“Xắn tay áo” cùng doanh nghiệp

Có thể thấy, điều mà các DN cần hiện nay là những giải pháp cụ thể để gia tăng tổng cầu, sức mua của nền kinh tế.

 

Nói như một chuyên gia, những giải pháp như giảm lãi suất, thành lập VAMC, giãn nợ… là một sáng tạo, nhưng “nước xa không cứu được lửa gần”. Rõ ràng việc các ngân hàng lăn xả cùng DN khiến câu chuyện vay vốn ngân hàng trở nên có ý nghĩa hơn.

 

Trong thời gian qua, hệ thống ngân hàng đã nỗ lực giảm mạnh lãi suất cho vay để hỗ trợ DN cũng như thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Hiện lãi vay trung bình chỉ khoảng 10-12%/năm, thậm chí có DN đã vay được với lãi suất 8-9%/năm. Tuy nhiên, tín dụng vẫn tăng rất chậm.

 

Theo NHNN, tính đến 22/5/2013, tín dụng chỉ tăng 2,29% so với cuối năm 2012. Nguyên nhân chủ yếu do khả năng hấp thụ vốn của DN yếu trong bối cảnh tổng cầu suy giảm mạnh, tồn kho chất đống.

106

 

Theo TS. Nguyễn Sĩ Dũng – Phó chủ nhiệm văn phòng Quốc hội, vấn đề hiện nay của các DN không phải là lãi suất, mà do sức mua của thị trường chưa được cải thiện, người dân vẫn thắt chặt chi tiêu. “Khi nhu cầu trên thị trường không có, ngay cả những DN đủ điều kiện vay vốn, vẫn không dám vay. Tổng cầu giảm đang là vấn đề lớn đối với hệ thống ngân hàng. Bởi vậy, chúng ta phải có giải pháp tăng tổng cầu, khuyến khích tiêu dùng. Chỉ có như vậy DN mới có thể tiếp tục vay vốn để sản xuất kinh doanh”, ông Dũng nói.

 

Xác định hàng tồn kho là rào cản lớn ngăn cách ngân hàng và DN gặp nhau, mới đây, các NHTMCP đã “xắn tay” nhập cuộc cùng DN để giải phóng hàng tồn. Bởi ngân hàng xác định DN khó thì ngân hàng cũng chẳng phát triển được. Rõ ràng khi kinh tế khó khăn, tổng cầu giảm, hàng tồn kho chất đống khiến tín dụng bị ách tắc, ngân hàng cũng sẽ có nguy cơ thua lỗ do “tồn kho” vốn.

 

Thừa nhận điều này, song theo ông Nguyễn Đình Tùng – Tổng giám đốc OCB: “Đã tìm ra bệnh và kê đơn bốc thuốc, nhưng quan trọng, phác đồ điều trị có chuẩn không”. Theo đó, OCB khoanh vùng tập trung 3 đối tượng khách hàng chiến lược là hộ sản xuất kinh doanh, DNNVV và cho vay tiêu dùng. Để đẩy nhanh tín dụng, bên cạnh việc ưu đãi lãi suất, ngân hàng còn đơn giản hóa thủ tục hành chính, chủ động liên kết đối tác tạo ra những sản phẩm tín dụng phù hợp hơn.

 

Ví dụ, OCB phát hành thẻ tín dụng nội địa ECC. Theo đó, chủ thẻ không cần mở tài khoản; hưởng lãi suất 0% trong vòng 6 tháng, thậm chí khi mua sắm bằng thẻ, khách hàng còn được các nhà cung cấp liên kết với ngân hàng chiết khấu 5 – 10% giá trị hàng hóa…

 

Mạnh mẽ hơn trong câu chuyện đồng hành cùng DN, ông Lê Thành Trung – Phó tổng giám đốc HDBank cho biết, 4 tháng đầu năm, tăng trưởng tín dụng của HDBank mới đạt khoảng 4%. Chính vì vậy, HDBank triển khai những gói sản phẩm với quan điểm rất táo bạo.

 

“Với một DN có thể đang có nợ quá hạn do hàng tồn kho chưa bán được và DN này trình phương án mới vay 50 tỷ đồng khắc phục tình trạng này. Nếu đánh giá phương án của họ tốt, ngân hàng sẽ cấp vốn ngay. Còn nếu chưa được, ngân hàng sẽ tham gia tư vấn trợ giúp DN về mẫu mã sản phẩm hay thị trường cung ứng. Sau khi thay đổi, thấy ổn định, ngân hàng cho vay và kiểm soát dòng tiền của DN trong một thời gian cố định khoảng 6 tháng về việc sử dụng vốn hiệu quả trả nợ ngân hàng”, ông Trung nói.

 

Về mặt vĩ mô, để hỗ trợ cho dòng chảy tín dụng, theo TS. Dũng, Quốc hội đang thảo luận sửa đổi Luật Thuế thu nhập DN, trong đó trọng tâm là giảm mức thuế suất phổ thông và tăng trần chi phí quảng cáo, tiếp thị từ 10 lên 15%.

 

“Tôi cho rằng, không nên áp đặt định mức chi phí 10% mà nên mở rộng. Vấn đề ở đây là DN phải bán được hàng. Nếu Nhà nước chưa có điều kiện kích cầu, hãy để cho DN làm. Khi DN không bị khống chế, sẽ mở rộng các hoạt động, đẩy mạnh quảng cáo, khuyến khích người dân tiêu dùng. Nếu chúng ta áp mức phí sẽ khó cho DN”, ông Dũng nói.

 

Đặc biệt, theo ông, hiện với những công trình có vốn ODA đang thiếu vốn để giải phóng mặt bằng làm các thủ tục cần khoản chi bổ trợ, Nhà nước nên chi ngay.

 

Có thể thấy, điều mà các DN cần hiện nay là những giải pháp cụ thể để gia tăng tổng cầu, sức mua của nền kinh tế. Nói như một chuyên gia, những giải pháp như giảm lãi suất, thành lập VAMC, giãn nợ… là một sáng tạo, nhưng “nước xa không cứu được lửa gần”. Rõ ràng việc các ngân hàng lăn xả cùng DN khiến câu chuyện vay vốn ngân hàng trở nên có ý nghĩa hơn.

 

Theo Thời báo ngân hàng

Tin liên quan