1. Trả một khoản tiền lớn để nhân viên nghỉ việc
CEO Jeff Bezos của Amazon gần đây đã thu hút sự quan tâm của báo chí khi tiết lộ chính sách sẵn sàng trả 5.000 USD cho nhân viên để họ từ bỏ công việc của mình nếu thấy không hài lòng.
Nếu tìm hiểu kỹ hơn thì trang bán hàng trực tuyến Zappos – công ty Amazon mua lại vào năm 2009 – đã làm theo chính sách này trong nhiều năm. Lý do công ty này đưa ra là muốn khuyến khích một nhân viên bất mãn nghỉ việc để tránh tổn thất hàng năm mà họ gây ra do năng suất làm việc giảm và làm mất một lượng lớn khách hàng.
Một nhân viên với mức lương 40.000 USD một năm có thể dễ dàng làm mất những khách hàng tiềm năng vì thái độ phục vụ yếu kém của mình. Vì vậy việc trả cho họ 5.000 USD để nghỉ việc rõ ràng là khôn ngoan hơn nhiều, bởi nó giúp công ty giữ lại những khách hàng tiềm năng.
2. Bỏ đi dòng sản phẩm tốt nhất của công ty
iPod vốn được mệnh danh là sản phẩm đem lại tên tuổi cho Apple. Khi cho ra mắt dòng sản phẩm này, Apple không chỉ kiếm được lợi nhuận khủng từ việc bán iPod mà còn nhờ việc kinh doanh nhạc số thông qua iTunes Store.
Nhiều người đặt câu hỏi rằng, Apple sẽ không dại gì sáng tạo ra một sản phẩm mới làm sụt giảm nghiêm trọng doanh số của iPod khi nó đang ở thời kỳ hoàng kim? Câu trả lời là sai.
Apple tiếp tục phát triển mạnh mẽ nhờ vào việc chủ động cắt giảm “vòng đời” sản phẩm của mình. Chính việc cho ra mắt điện thoại di động iPhone đã làm doanh số bán hàng của iPod giảm mạnh.
Nếu nghĩ mình đang sở hữu con gà đẻ trứng vàng, thì bài học dành cho bạn là hãy chủ động “giết bỏ” nó trước khi có người khác làm việc ấy.
Không một doanh nhân có đầu óc bình thường nào lại muốn làm việc này. Tuy nhiên, dường như sự tỉnh táo đã được đánh giá quá cao trong thị trường thay đổi đến chóng mặt hiện nay. Apple có thể giữ vững phong độ là nhờ họ sẵn sàng làm giảm doanh số bán hàng của những sáng tạo nổi tiếng nhất, để thay thế nó bằng những đột phát tiên tiến hơn.
Cứ nhìn chằm chằm vào doanh số bán hàng dường như không phải là cách hay. Một doanh nhân có tầm nhìn sẽ chủ động thiết kế ra sản phẩm tuyệt đỉnh khác trước khi đối thủ của họ làm được điều đó. Thậm chí việc đó có thể ảnh hưởng xấu đến doanh thu từ sản phẩm đỉnh cao hiện tại.
3. Trợ giúp đối thủ
Hầu hết các chuyên gia kinh doanh đều hiểu rằng, nói xấu đối thủ là một điều không hay ho. Nó làm lộ rõ sự yếu kém của công ty bạn và như thể bạn đang cố giấu giếm thứ gì đó. Vì vậy, hãy giữ thái độ tích cực và tự đẩy mạnh việc phát triển công ty mình. Đây là cách tiếp cận phổ biến nhất.
Hầu hết các công ty đều hiểu rõ điều này, nhưng không phải công ty nào cũng sẵn sàng giúp đỡ đối thủ cạnh tranh của mình tăng lượng khách hàng.
