Nói đến doanh nhân là nói đến khát vọng làm giàu, nhưng khát vọng làm giàu đó phải xuất phát từ tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, khát vọng khẳng định tinh thần tự cường của dân tộc (ảnh: doanh nhân Bạch Thái Bưởi – một doanh nhân yêu nước)
Văn hóa DN được hình thành một cách tất yếu, chúng luôn đan xen và có tác động qua lại trong chuỗi hành vi kinh doanh liên tục trở thành các giá trị, các quan niệm và tập quán ăn sâu vào hoạt động của DN và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ, hành vi mọi thành viên của DN trong việc theo đuổi và thực hiện các mục tiêu. Nó xác lập một hệ thống giá trị được mọi thành viên trong DN chia sẻ, chấp nhận, đề cao và ứng xử theo các giá trị đó. Vấn đề quan trọng là yếu tố văn hóa đó có thực sự tạo nên sự khác biệt để trở thành bản sắc riêng có và được coi là truyền thống của DN để hướng đến cái lợi, cái thiện và cái đẹp trong quá trình phát triển hay không ?
“Đạo kinh doanh”
Văn hóa DN chịu tác động mạnh mẽ trước hết bởi ý chí, trí tuệ, đạo đức và tầm nhìn của nhà lãnh đạo. Vì nhà lãnh đạo là người đầu tiên xác lập nên mục tiêu tồn tại của DN, nếu mục tiêu đó bắt nguồn từ những ý chí cống hiến vì lợi ích của cộng đồng, xã hội sẽ hình thành nên sự lành mạnh và tính nhân văn trong tất cả mọi hành vi, sứ mệnh phát triển của DN. Sự tài ba sẽ giúp nhà lãnh đạo hoạch định thành công các chiến lược phát triển, đạo đức và triết lý kinh doanh của nhà lãnh đạo sẽ quyết định các nguyên tắc vận hành bộ máy trong DN, các chuẩn mực, quy tắc ứng xử với nhân viên, khách hàng, đối tác, cộng đồng xã hội. Vì vậy nhà lãnh đạo DN được ví như vị thuyền trưởng in đậm dấu ấn cá nhân lên toàn bộ hoạt động của DN.
Văn hóa DN cũng chịu tác động bởi tất cả các thành viên trong DN, mỗi thành viên là một cá thể cấu thành nên văn hóa của DN. Bởi các thành viên của DN chính là người thể hiện và chuyển tải ý chí của người lãnh đạo một cách sáng tạo vào thực tiễn hoạt động của DN.
Như vậy, để tạo ra nét văn hoá đặc trưng cho DN nhà lãnh đạo đóng vai trò xác lập nên bản sắc văn hoá, các thành viên có nghĩa vụ vun đắp và quảng bá để đặc trưng văn hoá đó trở thành một thứ Đạo, mà từ thế hệ này tới thế hệ khác tôn sùng và theo đuổi. “Đạo kinh doanh” được xây dựng trên nền tảng giá trị và niềm tin mạnh mẽ, từ đó những quy tắc ứng xử trong nội bộ cũng sẽ theo “Đạo” ấy mà hình thành. Khi tổ chức đó gắn được yếu tố tâm linh vào “Đạo kinh doanh” thì các thành viên trong DN sẽ giống như những con chiên hay những môn đồ của Phật giáo, tinh thần họ đều hướng tới một mục đích chung của tổ chức, tôn sùng tuyệt đối với ý chí của nhà lãnh đạo. Để khi DN khó khăn hay thuận lợi, thăng trầm hay sóng gió các môn đồ vẫn một lòng gắn bó, trung thành tuyệt đối với Cty. Khi đó văn hóa của DN mới thực sự được khẳng định và có sức sống bền vững trong cộng đồng.
Văn hóa doanh nhân xây dựng nên văn hóa DN
Doanh nhân có văn hóa là nền tảng để đưa nền kinh tế tri thức vào hoạt động kinh doanh và là điều kiện căn bản để xây dựng nên văn hóa trong DN. Những chuẩn mực đạo đức, văn hoá của doanh nhân hiện đại rất cần được xác lập.
