10 cách tăng doanh số nhờ mobile

Điện thoại di động là vật bất ly thân của hầu hết người tiêu dùng ngày nay. Doanh nghiệp có thể tận dụng đặc điểm này để tiếp cận với khách hàng, bán sản phẩm.

Số điện thoại di động đang có mặt trên thị trường đã gần bằng dân số toàn thế giới. Thống kê của mạng xã hội Facebook cho thấy một nửa số thành viên thường xuyên truy cập từ các thiết bị di động. Khi ra khỏi nhà, bạn có thể quên ví tiền, nhưng không thể thiếu điện thoại di động.

 

Với việc thị trường quảng cáo nói riêng và marketing di động nói chung (mobile marketing) đang bước vào thời kỳ phát triển nhanh, mạnh và có tính ứng dụng cao. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những người buôn bán kinh doanh sẽ có thêm một hình thức tiếp cận khách hàng không quá tốn nhiều chi phí và có thể đem lại hiệu quả bất ngờ cho doanh số.

 

 

1. SMS/MMS Marketing

 

Doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ sms/mms (tin nhắn/tin nhắn đa phương tiện) để tiếp cận khách hàng thông qua việc gửi tin nhắn giới thiệu về sản phẩm, dịch vụ chương trình khuyến mại, sự kiện bán hàng… của mình.

 

Việc lựa chọn đúng khách hàng tiềm năng là một điều quan trọng đối với chiến dịch sử dụng công cụ này. Hơn nữa, doanh nghiệp nên lưu trữ thông tin khách hàng hiện tại, khách hàng tiềm năng của mình để phục vụ khách hàng trước-trong và sau bán tốt nhất qua sms/mms.

 

Một tin nhắn chúc mừng sinh nhật khách hàng nhân dịp sinh nhật của khách hàng, cũng có thể gây ấn tượng và thu hút sự chú ý của khách hàng. Doanh nghiệp có thể sử dụng dịch vụ tin nhắn thương hiệu hoặc tin nhắn đầu số từ các dịch vụ uy tín trên thị trường hiện nay. Nhưng cũng rất lưu ý, tránh lạm dụng dịch vụ này quá mức, sẽ gây ra sự khó chịu, phản tác dụng và vi phạm pháp luật về quảng cáo.

 

Ngoài tin nhắn sms, doanh nghiệp và những người kinh doanh cũng có thể gửi đến khách hàng tin nhắn dạng mms kèm theo hình ảnh hoặc âm thanh, video ngắn. Dạng tin nhắn này giúp khách hàng ấn tượng hơn với thông điệp mà bạn muốn chuyển tải.

 

2. Telesales

 

Một trong những ứng dụng kinh điển nhất của mobile marketing vẫn là telesales (bán hàng qua cuộc gọi điện thoại). Doanh nghiệp có thể chào hàng khách hàng, đối tác thông qua hình thức cuộc gọi. Chăm sóc khách hàng sau bán bằng cuộc gọi cũng rất hiệu quả, làm cho khách hàng ghi nhớ và ấn tượng về doanh nghiệp hơn.

 

Sau khi khách hàng mua sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn, bạn có thể gọi điện cảm ơn khách hàng đã ưu ái sử dụng, hỏi thăm về cảm giác và tác dụng của sản phẩm khi mới sử dụng… hoặc định kỳ 6 tháng, 12 tháng gọi điện hỏi thăm khách hàng một lần, điều này sẽ làm cho khách hàng cảm nhận về sự tận tụy của công ty và người bán hàng. Bạn sẽ thấy được hiệu quả đáng kinh ngạc của những cuộc gọi điện thoại chăm sóc khách hàng như thế này.

 

3. Email Marketing

 

Khi khách hàng ghé thăm website của công ty, mua hàng của doanh nghiệp, hãy khuyến khích họ đăng ký làm thành viên hoặc xin địa chỉ email của khách hàng, vì hiện nay hầu hết những người sử dụng điện thoại di dộng thông minh đều có sử dụng email trên điện thoại. Tỷ lệ tiếp cận khách hàng qua email trên điện thoại thậm chí còn cao hơn so với việc khách hàng sử dụng email bằng máy tính để bàn hoặc máy tính xách tay.

 

Doanh nghiệp có thể gửi email marketing cảm ơn khách hàng, giới thiệu các chương trình khuyến mại, ưu đãi, các bài viết liên quan đến sản phẩm, dịch vụ hoặc là các bài viết liên quan đến chính khách hàng. Nên tối ưu hóa thông điệp và hình ảnh qua email bởi thiết bị di động hạn chế bởi kích thước màn hình và đôi khi là tốc độ đường truyền. Cũng cần tuân thủ luật quảng cáo và tránh hiện tượng “spam email”.

 

4. Tìm kiếm di động

 

Khi khách hàng sử dụng công cụ tìm kiếm trên điện thoại di động hoặc thiết bị di động có nghĩa là họ đang có nhu cầu tìm kiếm các dịch vụ, sản phẩm, địa điểm ở ngay gần đó hoặc họ đang rất có nhu cầu tìm hiểu. Doanh nghiệp có thể quan tâm đến dịch vụ mSEO (tối ưu hóa tìm kiếm di động) và tìm kiếm trả tiền Google Adwords. Hiện nay khách hàng có nhu cầu tìm kiếm trên di động rất lớn bởi sự thuận tiện của nó, vì vậy, việc thương hiệu của bạn xuất hiện trên công cụ tìm kiếm (Google) trên di dộng là một lợi thế cạnh tranh không nhỏ.

