Lựa chọn tên miền – một việc tưởng chừng như rất đơn giản nhưng thực tế không hẳn như vậy. Một tên miền hay ít nhiều đều có sức ảnh hưởng tới doanh nghiệp, hoặc chí ít cũng tác động đáng kể tới lưu lượng truy cập vào Website doanh nghiệp và có tác dụng gợi nhớ doanh nghiệp trong tâm trí khách hàng do vậy phải cẩn trọng cân nhắc trước khi ra quyết định.
Để có được một tên miền như ý, dễ nhớ và thuận tiện cho người dùng truy cập trực tiếp, chúng ta cần phải tuân theo những nguyên tắc sau:
1. Tên miền là công cụ làm thương hiệu: Hãy nghĩ tên miền như là công cụ marketing quan trọng nhất để tạo tiếng vang. Theo khảo sát của Nielsen, Website của thương hiệu đứng thứ 3 trong top những nguồn quảng cáo đáng tin cậy nhất đối với người dùng Internet.
Một tên miền của thương hiệu hoàn hảo sẽ có rất nhiều tác dụng đối với DN trong các hoạt động: Marketing truyền miệng, tăng uy tín cho website. Chính vì lẽ đó, DN nên lựa chọn một tên miền có ý nghĩa và có mật độ xuất hiện thường xuyên.
Theo báo cáo của Eliot Silver (Eliotsblog.com) cho biết, nhiều nhà đầu cơ tên miền coi trọng giá trị tiềm năng cho phát triển thương hiệu hơn là giá trị lưu lượng truy cập hoặc lợi nhuận hiện tại.
2. Tên miền nên ngắn gọn và dễ nhớ: Điều tối cần thiết đối với bất kỳ một tên miền nào là phải đảm bảo được 2 yếu tố: dễ viết và phát âm xuôi miệng.
Cách tốt nhất để kiểm chứng cho tên miền mà bạn dự định lựa chọn cho Website Doanh nghiệp mình, đó là bạn hãy thực hiện bài “kiểm tra với radio” xem liệu nó có được viết lại chính xác cái tên sau khi nghe nó?
Theo một kết quả nghiên cứu, trong số hơn 200 triệu tên miền đã được đăng ký, ước lượng chỉ có 5-7% là đủ tiêu chí khiến người dùng nhớ tới.
3. Thành tố mở rộng: Khi lựa chọn tên miền, yếu tố quốc gia cần được lưu ý tới nếu như bạn có dự định bán hàng ở một quốc gia nào đó.
Và khi lựa chọn tên miền nên chú trọng đến những tên miền thuộc “nhóm trên” hay còn được gọi là Top level domains (TLDs).
Kết quả một khảo sát được thực hiện trong năm 2012 về thành tố mở rộng trong tên miền, trong số hơn 250 triệu tên miền ở thời điểm đó: có 102 triệu tên miền (chiếm 48%) có thành tố mở rộng là “.com”, điều này cho thấy, thành tố mở rộng “.com” hiện vẫn là tiêu chuẩn vàng của ngành; tiếp theo đó, các thành tố mở rộng tên miền khác như: “.net” có 14 triệu, “.org” có 10 triệu tên miền, “.info” có 8 triệu tên miền và “.co” có 1,2 triệu tên miền.
Một lựa chọn tối ưu và đem lại hiệu quả cao, được nhiều DN áp dụng, đó là mua nhiều thành tố mở rộng (.net, .info, .com, .biz…) sau đó trỏ tất cả về cùng một trang.
Để có thể nhanh chóng tìm ra các tên miền khả dụng, bạn có thể sử dụng công cụ DomainsBot.com
4. Bảo vệ nhãn hiệu thương mại: Bạn luôn phải đề phòng và cảnh giác trước cuộc xâm chiếm trên mạng khi các đối thủ đăng ký cùng một tên miền nhưng chỉ khác phần mở rộng nhằm đánh cắp lưu lượng truy cập vào Website của bạn.
