Tình hình kinh tế – xã hội: đối mặt hàng loạt khó khăn

TT – Sáng 20-5, Quốc hội nghe các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về tình hình kinh tế – xã hội. Hai báo cáo này đều cho thấy kinh tế trong nước vẫn đang đối mặt hàng loạt khó khăn như: nợ xấu cao, sức mua yếu, hàng tồn kho cao, số doanh nghiệp ngưng hoạt động tiếp tục gia tăng…

Trong bốn tháng đầu năm 2013, cả nước chỉ có 23.800 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 1,2% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi có hơn 19.600 doanh nghiệp giải thể.

 

tinh

Người dân đến làm thủ tục thành lập doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch – đầu tư TP.HCM

 

Đi vào giải pháp, Ủy ban Kinh tế đã mạnh dạn đề nghị cần tính đến giải pháp đối với chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu… Đồng thời xác định rõ thời gian, mục tiêu để giảm nợ xấu, hàng tồn…

Nợ xấu vẫn cao

Bên cạnh các giải pháp hỗ trợ sản xuất, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, các giải pháp đối với chính sách tài khóa, tiền tệ để kích thích tổng cầu cần được thực hiện ngay, việc linh hoạt các chính sách phải theo diễn biến và liều lượng thích hợp, kiên định và nhất quán với mục tiêu tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô

Ông Nguyễn Văn Giàu

Báo cáo của Chính phủ do Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày đã thẳng thắn nêu rõ mặc dù kinh tế – xã hội bốn tháng đầu năm đã có những chuyển biến tích cực, đúng hướng và đạt được kết quả bước đầu nhưng còn chậm, chưa vững chắc và còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trong đó có những mặt nổi lên như: sức ép lạm phát và tiềm ẩn bất ổn kinh tế vĩ mô vẫn còn lớn. Mặt bằng lãi suất cho vay có giảm nhưng còn cao (mặt bằng lãi suất cho vay đối với lĩnh vực ưu tiên phổ biến ở mức 9-11%, đối với các lĩnh vực khác ở mức 11-13%). Tăng trưởng tín dụng vẫn còn ở mức thấp so với định hướng tăng 12% của năm 2013. Nợ xấu tuy được kiểm soát nhưng vẫn còn cao (theo kết quả giám sát của Ngân hàng Nhà nước, tỉ lệ nợ xấu là 7,8% tại thời điểm cuối năm 2012; theo báo cáo của các tổ chức tín dụng, đến cuối tháng 3-2013 tỉ lệ nợ xấu là 4,51%). Quản lý thị trường vàng mới chỉ đạt kết quả bước đầu, chưa huy động được nguồn lực vàng cho phát triển kinh tế.

Theo báo cáo của Chính phủ, chủ trương, cơ chế chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh tuy sớm được ban hành nhưng việc hướng dẫn cụ thể, tổ chức triển khai thực hiện còn chậm nên không ít trường hợp chưa đi vào cuộc sống. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn; sức mua của thị trường còn yếu, một số mặt hàng tồn kho vẫn khá cao; khả năng cạnh tranh của nhiều sản phẩm còn thấp. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Thị trường bất động sản thanh khoản kém, phục hồi chậm…

Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Chính phủ xác định nhóm nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới. Một trong những nội dung đầu tiên là giảm mặt bằng lãi suất hợp lý, phấn đấu đạt mức tăng trưởng tín dụng 12% cả năm 2013.

Chính phủ nêu rõ việc tiếp tục thực hiện điều hành giá xăng dầu theo cơ chế thị trường và chủ trương điều chỉnh giá điện, than cho điện, nước, dịch vụ công về giáo dục, y tế theo cơ chế thị trường với lộ trình phù hợp, bảo đảm công khai, minh bạch. Thực hiện tiết kiệm thêm 10% các khoản chi thường xuyên (không kể chi lương) trong những tháng còn lại của năm 2013; trong đó tiết giảm tối đa chi phí điện, nước, văn phòng phẩm, xăng dầu…

Cùng với việc tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thủ tục liên quan đến xử lý nợ xấu, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vay vốn, Chính phủ chỉ đạo quyết liệt việc xử lý nợ xấu, thành lập và phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản Việt Nam.

Theo Tuổi trẻ

Tin liên quan