7 nhóm yêu cầu kỹ thuật cơ bản với sản phẩm tường lửa ứng dụng web
“Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm tường lửa ứng dụng web” cùng “Yêu cầu kỹ thuật có bản đối với sản phẩm quản lý và phân tích sự kiện an toàn thông tin” vừa được Bộ TT&TT ban hành tại các quyết định 1026 và 1027.
Theo đó, với sản phẩm tường lửa ứng dụng web (WAF), Bộ TT&TT khuyến nghị các cơ quan, tổ chức nghiên cứu, phát triển, lựa chọn, sử dụng sản phẩm WAF đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật cơ bản theo 7 nhóm yêu cầu gồm: yêu cầu về tài liệu, quản trị hệ thống, kiểm soát lỗi, yêu cầu về log, hiệu năng xử lý, chức năng tự bảo vệ và chức năng bảo vệ ứng dụng web.
Bộ TT&TT giao Cục An toàn thông tin chủ trì việc hướng dẫn áp dụng các yêu cầu trong “Yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với sản phẩm WAF” (Ảnh minh họa:barracuda.com.vn)
Đối với sản phẩm quản lý và phân tích sự kiện an toàn thông tin (SIEM), các cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển; đánh giá, lựa chọn sản phẩm SIEM khi đưa vào sử dụng trong các hệ thống thông tin được khuyến nghị áp dụng 37 yêu cầu theo 7 nhóm bao gồm: yêu cầu về tài liệu, quản trị hệ thống, kiểm soát lỗi, yêu cầu về log, hiệu năng xử lý, chức năng tự bảo vệ, chức năng phân tích tương quan sự kiện và cảnh báo.
Với mỗi yêu cầu cho từng sản phẩm WAF hay SIEM, Bộ TT&TT cũng nêu rõ các tiêu chí, điều kiện mà sản phẩm cần đáp ứng để đảm bảo chất lượng. Đơn cử như, về yêu cầu quản lý xác thực và phân quyền, theo khuyến nghị, WAF cần cho phép quản lý cấu hình tài khoản xác thực và phân quyền người dùng đáp ứng: hỗ trợ phương thức xác thực bằng tài khoản – mật khẩu, trong đó quản trị viên có thể thiết lập và thay đổi được độ phức tạp của mật khẩu; hỗ trợ phân nhóm tài khoản tối thiểu theo 2 nhóm là quản trị viên và người dùng thường với những quyền hạn cụ thể đối với từng nhóm.
Hay với yêu cầu bảo vệ dữ liệu log của sản phẩm SIEM, trong trường hợp phải khởi động lại do có lỗi phát sinh (ngoại trừ lỗi phần cứng), SIEM phải đảm bảo dữ liệu log đã được lưu lại phải không bị thay đổi trong lần khởi động kế tiếp. Đối với yêu cầu xử lý đồng thời nhiều sự kiện, SIEM phải đáp ứng việc cho phép xử lý và lưu trữ dữ liệu đồng thời 5.000 sự kiện trong khoảng thời gian 1 phút.
Tạo chuẩn mực chung với các sản phẩm an toàn thông tin nội
Theo đại diện Cục An toàn thông tin, việc ban hành các yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với 2 sản phẩm WAF và SIEM là một nội dung thực hiện nhiệm vụ đã được lãnh đạo Bộ TT&TT chỉ đạo, đó là đưa ra các yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho 11 sản phẩm an toàn thông tin trong nước.
Những yêu cầu kỹ thuật cơ bản đối với các sản phẩm WAF và SIEM cũng nhằm khuyến nghị cơ quan, tổ chức có liên quan đến hoạt động nghiên cứu, phát triển, lựa chọn, sử dụng sản phẩm an toàn thông tin trong nước; tạo chuẩn mực chung đối với các sản phẩm an toàn thông tin trong nước, hướng tới chuẩn mực quốc tế.
Đồng thời, thí điểm, đánh giá thực tế việc áp dụng yêu cầu kỹ thuật làm cơ sở xây dựng, ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật cho từng sản phẩm trong giai đoạn tiếp theo.
Cũng theo chia sẻ của đại diện Cục An toàn thông tin, để xây dựng yêu cầu kỹ thuật cơ bản cho từng sản phẩm cụ thể, cơ quan này đã nghiên cứu, lựa chọn các tiêu chuẩn quốc tế như ISO/IEC, bộ tiêu chí đánh giá của các tổ chức uy tín trên thế giới như NIST, Gartner, ICSA Labs, ECSEC Laboratory.
Với việc lựa chọn tài liệu tham chiếu, Cục An toàn thông tin ưu tiên lựa chọn các tiêu chuẩn quốc tế. Trường hợp không có tiêu chuẩn quốc tế phù hợp, Cục An toàn thông tin sử dụng bộ tiêu chí đánh giá của các tổ chức uy tín trên thế giới được đề cập ở trên.
Song song đó, nhằm bảo đảm tính phù hợp và khả thi áp yêu cầu kỹ thuật đối với sản phẩm an toàn thông tin trong nước, Cục An toàn thông tin đã tổ chức làm việc với các doanh nghiệp trong nước để lựa chọn các yêu cầu an toàn phù hợp.
“Các yêu cầu an toàn được lựa chọn trên cơ sở bảo đảm tính khả thi, thống nhất giữa các doanh nghiệp trong nước và bảo đảm chuẩn mực nhất định theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc tương đương”, đại diện Cục An toàn thông tin nhấn mạnh.
Theo ictnews