Thứ nhất, tinh thần yêu nước. Nói đến doanh nhân là nói đến khát vọng làm giàu, nhưng khát vọng làm giàu đó phải xuất phát từ tình yêu gia đình, tình yêu quê hương đất nước, mong muốn làm ra của cải vật chất giúp gia đình thoát khỏi đói nghèo, làm rạng danh cho dòng tộc, tri ân với quê hương đất nước và khát vọng khẳng định tinh thần tự cường của dân tộc. Một doanh nhân yêu nước luôn biết dung hòa giữa lợi ích cá nhân với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Họ tạo ra của cải bằng chính sức lực và trí tuệ thực sự để làm nên những giá trị hữu ích mà không thôn tính, phá vỡ hay triệt tiêu lợi ích chung của xã hội. Hơn ai hết họ là người thấu hiểu giá trị đích thực của sự lao động mà nỗ lực một cách tự trọng để khẳng định bản thân ở cái “Tầm, Trí, Tâm, Tình” để cuối cùng có được chữ “Tiền”.
Thứ hai, tri thức kinh doanh. Doanh nhân văn hóa phải là người làm giàu bằng tri thức, bằng trí tuệ thực sự của mình. Họ luôn xác lập rõ mục tiêu, tầm nhìn, sứ mệnh của DN và hoạch định các chiến lược phát triển một cách bài bản chính xác, sử dụng các nguồn lực một cách hiệu quả thực hiện các mục tiêu để dẫn dắt DN đi đến thành công. Họ luôn khiến cho toàn thể người lao động của mình nhận thấy rằng con đường DN họ đang đi sẽ dẫn đến một tương lai đầy tươi sáng. Ở đó tất cả những nỗ lực lao động và sự sáng tạo sẽ có được thành quả xứng đáng được Cty đãi ngộ và trân trọng, được xã hội ghi nhận và tôn vinh. Họ biết cách tạo ra một môi trường lành mạnh với những nguyên tắc ứng xử đầy tính khoa học và nhân văn để khích lệ tinh thần hăng say lao động trên nền tảng giá trị và niềm tin mãnh liệt của người lao động đối với Cty.
Thứ ba, vai trò chính trị. Đã đến lúc doanh nhân cần phải có tiếng nói của mình trong đời sống chính trị – xã hội của đất nước. Vai trò chính trị của doanh nhân thể hiện ở trách nhiệm tham mưu cho nhà nước về đường lối, chiến lược phát triển kinh tế, các chính sách, giải pháp hỗ trợ DN phát triển. Với tư cách là những người trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực kinh tế, hiểu biết sâu sắc thị trường trong nước và quốc tế nắm được các xu thế phát triển, đồng thời có quan hệ với các đối tác kinh tế, chính trị ở nước ngoài, các doanh nhân phải nhận thức được nghĩa vụ tham mưu và đóng vai trò cầu nối cho nhà nước trong quan hệ ngoại giao.
Thứ tư, giá trị nhân bản. Doanh nhân là những người trực tiếp tổ chức, điều hành và quản lý quá trình vận hành của nền kinh tế, tức là quá trình sáng tạo và nâng cao các giá trị vật chất cho xã hội. Chính sứ mạng và vai trò đó khiến doanh nhân có một vị trí đặc biệt. Vì thế, doanh nhân văn hóa phải là người ý thức sâu sắc về giá trị nhân bản, tính kế thừa và đồng loạt quy mô trong xã hội những mô hình hiệu quả góp phần thúc đẩy nhanh sự phát triển kinh tế và tạo nên tính cân đối trong đời sống xã hội.
Thứ năm, khả năng hội nhập. Chúng ta đang sống trong một thời đại mà không một cá nhân hay quốc gia nào có thể đứng ngoài xu thế toàn cầu hóa. Hợp tác tốt có nghĩa là chia sẻ và du nhập những tinh hoa văn hóa, sự văn minh, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm tạo cơ hội cùng nhau phát triển. Trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu, văn hóa thực sự trở thành một sức mạnh quan trọng của mỗi cá nhân, mỗi DN và mỗi quốc gia.
Vì vậy, hội tụ đủ các phẩm chất, tư tưởng cốt lõi trên để trở thành doanh nhân văn hóa trong thời kỳ hội nhập và phát triển chính là chìa khóa vàng để dẫn dắt DN đi đến thành công. Một nền văn hoá kinh doanh như vậy sẽ góp phần tạo nên nền kinh tế phồn thịnh bền vững cùng cả nước hội nhập vào đời sống kinh tế chính trị toàn cầu.
