Doanh nghiệp buộc phải nhỏ lại để sống sót

Với quan niệm thu mình lại để đảm bảo an toàn, hy vọng sống sót trước tình hình kinh tế khó khăn, nhiều doanh nghiệp chấp nhận thu hẹp quy mô sản xuất, quy mô lao động, chấp nhận “bé đi” để tồn tại.

gfjygk

 

Doanh nghiệp “teo tóp”
 
Theo báo cáo của Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong giai đoạn 2002-2011, tỷ trọng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ ngày càng tăng còn nhóm doanh nghiệp có quy mô vừa chỉ chiếm 2,1% trong tổng lao động toàn quốc. Không những vậy, nhóm vừa này cũng đang có… xu hướng nhỏ đi. Có đến 38,7% doanh nghiệp vừa đã chuyển thành doanh nghiệp nhỏ và 5,12% “giáng cấp” xuống thành doanh nghiệp siêu nhỏ. Nhìn chung, có tới 2/3 doanh nghiệp vừa giữ nguyên quy mô hoặc nhỏ đi và chỉ có gần 1/3 là lớn lên.
 
Thực tế cho thấy tình trạng nhỏ lại của các doanh nghiệp đang ngày càng trở thành một xu hướng phổ biến. Theo VCCI, các doanh nghiệp đang ngày càng nhỏ đi do cơ hội kinh doanh bị thu hẹp. Trong bối cảnh kinh doanh sản xuất của các doanh nghiệp với khó khăn chồng chất khó khăn như hiện nay, có thể kể đến các chi phí đầu vào như nguyên vật liệu, điện nước, vận chuyển đều tăng trong khi việc tiếp cận vốn vay ngân hàng lại cực kỳ vất vả, đương nhiên các doanh nghiệp buộc phải tính đến chuyện thu hẹp sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp chỉ dám đưa ra kế hoạch kinh doanh cho năm nay đạt được bằng với năm ngoái đã là mừng lắm, chứ không dám đưa chỉ tiêu về lợi nhuận.
 
Bà Lan – chủ một doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc ở huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương – cho biết tuy đã lập kế hoạch mở rộng đầu tư trong năm 2012, nhưng hiện doanh nghiệp buộc phải thu hẹp sản xuất 30% so với trước đây. Thu hẹp quy mô sản xuất cũng là điều mà ông Ngọc – Phó Giám đốc một công ty sản xuất linh kiện điện tử cho máy điện thoại ở khu công nghiệp Tân Trường, Hải Dương – đang tính tới. Ông Ngọc cho biết 6 tháng đầu năm nay, lượng hàng bán ra hàng tháng thấp hơn hẳn so với cùng kỳ năm trước. Vì vậy, mục tiêu cho kế hoạch kinh doanh 6 tháng cuối năm nay của công ty chỉ bằng với 6 tháng cuối năm 2012 và từ chối tiết lộ về chỉ tiêu lợi nhuận.
 
Đây là cách để doanh nghiệp hạn chế tình trạng hàng tồn vì sức tiêu thụ của thị trường trong thời gian qua giảm mạnh. Thực tế, là chủ một doanh nghiệp ai cũng muốn công ty mình ngày càng mở rộng và phát triển, nhưng cực chẳng đã mới phải thu hẹp quy mô sản xuất nhằm mục tiêu duy nhất là duy trì ổn định sản xuất, cố gắng bám trụ qua giai đoạn khó khăn này. Kinh doanh thua lỗ, lượng hàng tồn kho lớn đã khiến nhiều doanh nghiệp rơi vào tình trạng  “thoi thóp” và cắt giảm nhân sự là một trong những biện pháp cuối cùng được nhiều doanh nghiệp lựa chọn. Anh Huy – Giám đốc một công ty nghiên cứu thị trường – cho biết: “Công ty tôi chỉ có khoảng 30 nhân viên. Nhưng vừa rồi tôi cũng buộc phải cắt giảm 1/3 nhân sự, dù biết để tìm lại người làm được việc cũng rất khó nhưng đây là biện pháp cần thiết cho công ty lúc này”.
 
