vi, bạn có thể kêu gọi khán giả ghé thăm trang mạng xã hội của mình, nhưng họ sẽ không làm thế nếu như bạn không có một lý do thuyết phục.

Một cách để “lôi kéo” một lượng khán giả đáng kể tới các trang mạng xã hội của mình chính là đưa ra cho họ những nội dung hữu ích có liên quan đến các quảng cáo truyền thống này. Chẳng hạn, nếu như bạn là một công ty sản xuất nước sốt dành cho mỳ Ý, bạn có thể kéo khán giả xem truyền hình tới thăm trang Pinterest để tìm hiểu công thức nấu những món mỳ khác nhau.

Hãy nhắc tới trong các quảng cáo của mình rằng khách hàng có thể tìm thấy những điều hữu ích khác trên trang mạng xã hội của công ty, chắc chắn bạn sẽ chứng kiến sự tăng vọt lượng truy cập vào trang mạng xã hội của mình.

7. Đưa video quảng cáo trên ti-vi vào mục “Tiểu sử” trên fanpage

Trên Facebook, mục tiểu sử – “About” hiện nay đã cho phép bạn thêm video vào. Hãy tận dụng không gian này để giới thiệu video quảng cáo mới của bạn, hoặc thậm chí, tải lên một phiên bản dành riêng cho người dùng Facebook.

Việc chèn một video vào mục “About” chắc chắn sẽ giúp những khách hàng hoặc đối tác tiềm năng của bạn tìm ra bạn dễ dàng hơn.

8. Tạo ra một cuộc thi nhỏ trên mạng xã hội cho các sự kiện

Nếu như bạn đang ở một sự kiện, bạn có thể tạo ra một cuộc thi nho nhỏ trên mạng xã hội dành cho những người đang tham gia sự kiện. Sự kiện này của thể là do bạn tổ chức hoặc là sự kiện bạn đang tham gia, với điều kiện ban tổ chức cho phép.

Cuộc đua nho nhỏ này sẽ khuyến khích khách tham gia đăng tải về thương hiệu hay sản phẩm của bạn trên các tài khoản mạng xã hội của họ, khiến doanh nghiệp tiếp xúc nhiều hơn với những người khác trong sự kiện và những người theo dõi trên mạng xã hội.

Ý tưởng này có thể đặc biệt hữu ích trong các sự kiện lớn và có sự tham gia của nhiều thương hiệu. Chẳng hạn, doanh nghiệp có thể phát ra những linh vật nho nhỏ đại diện thương hiệu tới mọi người tham gia sự kiện, và trao giải cho ai có bức ảnh đẹp nhất.

9. Thu thập thông tin mạng xã hội tại sự kiện

Nếu như bạn đang thu thập thông tin của các khách hàng tiềm năng tại sự kiện, hãy cố gắng giao lưu và hỏi thông tin mạng xã hội của họ cũng như địa chỉ email, số điện thoại. Sau đó có thể nhập thông tin trên mạng xã hội của họ vào một danh sách riêng để tiện liên hệ lại, xây dựng mối quan hệ hay gắn kết trên các trang mạng xã hội với nội dung mà họ có cùng mối quan tâm.

10. Tiếp tục những cuộc trò chuyện sau sự kiện

Nếu như bạn tổ chức một sự kiện, hoặc một bữa tiệc, hãy để sự kiện đó tiếp diễn bằng cách đưa những thảo luận đó lên các kênh mạng xã hội.

Twitter chat hoặc Facebook Hỏi&Đáp sẽ giúp bạn tương tác và cho phép khán giả có được những thông tin chuyên sâu và chính xác hơn. Nó cũng sẽ giúp những người quan tâm tương tác với thương hiệu của bạn.

Kể cả khi bạn không thể duy trì Twitter chat sau sự kiện, bạn vẫn có thể gợi lại những câu hỏi về sự kiện trên mạng xã hội và khiến mọi người nói về thương hiệu của bạn và quay trở lại với bạn vào lần sau. 

 

Theo DNSG

Tin liên quan