Theo Tổ chức Tài sản Trí tuệ Thế giới (WIPO) thì trong năm 2012 ghi nhận 2.884 vụ xâm chiếm trên mạng nhằm vào 5.084 tên miền, tăng 4,5% so với năm 2011.
Đạo luật Bảo vệ Người tiêu dùng chống lại các cuộc xâm chiếm trên mạng (ACPA) cũng đã đưa ra những mức phạt nặng nề đối với các trường hợp bị phát hiện đăng ký tên miền nhằm ý định trục lợi từ một thương hiệu khác.
Năm 2013, tỉ phú Donald Trump cũng đã bị phạt 400.000 USD cho bốn Website vì đã sử dụng tên và thương hiệu của một nhà bất động sản ở Mông Cổ.
Do vậy, để tránh gặp phải những kiện tụng bạn nên tránh đăng ký tên miền giống với tên miền của đối thủ và tránh vi phạm nhãn quyền thương hiệu.
5. Sáng tạo: Hầu hết các tên miền chỉ bao gồm một chữ đều đã được đăng ký và sử dụng, thế nên bạn cần vận dụng óc sáng tạo để tạo ra một tên miền phù hợp cho thương hiệu của mình.
Có nhiều cách sáng tạo để tạo ra tên miền như: kết hợp hai từ lẻ, thêm tiền tố hoặc hậu tố vào từ, chơi chữ, nối thành phần của các chữ với nhau, nghĩ ra một cái tên độc nhất, sử dụng cụm từ…
Hiện nay, cũng đã có một vài công cụ có thể hỗ trợ giúp bạn sáng tạo tên miền như: domainr, domainTyper, namestation…
6. Tránh những tên miền có dấu gạch nối ở giữa: Tên miền có dấu gạch nối ở giữa thường không có giá trị thương hiệu và ít giá trị đối với SEO. Ngoài ra, chúng có thể làm giảm uy tín của thương hiệu và có thể bị xem là dấu hiệu của spam, khiến Website khó kiếm được liên kết Inbound. Mặt khác, tên miền có dấu gạch nối cũng có thể làm giảm lưu lượng truy cập trực tiếp (hiện đang chiếm tới 50% trong tổng số lượt truy cập Website), vì người dùng thường không nhớ vị trí của dấu nối.
7. Kiểm tra tên miền trên Social Media: Một nguyên tắc đáng áp dụng là giữ cho tên thương hiệu được đồng nhất ở mọi nơi, kể cả trên social media, vì thế đừng quên kiểm tra tính khả dụng của tên miền trên social media. KnowEm (knownem.com) là một trong những công cụ trực tuyến giúp kiểm tra tính khả dụng của tên thương hiệu, sản phẩm, tên cá nhân hoặc tên người dùng cùng lúc trên nhiều trang mạng xã hội.
8. Đừng quên gia hạn cho tên miền: Tên miền bị hết hạn sẽ làm cho Website của bạn bị gián đoạn, ảnh hưởng tới thương hiệu, bởi vậy, bạn đừng quê gia hạn cho tên miền đang sử dụng.
Cách tốt nhất đê tránh quên gia hạn, đó là: khi mua tên miền thì nhớ luôn lập lịch nhắc nhớ gia hạn cho tên miền, trong trường hợp có tính năng tự động gia hạn thì bạn nên tận dụng tính năng này.
Tuy chỉ là một cái tên đơn giản, nhưng tên miền lại là một yếu tố thương hiệu, là cửa ngõ gần như duy nhất để khách hàng có thể truy cập vào website của bạn. Chính vì vậy, bạn đừng đánh giá thấp vai trò của tên miền. Để chuẩn bị cho kế hoạch kinh doanh trực tuyến của mình, trước nhất bạn hãy nghĩ một cái tên và đăng ký nó.
Gamma NT (EQVN)