 

5. Mạng xã hội

 

Ngày nay, mọi thứ đều có thể sẻ chia trên mạng xã hội. Hầu hết các khách hàng sử dụng điện thoại di động đều đang “chơi” một hoặc một vài dịch vụ mạng xã hội nào đó, thí dụ như tại Việt Nam hầu hết khách hàng đang sử dụng Facebook, Google+, Youtube, Skype, Viber… và đăng nhập các dịch vụ này thường xuyên trên điện thoại di động hoặc các thiết bị di động khác.

 

Hãy tận dụng hết tính năng của chiếc điện thoại di động thông minh của khách hàng, biến điện thoại di động của khách hàng và khách hàng trở thành một nhà quảng cáo đầy tin cậy cho thương hiệu của doanh nghiệp.

 

Có thể tạo ra một không gian “tự sướng” trong nhà hàng cho khách hàng chụp ảnh; hoặc nên có chương trình ưu đãi cho khách hàng “check-in” trên Facebook… Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể sử dụng các tính năng miễn phí của mã QR Code, Microsoft 2D Tags… để lập danh thiếp điện tử, chèn địa chỉ website, các thông điệp bao gồm hình ảnh và nội dung gửi tới khách hàng để khách hàng có thể quét mã và truy cập ngay lập tức, vừa gia tăng sự sành điệu, vừa thêm sự trải nghiệm cho khách hàng.

 

6. Ứng dụng cho thiết bị di động (apps)

 

Doanh nghiệp có thể xây dựng các ứng dụng dùng trên điện thoại di động và cho phép khách hàng tải về dùng miễn phí. Thông qua những ứng dụng này, oanh nghiệp có thể bán hàng di động thông qua chính các ứng dụng bán hàng hoặc ứng dụng giới thiệu sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp tới khách hàng. Có thể ứng dụng di động chỉ đơn thuần là một cẩm nang về sản phẩm, như là một catalogue điện tử, một trò chơi gắn kết khách hàng với thương hiệu…

 

Mặt khác, với các nền tảng ứng dụng phổ biến như Android, iOS, Windows Phone, doanh nghiệp có thể khai thác dịch vụ quảng cáo di động để tiếp cận hiệu quả hơn khách hàng.

 

7. Web Marketing

 

Đối với website bán hàng của doanh nghiệp, khi tiếp cận với khách hàng thông qua chiến lược marketing di động thì cần phải được tối ưu hóa về dung lượng website, dung lượng hình ảnh, nội dung bài viết, ttối ưu hóa về video.

 

Đặc biệt, cần phải thiết kế giao diện tùy biến thông minh, có khả năng nhận biết các thiết bị các nền tảng hệ điều hành, loại kích thước màn hình, thiết bị di động và tự tương thích với các thiết bị đó một cách tối ưu nhất; có khả năng hỗ trợ thao tác email, đặt hàng qua điện thoại thật đơn giản và thuận tiện cho khách hàng…

 

8. Quảng cáo và PR

 

Thiết bị di động thông minh có thể cho phép hiển thị quảng cáo dạng banner, pop-up, pop-under; quảng cáo giữa bài viết hoặc quảng cáo trước-sau một bài viết mà người dùng đang đọc trên thiết bị di động; hoặc quảng cáo hiển thị trên các trang mạng xã hội Facebook, Youtube; hoặc quảng cáo ngay trên ứng dụng… một cách bình thường thông qua các trình duyệt web di động. Vì thế doanh nghiệp và những người làm kinh doanh cũng cần lưu ý loại hình công cụ marketing điện tử này.

 

Với số lượng người đọc truy cập vào một số báo điện tử, báo tin tức hàng đầu hiện nay có thể lên tới hàng chục triệu lượt truy cập mỗi ngày, thì việc sử dụng các hình thức quảng cáo và quan hệ công chúng (PR) qua báo điện tử vẫn rất có hiệu quả.

 

9. Thanh toán di động

 

Nói đến marketing di động và thương mại di động, không thể không nói đến thanh toán di động. Thử tưởng tượng, nếu một người dùng đang ngồi uống café và lướt Facebook, họ nhìn thấy quảng cáo của doanh nghiệp, họ click vào quảng cáo, họ truy cập vào website của bạn, mọi thứ đều rất thuận tiện; họ đặt hàng và dùng ứng dụng thanh toán ngay, và rồi sau 12-24 giờ khách hàng nhận được hàng của doanh nghiệp, còn điều gì tuyệt vời hơn?

 

10. Dịch vụ hỗ trợ

 

Nên có các dịch vụ hỗ trợ cho khách hàng sử dụng điện thoại động và thiết bị di động để gia tăng sự khác biệt và trải nghiệm cho khách hàng, wifi miễn phí tốc độ cao, điểm chụp hình đẹp, chương trình check-in ưu đãi, sử dụng coupon điện tử giảm giá cho khách hàng…

 

Theo Vnexpress

Tin liên quan