Ngành và doanh nghiệp chịu ảnh hưởng lớn nhất từ chính sách lãi suất

Về tổng thể, chính sách lãi suất sẽ tác động rất mạnh đến tất cả các ngành và doanh nghiệp theo cả hai chiều. Đặc biệt, 2 nhóm: vay nợ lớn và nhóm tiền gửi lớn sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của chính sách lãi suất.

 

46

Sau khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố hạ các chủ chốt đồng loạt 1%, có hiệu lực từ ngày 13/5, một số ngân hàng đã chính thức điều chỉnh giảm các khoản vay cũ về mức 13%/năm. Thế nhưng, việc giảm hay không giảm lãi suất cho vay cũ sẽ tùy thuộc vào từng ngân hàng thương mại bởi Ngân hàng Nhà nước không có văn bản yêu cầu, và các doanh nghiệp hưởng chính sách khác nhau. Thêm vào đó, cơ cấu vay nợ VNĐ/ngoại tệ của từng doanh nghiệp cũng khác nhau (VD: PPC nợ JPY: PVD, HAG,…: nợ USD).

Tuy vậy, về tổng thể, chính sách lãi suất sẽ tác động rất mạnh đến tất cả các ngành và doanh nghiệp theo cả hai chiều. Đặc biệt, 2 nhóm: vay nợ lớn và nhóm tiền gửi lớn sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất của chính sách lãi suất.

Đối với nhóm vay nợ lớn: Đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều sử dụng vốn vay Ngân hàng, tuy nhiên một số nhóm ngành có mức độ sử dụng nợ vay rất cao. Nhóm ngành/cổ phiếu có mức độ đòn bẩy cao và số dư vay nợ lớn nhất dẫn đầu gồm ngành than, xây lắp, vận tải, bất động sản,…. Các ngành này đều có tỷ lệ đòn bẩy rất cao ở mức 3-4,6 lần (tỷ lệ đòn bẩy tính bằng tổng tài sản/vốn chủ). Ngoại trừ ngành than có chính sách lợi nhuận định mức, các ngành đòn bẩy tài chính cao đều thuộc nhóm có kết quả kinh doanh xấu nhất trong năm 2011 – 2012. Đây cũng là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của mặt bằng lãi suất cao trong hai năm 2011-2012.

Do vậy, lãi suất giảm là tin vui với những doanh nghiệp và ngành đang vay nợ lớn, tỷ lệ đòn bẩy tài chính cao. Giúp hạ chi phí lãi vay trong kỳ, giảm bớt áp lực trả lãi vay, tăng lợi nhuận (giảm lỗ). Tuy nhiên khó khăn tài chính đối với doanh nghiệp thuộc nhóm này không chỉ đến từ lãi suất, mà còn là các khoản nợ ngân hàng, nợ trái phiếu đến hạn. Trong trung – dài hạn, các doanh nghiệp này cần có kế hoạch đưa dần tỷ lệ đòn bẩy và quy mô vay nợ về mức an toàn thông qua phát hành trái phiếu quốc tế, trái phiếu chuyển đổi hay phát hành cổ phiếu,…

Đối với nhóm tiền gửi lớn: Ở chiều ngược lại, một số ngành và doanh nghiệp có mức độ đòn bẩy tài chính rất thấp. Các doanh nghiệp thuộc một số ngành đặc thù như xuất bản (văn hóa thông tin, truyền thông) hay dược phẩm gần như không vay nợ ngân hàng. Cơ cấu nợ phải trả khác cũng rất thấp so với quy mô vốn chủ, thậm chí nhiều doanh nghiệp trong các ngành này đang ở trạng thái dư tiền mặt khá lớn. Do vậy việc hạ lãi suất có tác động ngược lại so với đa số các doanh nghiệp khác. Khi lãi suất giảm, lợi nhuận tài chính (tiền gửi) sụt giảm và ảnh hưởng tới triển vọng lợi nhuận của nhóm tiền gửi lớn.

Chúng tôi đã thống kê các doanh nghiệp đang có trạng thái tiền mặt dương, tức là số dư tiền và tương đương tiền lớn so với số dư vay nợ ngắn hạn và dài hạn. Tiêu biểu của nhóm công ty này như GAS, DPM, VNM, PVS, PVI đều có trạng thái tiền mặt dương trên 1.000 tỷ đồng, chưa kể các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn là các khoản tiền gửi từ 03-12 tháng và các khoản đầu tư có thanh khoản tốt.

Quý I/2013, dẫn đầu về số dư tiền mặt đang là Tổng công ty Khí Việt Nam – GAS với 15.955 tỷ đồng tương đương với vốn điều lệ của một ngân hàng thương mại trung bình, 1% suy giảm của lãi suất cũng khiến doanh nghiệp này giảm doanh thu tài chính một năm gần 160 tỷ đồng. Các công ty có số dư tiền mặt khủng khác như Tập đoàn Masan, TCTCP Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam, Đạm Phú Mỹ. Đa số các công ty có quy mô tiền mặt lớn đều hoạt động trong các ngành có lợi thế chu kỳ tiền mặt nhanh từ lúc bán hàng đến lúc thu tiền, như thực phẩm, dầu khí, dược,…

Theo DĐDN

Tin liên quan