Những bài học thương hiệu chua xót

Trong thời đại người người, nhà nhà dùng Internet, một chút sơ sẩy dù rất nhỏ cũng có thể khiến cho các thương hiệu uy tín bị hàng triệu người tiêu dùng trên khắp thế giới quay lưng lại, trang Business Insider bình luận.

etrey
Uy tín của một thương hiệu không phải có được chỉ trong một ngày, nhưng có thể mất đi chỉ trong vài phút đồng hồ

Internet có tính hai mặt. Nhiều doanh nghiệp đã lợi dụng sức lan tỏa của Internet để tiếp thị hình ảnh thành công, song cũng có không ít công ty nhận lại quả đắng do coi thường Internet.

Mới đây, giáo sư trường kinh doanh Villanova, Stephen Andriole, đã ra mắt một cuốn sách nói về những “tai nạn” đáng tiếc trong vấn đề xây dựng thương hiệu của một số hãng uy tín trong kỷ nguyên số và mạng xã hội. Trang Business Insider đã trích giới thiệu một số bài học nổi bật từ cuốn sách này.

Âm nhạc có thể phá hủy uy tín thương hiệu

Có lẽ hãng hàng không United Airlines không bao giờ có thể ngờ rằng, những âm thanh ngọt ngào vang lên từ một cây đàn ghita lại có thể khiến cổ phiếu của hãng mất tới 10% giá trị.

Sự việc bắt nguồn từ việc nhân viên khuân vác hành lý của United làm vỡ cây đàn ghita của anh Dave Carroll. Sau suốt 9 tháng bàn qua tính lại, United từ chối bồi thường. Để “trả thù”, anh chàng người Canada này đã sáng tác bản nhạc United Breaks Guitars (United làm vỡ đàn ghita) và tải lên YouTube.

Ba đoạn video của Caroll trên YouTube đã thu hút 14,5 triệu lượt người xem cùng hơn 1 triệu tin nhắn liên quan. Tiếng tăm của Caroll nổi bao nhiêu thì uy tín của United tụt bấy nhiêu. Giá cổ phiếu của hãng tuột tới 10%, tương đương 180 triệu USD.

Các nhà điều hành hãng vội vã xin lỗi Caroll và trả chi phí sửa chữa đàn cho anh cùng một xấp vé đi máy bay miễn phí. Cho dù United đã nhận ra sai lầm của mình, nhưng theo các nhà phân tích, uy tín của hãng vẫn bị ảnh hưởng không nhỏ.

Theo trang Business Insider, nếu United giải quyết vấn đề này ngay trong vài tháng đầu, thì vụ việc đã nằm trong tầm kiểm soát. Âm nhạc và những đoạn video clip độc đáo luôn được các chủ blog và mạng xã hội ưu ái.

Một khi khách hàng đã đưa những video phàn nàn về một dịch vụ lên mạng, thì khó có thể kiểm soát được tác hại từ chúng. Video của Caroll chỉ tốn có hơn 100 USD, nhưng cái giá mà United phải trả không chỉ dừng ở 180 triệu USD. Uy tín không phải một ngày là có.

Đừng lấy phụ nữ, chuyện yêu đương ra đùa

Tháng 3/2012, hãng phụ kiện thể thao Reebok đã buộc phải gỡ bỏ một đoạn quảng cáo ở Đức với khẩu hiệu “có thể phản bội bạn gái những đừng làm thế với thể dục thể thao”.

Đoạn quảng cáo này đã nhanh chóng “câu” được một lượng lớn người dùng trên Twitter và YouTube. Tuy nhiên, cùng với lượng người xem tăng, số ý kiến chỉ trích rằng quảng cáo này đã dung túng, khuyến khích đàn ông bội bạc với phụ nữ cũng tăng vọt theo. Hãng phụ kiện thể thao Reebok đã phải lên tiếng xin lỗi người tiêu dùng về sai sót quảng cáo này.

Coi thường thông điệp là không nên

Việc lợi dụng tính năng Hashtag, nhằm giúp người dùng có thể nắm bắt được tất tật những thông tin liên quan tới từ khóa này, rất phổ biến trên mạng xã hội tiểu blog Twitter.

Nhiều nhãn hiệu nổi tiếng thế giới đã rất thành công trong việc quảng bá hình ảnh nhờ tính năng này, như Nike với hashtag MakeItCount, Audi với SoLongVampire, hay như Pepsi- Pepsi Pulse với hashtag LiveforNow. Với hashtag, thông điệp của chiến dịch được củng cố và lan truyền rộng khắp đến đối tượng mục tiêu.

