Khai thuế điện tử: Vướng mắc còn nhiều

Luật Thuế sửa đổi sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7, theo đó các doanh nghiệp (DN) bắt buộc phải thực hiện kê khai thuế điện tử qua mạng internet. Tuy nhiên, hiện các DN đang gặp nhiều vướng mắc trong quá trình thực hiện.

trdy54

 

Quy định kê khai thuế qua mạng internet là hình thức cải cách, hiện đại ngành thuế, giảm các bất lợi về thời gian, công sức cho DN. Vì thế phương thức kê khai này đã nhận được sự ủng hộ của nhiều DN. Ông Nguyễn Mạnh Cường- Giám đốc Công ty TNHH đầu tư và phát triển công nghệ Mạnh Cường – cho hay, DN rất ủng hộ chương trình khai thuế điện tử, vì hình thức này tiết kiệm thời gian, chi phí, nhân lực, tạo được sự chủ động hoàn toàn cho DN trong quá trình làm thủ tục kê khai.

 

Theo Tổng cục Thuế, hiện công tác khai thuế điện tử đã được triển khai tại 50 tỉnh, thành phố với 231.220 DN đăng ký tham gia. Điển hình là Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, tỷ lệ kê khai thuế qua mạng đạt trên 95%, có đơn vị đạt 100% thực hiện kê khai thuế điện tử. Tại Hà Nội, Chi cục thuế Ba Đình là 1 trong 29 chi cục triển khai kê khai thuế qua mạng internet đầu tiên. Chương trình được triển khai từ tháng 1/2010. Đến năm 2012, chi cục đã có 2.340 DN thực hiện đăng ký kê khai thuế điện tử. Tính đến tháng 5/2013, đã có 4.136 DN thực hiện kê khai thuế điện tử trên tổng số 7.200 DN đang hoạt động trên địa bàn.

 

Ông Lê Văn Lợi-Viện trưởng Viện Tin học DN – khẳng định, con số này cho thấy, việc ứng dụng công nghệ của Tổng cục Thuế được đánh giá khá cao trong việc tạo thuận lợi, giảm các thủ tục, chi phí cho DN, phù hợp quá trình hội nhập kinh tế thế giới, góp phần thay đổi cơ bản về thủ tục kê khai thuế, đem lại hiệu quả lớn cho cả DN và cơ quan thuế, là một trong những tiền đề để các bộ, ngành tiếp tục đẩy mạnh triển khai các dịch vụ điện tử sử dụng chữ ký số thay cho các hồ sơ giấy.

 

Tuy nhiên, ngày 1/7/2013 là thời hạn bắt buộc phải thực hiện kê khai thuế điện tử sau khi Luật Thuế sửa đổi có hiệu lực, nhưng nhiều DN cũng như các đơn vị quản lý thuế vẫn gặp vướng mắc. Ông Trần Quang Hiệu- Giám đốc Công ty Đo lường, địa chất – cho rằng, bên cạnh thuận lợi mà kê khai thuế điện tử mang lại, cách thức này cũng có một số khó khăn, đó là việc khó phát hiện ra sai sót, DN không biết lỗi để khắc phục, trong khi cơ quan thuế không tư vấn được trực tiếp cho DN, vì vậy, hậu quả của sai sót là rất nặng. Mặt khác, vấn đề hạ tầng công nghệ, phần mềm, nhân lực còn yếu khiến cho DN không mặn mà thực hiện.

 

Về phía cơ quan thuế, hiện nhiều đơn vị vẫn chưa số hóa được các dữ liệu về chính sách thuế, số lượng hồ sơ DN… nên dẫn đến việc thúc đẩy kê khai còn chậm chạp.

 

Ông Đặng Trần Quang- Đội trưởng Đội kiểm tra thuế số 1, Chi cục Thuế Ba Đình (Hà Nội)- cho biết, các DN thường có thói quen gần đến sát ngày hết hạn mới kê khai thuế qua mạng, vì vậy dẫn đến việc nghẽn mạng, thời gian chấp nhận nộp tờ khai lâu, chưa kể tờ khai của các DN còn có lỗi chưa đúng theo quy định, trả lại các đơn vị để chỉnh sửa rồi nộp lại, vì vậy làm ảnh hưởng đến tiến độ của cơ quan thuế khi nhận tờ khai.

 

Để kế hoạch kê khai thuế qua mạng phủ sóng toàn bộ khối DN, giới DN đề xuất, cơ quan thuế nên có thư phản hồi cho DN xác nhận mức độ chính xác và các tồn đọng sai sót để DN sửa chữa; đồng thời, Tổng cục Thuế nên tiếp tục có các buổi tập huấn tài liệu hướng dẫn chi tiết để DN chủ động hơn trong công việc.

 

Theo Tổng cục Thuế, dự kiến, năm 2013 sẽ có 200.000 DN kê khai thuế điện tử, năm 2015, 80% DN sẽ thực hiện kê khai thuế điện tử. Ngoài ra, trong lộ trình thực hiện từ năm 2014 – 2015, các đơn vị thuế sẽ xây dựng cổng thanh toán trực tuyến với ngân hàng để tiếp nhận và xử lý các chứng từ nộp thuế điện tử, ATM, SMS, đồng thời tiếp tục mở rộng cung cấp dịch vụ truy vấn thông tin cho người nộp thuế qua website, SMS. 

 

Theo Công thương

Tin liên quan