Cứu “nửa vời”
 
Thực tế trên đã đặt ra yêu cầu bức bách về việc phải thay đổi nhiều chính sách liên quan đến doanh nghiệp. Thế nhưng, Theo ông Trần Việt Anh –  Phó Chủ tịch Hiệp hội Cao su – Nhựa TP.HCM, mặc dù nhà nước cũng có đưa ra những chương trình hỗ trợ, song lại rất ít khi đến được với doanh nghiệp hoặc đến rất chậm. Cùng chung ý kiến, TS Võ Trí Thành – Phó Viện trưởng CIEM – cho rằng dù Nhà nước đã cho tự do kinh doanh nhưng chưa có những chính sách hỗ trợ phù hợp để tạo điều kiện cho doanh nghiệp lớn lên. Chưa xét đến việc có nhận được hỗ trợ hay không, chỉ tính con đường tiếp cận thôi cũng đã muôn trùng khó khăn, khi doanh nghiệp nhỏ và vừa (chủ yếu là doanh nghiệp dân doanhh) ít có khả năng tiếp cận nguồn lực tốt, tài chính tốt mà phần lớn ưu đãi được ưu tiên cho khối DNNN đang ngày càng bỏ xa cái vai trò “quan trọng” của mình đối với nền kinh tế.
 
Không những vậy, doanh nghiệp còn bị kìm kẹp bởi những quy định đã quá lỗi thời mà nổi lên hơn cả là trần chi phí quảng cáo tính trên tổng chi phí. Nếu nhà nước khống chế (hoặc không) chi phí này đối với khối doanh nghiệp quốc doanh thì không có gì phải bàn cãi, bởi nhà nước nắm quyền quản lý trong tay. Nhưng ngay cả đối với doanh nghiệp tư nhân, việc họ sử dụng tiền của mình như thế nào cho hợp lý cũng bị ràng buộc rõ ràng phi lý. Nếu họ chi quá đà đến độ đẩy giá thành sản phẩm lên, theo quy luật cung cầu tất họ sẽ phải trả giá bằng việc thua lỗ, thậm chí đóng cửa. Chính mối ràng buộc vô hình này đã đủ khiến họ cẩn trọng trong quyết định của mình mà không cần đến bàn tay hữu hình can thiệp. Ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) – còn cho biết chi phí thực tế phát sinh trong kỳ thường tới tháng 3 năm sau mới biết sau khi kiểm toán, buộc doanh nghiệp trong năm đành phải chi… tù mù cho quảng cáo và không chắc có vượt quá 10% hay không (Người lao động).
 
Thậm chí, doanh nghiệp còn phải lo chống chọi ngay cả với chính… cơ quan quản lý khi TS Hoàng Mạnh Bình – Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Bình Phước – cho biết có công ty chỉ trong 1 tháng phải tiếp đến 17 đoàn thanh tra của các ban, ngành từ huyện đến tỉnh và chỉ thanh tra đúng… một nội dung, đã thế còn kéo dài từ tháng 6/2011 đến tháng 5/2013 vẫn chưa xong!
 
Theo Sách trắng 2013 của Phòng Thương mại châu Âu tại Việt Nam thu thập nhận định của các doanh nghiệp châu Âu cho thấy chỉ số môi trường kinh doanh của VN liên tục giảm, nay đã xuống đến mức kỷ lục (45 điểm) dưới mức trung bình. Trao đổi với Việt Nam Net, rất nhiều doanh nghiệp nhỏ phản ánh không có ý định “lớn” bởi thấy nhà nước có vẻ không… khuyến khích. Với những rào cản tầng tầng lớp lớp như vậy, doanh nghiệp Việt, vốn hay bị đánh giá như con ốc chỉ chực chui vào trong vỏ, không chịu lớn cũng là tất lẽ dĩ ngẫu.

Theo SM Kinh tế

Tin liên quan