CMC cảnh báo chiến dịch APT mới lợi dụng bộ gõ Unikey tấn công người dùng Việt Nam

Hệ thống giám sát và phòng thủ mã độc tập trung CMDD của Công ty CMC Cyber Security vừa phát hiện mẫu mã độc sử dụng kỹ thuật mới lợi dụng phần mềm gõ chữ tiếng Việt Unikey để tấn công người dùng Việt Nam.

apt-1-2

Theo ghi nhận của CMC Cyber Security Lab, các cuộc tấn công APT hiện nay được tổ chức tinh vi với các kỹ thuật mới liên tục được cập nhật (Ảnh minh họa: Internet)

Chuyên gia Công ty CMC Cyber Security nhận định, chiến dịch tấn công có chủ đích APT mới được phát hiện là chiến dịch tấn công được đầu tư nghiên cứu kỹ, rất nguy hiểm vì Unikey hiện là bộ gõ tiếng Việt phổ biến nhất ở Việt Nam.

Theo phân tích của chuyên gia CMC Cyber Security, khi chạy Unikey sẽ tải layout bàn phím us – qua đó thực thi dll kdbus.dll của windows. Lợi dụng đặc điểm này, hacker đã chèn vào một tập tin kbdus.dll độc hại vào cùng thư mục với UnikeyNT.exe để tệp tin này được ưu tiên tải lên thay vì dll của windows. Vì thế khi Unikey được bật, thì đồng thời, mã độc cũng sẽ được thực thi theo mà không gây nghi ngờ gì cho người dùng.

canh_bao_cmc_1

Kẻ tấn công cũng thay đổi thuộc tính về thời gian của tệp tin kdbus.dll về cùng với thời gian của file UnikeyNT.exe để người dễ dàng đánh lừa người dùng hơn. Thực chất file này đã được biên dịch vào khoảng đầu tháng 10 năm nay.

canh_bao_cmc_1_2

Khi tập tin mã độc kbdus.dll được chạy, nó sẽ đọc giá trị đặc biệt đã được chuẩn bị sẵn tại khóa registry HKEY_CLASS_ROOT\.kci\PersistenHandler có tên là “CB5JQLWSYQP2CWVRMJ8NB4CCUE1B8K4A” để lấy thông tin về C&C (máy chủ điều khiển – PV) sẽ kết nối tới. Mã độc sau đó tiếp tục đọc và thực thi payload chính nằm trong cùng khóa trên có giá trị “F430D64D98E6EAC972380D568F080E08”. Payload và các giá trị đặc biệt này đều được mã hóa và chỉ decrypt trong quá trình thực thi của mã độc, qua đó tránh được sự giám sát của các công cụ bảo mật.

canh_bao_cmc_2

Sau khi tải payload lên bộ nhớ, mã độc sẽ thu thập các thông tin của máy tính nạn nhân. Các thông tin thu thập được sẽ được mã hóa và gửi đến C&C server. Sau khi có được thông tin cần thiết, mã độc sẽ thực thi command từ C&C để thực hiện các hành vi nguy hiểm khác.

Chuyên gia CMC Cyber Security khuyến cáo người sử dụng nên kiểm tra kỹ thư mục cài đặt Unikey, loại bỏ file kbdus.dll cùng thư mục hoặc sử dụng sản phẩm chống mã độc để bảo vệ máy tính của mình và chỉ sử dụng unikey chính chủ tải từ trang web chính thức của phần mềm Unikey.org.

Theo ghi nhận của CMC Cyber Security Lab, các cuộc tấn công APT hiện nay được tổ chức tinh vi với các kỹ thuật mới liên tục được cập nhật. Do đó, các cơ quan, tổ chức cần có ý thức cao trong việc đảm bảo an ninh an toàn thông tin cho hệ thống của mình, kịp thời cập nhật các cảnh báo của các đơn vị chức năng chuyên trách về an toàn, an ninh thông tin để có phương án rà soát, phòng chống và ứng phó trước các mối nguy hại có thể xảy ra.

Công ty CMC Cyber Security cũng cho biết hiện tại đơn vị này đã cập nhật mẫu mã độc kbdus.dll trong phần mềm phòng chống mã độc CMDD (CMC Malware Detection and Defense), CMC Internet Security, CMC Antivirus. Người dùng có thể tải phần mềm diệt virus miễn phí CMC Antivirus tại đây.

APT (Advanced Persistent Threat) là hình thức tấn công mạng có mục tiêu cụ thể do tin tặc sử dụng các công nghệ tiên tiến và kỹ thuật lừa đảo để đột nhập mạng mục tiêu và dai dẳng tập trung vào mục tiêu đó trong thời gian dài cho đến khi cuộc tấn công diễn ra thành công (hoặc bị chặn đứng).

Hậu quả của các cuộc tấn công APT là vô cùng nặng nề: tài sản trí tuệ bị đánh cắp (bí mật thương mại hoặc bằng sáng chế…); thông tin nhạy cảm bị xâm nhập (dữ liệu cá nhân, hồ sơ nhân viên…); cơ sở hạ tầng quan trọng của tổ chức bị phá hủy (cơ sở dữ liệu, máy chủ quản trị…) hay toàn bộ tên miền của tổ chức bị chiếm đoạt.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tấn công APT tại Việt Nam đang ngày càng gia tăng cả về số lượng và mức độ tinh vi. Thời gian gần đây, các cơ quan, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng tại Việt Nam đã phát hiện được nhiều chiến dịch tấn công mạnh mẽ vào các ngân hàng, tổ chức tài chính cũng như nhiều cơ quan khối Chính phủ.

Theo Ictnews

Tin liên quan