Bạn đang có cửa hàng ăn duy nhất trên phố tại một thị trấn nhỏ. Nhưng chớ có dèm pha cửa hàng thứ hai chuẩn bị mọc lên. Thay vào đó, hãy giúp họ phát triển. Bằng cách này, bạn có thể biến con phố ấy thành điểm đến ưa thích cho dân sành ăn. Bảy nhà hàng trên một con phố thì tốt hơn nhiều so với việc lúc nào cũng chỉ có một. Hãy san sẻ công việc kinh doanh và cạnh tranh công bằng.
Có câu nói rằng, triều dâng sẽ nâng tất cả các thuyền lên. Vì vậy phát triển một mối quan hệ tốt đẹp với đối thủ của mình và giúp nhau cùng phát triển thì năng suất sẽ cao hơn nhiều so với việc chỉ ghen ghét đố kị.
4. Ngừng đặt mục tiêu
Một bài học quen thuộc cho những người đang tìm kiếm thành công đó là đặt ra mục tiêu và nỗ lực hết mình để đạt được. Những người đề xướng ra phương pháp này cho rằng, đây là chìa khóa để thành công, vì mục tiêu trước mắt khiến bạn lao động hăng say hơn. Nhưng những mục tiêu ấy có thể kìm hãm sự phát triển, khiến một công ty bỏ qua những nguyên tắc cốt lõi.
Cùng xem xét mục tiêu kinh doanh 1 tỷ USD một năm. Nếu xuất hiện một khách hàng tiềm năng cùng với thương vụ 250.000 USD, có lẽ lời khuyên đưa ra là phải chộp ngay cơ hội này. Vì nó là một bước quan trọng giúp đạt được mục tiêu 1 tỷ USD. Nhưng nhiều người lập luận rằng nên từ chối thương vụ làm ăn đó và tập trung vào những thứ giúp công ty phát triển lành mạnh. Giống như tư tưởng, “không nên bỏ tất trứng vào một giỏ”, nhưng thực ra không hẳn là vậy.
Bỏ qua mục tiêu chỉ đơn giản là không đặt ra nó ngay từ đầu. Tức là một công ty nên chọn một kế hoạch hoạt động và rồi gắn chặt với kế hoạch ấy. Làm vậy sẽ giúp công ty tập trung vào những hoạt động kinh doanh và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt hơn là theo đuổi những con số mà chẳng một khách hàng nào buồn quan tâm. Hãy nhớ, nếu bạn muốn duy trì kinh doanh lâu dài và lành mạnh, chớ có đặt mục tiêu.
5. Đừng cố phát triển
Nhiều người kinh doanh tin rằng, phát triển là điều tất yếu phải làm nếu muốn tồn tại. Tuy nhiên, ép một công ty phát triển khi còn quá sớm có thể dẫn đến những vấn đề về tài chính. Vào thời điểm rất nhiều công ty đang tránh mắc nợ nần và hoạt động dựa chủ yếu vào tiền mặt, thì bài học này dường như không mấy liên quan.
Có quá ít người dám mạo hiểm vay nợ để khởi nghiêp. Nhưng một dạng ẩn của nợ nần mà nhiều nhà bán lẻ cho phép mình lao vào là “dating” (hẹn hò). Theo phương thức này, các nhà bán lẻ ngay lập tức chấp nhận những mối làm ăn, bởi vì như vậy tức là họ có thể bán được sản phẩm của mình và gặt hái lợi nhuận. Mặt trái là nó buộc các công ty phải phát triển lượng hàng quá nhanh chóng, đôi khi các hóa đơn đến hạn trước khi bán được sản phẩm.
Laura Zander, CEO của hãng Jimmy Beans Wool, đã tỉnh táo bỏ qua phương pháp được chuộng trong giới kinh doanh bán lẻ này. Và sự kiềm chế của cô đã được đền đáp khi doanh số bán lẻ và trực tuyến của Jimmy Beans Wool đạt 8 triệu USD mỗi năm.
Chất đầy sản phẩm trên các kệ trong cửa hàng dường như là không phải là ý tưởng thông minh. Hãy gạt ngay câu thần chú “phát triển hay là chết” ra khỏi đầu, nếu không công ty bạn sẽ có thể gặp rắc rối về tài chính.
Theo Bizlive