GS TS Đinh Xuân Dũng – Uỷ viên Hội đồng lý luận Trung ương: Tài sản, nguồn vốn của một DN là cơ sở vật chất kỹ thuật, là thiết bị, máy móc, là vốn tiền và vốn người…Trong đó gần đây, người ta thường khẳng định, tài sản quý nhất cuả một DN là con người. Điều đó hoàn toàn đúng nhưng có lẽ chưa thật đầy đủ. Tất cả những con người riêng rẽ đó phải được tổ chức, tập hợp lại tự nguyện theo một định hướng giá trị của DN, theo một chiến lược, một triết lý, một đạo lý kinh doanh, tức là theo một mục tiêu, một chuẩn mực văn hóa kinh doanh. Phát huy cao độ sức mạnh chung của những người riêng lẻ trong DN để họ tự nguyện lao động, sáng tạo, tập hợp thành một đội ngũ gắn kết và thống nhất vì mục tiêu chung, đó là sức mạnh của văn hóa và đó chính là nội dung cốt lõi, sâu nhất của văn hóa DN. Tôi thực sự tâm đắc với một suy nghĩ rằng: Con người thì DN nào cũng có nhưng có được một đội ngũ gắn kết của riêng mình thì không dễ DN nào cũng tạo lập được. Vì thế có thể điều chỉnh định nghĩa về tài sản quý giá nhất của mỗi DN không phải chỉ là con người nói chung, mà chính là đội ngũ. Đội ngũ đó là thành quả của quá trình xây dựng văn hóa DN, và đến lượt mình, đội ngũ đó là biểu tượng sinh động nhất của văn hóa DN. Khi phân tích các quan hệ trong DN dưới chuẩn mực văn hóa, cần lấy đặc trưng trên để xem xét, đánh giá. Không thể chỉ dùng tiền, dùng kỷ luật và dùng cả uy lực, quyền lực trong việc rất công phu, rất cần cái tài thu phục và cái tâm của người làm chủ, người lãnh đạo, quản lý. Chính đội ngũ này sẽ tạo ra các giá trị của sán phẩm DN. Trong quá trình công nghiệp hóa chứa đựng trong sản phẩm kinh tế này là tỉ trọng chất xám ngày càng tăng và điều đó có nghĩa là tỉ trọng các yếu tố văn hóa ngày càng giữ vai trò quyết định trong cạnh tranh và nâng cao chất lượng sản phẩm. Và đó chính là một nội dung cốt lõi của văn hóa DN. GS TS Nguyễn Văn Khang – Trường Đại học Thăng Long: Nói đến văn hóa DN không thể không nói đến văn hóa tổ chức trong DN và văn hóa ứng xử. Về văn hóa tổ chức trong DN, tổ chức DN là việc tổ chức đời sống tập thể, theo đó văn hóa tổ chức DN là văn hóa quản lí mọi mặt hoạt động của DN. Tổ chức đời sống cá nhân là tổ chức đời sống vật chất như ăn mặc, chỗ ở, sinh hoạt vật chất, đi lại… và đời sống tinh thần vui chơi, giải trí, thông tin. Chẳng hạn, về mặt nhân sự, nếu chỉ chú trọng đến lợi nhuận mà vắt kiệt sức người lao động, sử dụng người lao động theo kiểu “vắt chanh bỏ vỏ” thì rõ ràng là không có văn hóa trong DN. Nếu DN chỉ chú trọng lợi nhuận mà không chú ý đến đời sống, tâm lý của cán bộ công nhân viên… và những đóng góp trong cộng đồng thì không thể gọi là có văn hóa DN. Về văn hóa ứng xử, đó là, ứng xử với môi trường xã hội và ứng xử với môi trường tự nhiên. Ứng xử với môi trường tự nhiên ở nơi DN hoạt động và với môi trường thiên nhiên là một phần của văn hóa ứng xử. Nếu trong hoạt động kinh doanh mà chỉ chú trọng đến lợi nhuận thì sẽ bất chấp việc làm hại cho xã hội, như phá rừng, thải nước bẩn ra môi trường, thả khói bụi lên không trung thì không thể coi là có văn hóa trong kinh doanh. |
Theo DDDN