Doanh nghiệp Xây dựng: Đang lún sâu trong khó khăn

Đã hơn 5 tháng sau khi Chính phủ ban hành NQ 13 về giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ thị trường, tình hình sản xuất kinh doanh của các DN trong lĩnh vực xây dựng vẫn chưa hết khó khăn. Nhiều DN bày tỏ, họ đã từng hy vọng, chờ đợi NQ 13 nhưng đến giờ vẫn chưa thấy tác động hiệu quả từ chính sách này.

 

Đầu tư 200 tỷ, doanh thu 200 triệu
 
Là một DN chuyên sản xuất gạch bê tông khí chưng áp ACC và phụ gia bê tông, Cty CP Sông Đà – Cao Cường (Hải Dương) hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn của mình khi thị trường xây dựng và BĐS “đóng băng”. Ông Hoàng Anh – Trưởng phòng kinh doanh Cty cho biết, việc tiêu thụ gạch ACC đã giảm tới 90% so với lúc chưa diễn ra khủng hoảng kinh tế. Ngay như tháng 5, 6 vừa rồi (cùng thời điểm ban hành NQ 13), có ngày Cty bán được khoảng 40 khối gạch và 100 tấn vữa. Còn hiện nay, tỷ lệ bán lẻ không đáng là bao vì ACC là một sản phẩm gạch mới, chủ yếu cung cấp cho các dự án, công trình lớn. Trước đây, Sông Đà – Cao Cường là đơn vị cung cấp gạch ACC cho hai dự án lớn tại Hà Nội là Time City và Roya City. Lượng gạch tiêu thụ lên tới 50 nghìn khối. Nhưng từ tháng 8 đến nay, gạch bán cho hai dự án này cũng giảm dần, và giờ thì đã dừng hẳn. Ông Hoàng Anh cho biết: “Đã hai tháng nay họ chẳng mua bán gì nữa. Không có tiền xây dựng cũng đồng nghĩa với công nợ cũ chưa trả. Hiện mỗi tháng doanh thu của Cty chỉ đạt khoảng 200 triệu đồng, trong khi chi phí đầu tư lên đến 200 tỷ”. Ông Hoàng Anh chia sẻ thêm: “ Lúc NQ 13 ra đời, DN cũng ngập tràn hy vọng và chờ đợi. Nhưng càng chờ càng… thất vọng”.
 
“Phao cứu sinh” ngoài tầm với
 
Cty Sông Đà – Cao Cường không phải là DN duy nhất gặp khó khăn vào thời điểm hiện nay. Đáng lưu ý, hầu hết các DN được hỏi về tác động của gói hỗ trợ DN theo QN 13 đều có chung câu trả lời là “chưa thấy tác động gì”. Ngay với gói hỗ trợ thị trường xây dựng – BĐS, các ngân hàng vẫn rất dè dặt cho vay sản xuất khi biết sản phẩm làm ra không bán được khiến nợ xấu luôn treo lơ lửng trên đầu. Tình trạng tồn kho lớn của xi măng, sắt thép và VLXD khác là những ví dụ điển hình. Bên cạnh đó, những dự án đang xây dựng dang dở cũng cạn kiệt nguồn vốn, đành “đắp chiếu” vì ngân hàng lo ngại nợ xấu, không chịu “bơm” thêm tiền. Do đó, việc tiếp cận vốn vay ngân hàng vẫn rất khó khăn.
 
Đẩy mạnh chi tiêu công, trong đó có chi tiêu cho đầu tư xây dựng là chính sách được DN xây dựng kỳ vọng nhất của NQ 13. Đây gần như là “phao cứu sinh”, có thể tạo ra công ăn việc làm, tiêu thụ VLXD, kích cầu thị trường… Tuy vậy, các chính sách này vẫn chưa được triển khai. Hàng loạt công trình lớn nhỏ vẫn đang dừng, hoặc giãn tiến độ. Ông Trần Anh Quân, Phó tổng giám đốc Cty CP Gạch khối Tân Thủy Nguyên (TP.HCM) cho biết, DN của ông gặp hai khó khăn cùng lúc: Sản phẩm còn mới nên khó tiêu thụ, lại gặp đúng lúc kinh tế khủng hoảng nên DN gần như “chết hẳn”. Hiện nay Cty đang tìm đường xuất khẩu để cố gắng “cầm cự” qua ngày.
 
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế cho rằng: Nợ lớn, lãi suất cao, hàng tồn kho nhiều đã khiến nhiều DN lâm vào cảnh khó khăn chưa từng có. Trong khi đó, giá trị của gói hỗ trợ là rất nhỏ so với mức độ khó khăn hiện nay, nhưng lại chưa phát huy được tác dụng như mong muốn. Vì vậy, để DN có thể đứng vững và phát triển được trong giai đoạn hiện nay, bên cạnh việc ban hành chính sách hỗ trợ, việc sử dụng hiệu quả chính sách này mới thực sự có ý nghĩa.
 
Trước thực trạng trên, một số chuyên gia cho rằng, bên cạnh những ưu đãi về chính sách thuế trong NQ 13, DN thực sự cần những giải pháp để có thể khơi thông thị trường. Trước tiên, cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn về vốn. Với những dự án khả thi, đang thi công cần tiếp tục được vay vốn để đầu tư xây dựng. Khi có vốn, việc xây dựng triển khai mới có thể tạo ra công ăn việc làm, tiêu thụ sản phẩm tồn kho…
 
Theo baoxaydung

 

Tin liên quan