Sức mạnh đáng chú ý của hashtag là thương hiệu có cơ hội tiếp cận đến nhiều người xem hơn, thậm chí cả những người lạ mặt trên toàn cầu, chứ không giới hạn trong tầm ảnh hưởng của bạn bè, người quen…

Hashtag còn mang lại sức mạnh cộng hưởng lan truyền thông tin tốt đẹp, sự yêu thích thương hiệu. Tuy nhiên, hashtag cũng có mặt xấu như khiến thông tin có hại dễ dàng lan rộng, khiến cho thương hiệu không kiểm soát nổi và khó trở tay hơn trước những tình huống mà hashtag mang lại.

Hashtag McDstories hồi tháng 1/2012 của McDonald’s là một ví dụ, hashtag này đã thực sự trở thành nơi để khách hàng phàn nàn và kể lại những trải nghiệm tồi tệ của họ với dịch vụ và sản phẩm của McDonald’s.

Có tới 20.000 tin nhắn tweet với hashtag “#McDStories” và hơn 3.000 tin nhắn với hashtag “#McFail”. Hãng cửa hàng thực phẩm ăn nhanh sau đó đã phải viện tới Twitter xóa bỏ những hashtag này, cho dù hãng sau đó thừa nhận là chỉ 2% trong số tin nhắn nhận được là tiêu cực.

Cẩn trọng với sự phân biệt chủng tộc

Tháng 2 năm ngoái, kênh truyền hình ESPN đã phải xin lỗi công chúng và sa thải một bình luận viên, cũng như tạm ngưng chức một người khác vì đã sử dụng những từ ngữ được cho là phân biệt chủng tộc nhằm vào một cầu thủ bóng rổ gốc Á Jeremy Lin của đội New York Knicks.

Nhân viên nhà đài trước đó đã dùng từ “chink” với Lin trong tiêu đề một bản tin, sau khi đội Knicks thảm bại trước đội New Orleans Hornets. Từ này có ý phân biệt chủng tộc và xúc phạm người châu Á.

Vụ việc này gây chú ý bởi Lin không chỉ là một ngôi sao bóng rổ, mà anh còn sinh ra ở Mỹ và có bằng cử nhân của trường Đại học Harvard. Quỹ Bảo vệ quyền lợi và giáo dục hợp pháp cho người Mỹ – Á đã ra tuyên bố gọi những bình luận của ESPN đối với cầu thủ Jeremy Lin là “chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và không thể tha thứ”.

Trong lời xin lỗi của mình, ESPN thừa nhận thành công của Lin là “niềm tự hào của cộng đồng người Mỹ – Á, bao gồm các nhân viên Mỹ – Á của ESPN”.

Chế độ trả lời tự động là con dao hai lưỡi

Tháng 2 năm ngoái, hãng hàng không American Airlines đã tự gây thiệt hại cho mình khi đặt chế độ trả lời tự động cho mỗi tin nhắn hãng nhận được từ người dùng Twitter. Trong câu trả lời này, American Airlines bày tỏ sự cảm ơn đối với sự hỗ trợ của khách hàng.

Tuy nhiên, chế độ tự động này không biết phân biệt đâu là tin nhắn cần cảm ơn và những tin nhắn nặng mùi chỉ trích hoặc có ý đồ xúc phạm. Theo trang Business Insider, trả lời tự động có thể tác động tiêu cực tới thương hiệu.

Đừng khơi mào các cuộc tranh luận vô bổ

Chuỗi nhà hàng Chick-fil-A không chỉ nổi tiếng vì thực đơn đa dạng mà còn vì việc luôn đề cao các giá trị Thiên Chúa giáo. Tuy nhiên, việc công ty này công khai bày tỏ sự ủng hộ đối với các nhóm chống người đồng tính đã khiến hãng lao đao.

Chưa hết, lãnh đạo công ty Dan Cathy còn khiến các nhóm bảo vệ quyền đồng tính tức giận khi ông chỉ trích rằng người Mỹ đang “mời gọi sự phán xét của Chúa”, khi chấp nhận‎ ý tưởng rằng hai người có cùng giới tính lại có thể cưới nhau.

Nhiều công chức muốn “tống cổ” Chick-fil-A ra khỏi thành phố của họ. Công ty Jim Henson cắt đứt mọi quan hệ thương mại với Chick-fil-A còn cộng đồng người đồng tính thì tổ chức những cuộc biểu tình để tẩy chay chuỗi nhà hàng này.

Chick-fil-A sau đó đã đăng trên Facebook rằng hãng sẽ tập trung vào các giá trị Thiên Chúa giáo, thay vì cuộc tranh luận về hôn nhân đồng tính. Bài viết đã nhận được hơn 240.000 lượt “thích”, hơn 50.000 lời bình luận và được chia sẻ 16.000 lần.

Nguồn: VNECONOMY

Tin liên quan