Chia sẻ kinh nghiệm trong công tác thi hành án (THA) khu vực phía Nam diễn ra tại Vũng Tàu hồi cuối tuần qua, báo cáo tại buổi tọa đàm, ông Vũ Đức Hải, Phó Cục Trưởng Cục THADS tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết: Vũng Tàu là địa phương có nhiều án kinh doanh thương mại do những năm gần đây tranh chấp hợp đồng gia tăng dẫn đến số lượng án phải thi hành cao. Tuy nhiên, đã có rất nhiều vưownsg mắc nảy sinh trong quá trình THA.
Giảm giá nhiều lần vẫn không bán được tài sản
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu cho biết, tốc độ đầu tư tín dụng trên địa bàn từ năm 2005 – 2011 tăng nhanh về dư nợ đồng thời cũng tăng nhanh về tỷ lệ nợ xấu. Trong quá trình xử lý nợ xấu, đối với những trường hợp khách hàng không còn khả năng trả nợ, ngân hàng và khách hàng không thỏa thuận được về biện pháp phát mãi tài sản thế chấp, cầm cố hoặc khách hàng cố ý chây ỳ không trả nợ, ngân hàng phải chuyển hồ sơ qua Tòa án để giải quyết dân sự.
Vì vậy thời gian qua tại Vũng Tàu, số vụ án kinh doanh thương mại tòa án thụ lý giải quyết tăng nhanh hàng năm. Tương ứng với việc thụ lý giải quyết của Tòa án, thì số vụ vụ việc và giá trị phải thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự ngày càng tăng, tính chất vụ việc ngày càng phức tạp.
Việc xử lý tài sản thế chấp là nhà đất, mặc dù đã giảm giá nhiều lần theo quy định tại Điều 104 Luật THADS, nhưng tổ chức đấu giá không có khách hàng đăng ký tham gia. Từ đầu năm đến nay, chấp hành viên Cục THADS đã ủy quyền cho các tổ chức bán đấu giá tài sản 101 tài sản, nhưng chỉ đấu giá thành 16 tài sản, những tài sản này cũng đã giảm giá từ lần thứ 3 trở lên. Theo thống kê, tỉ lệ đấu giá thành chỉ đạt 15,8%. Đây là nguyên nhân cơ bản, chủ yếu làm cho kết quả thi hành án thấp.
Cũng theo ông Hải thì quy định giảm giá nhiều lần cho đến khi bán đấu giá được tài sản đã tạo lên áp lực rất lớn đến chấp hành viên tổ chức thi hành. Bởi nguyên nhân không có khách hàng đăng ký tham gia mua đấu giá không phải là do giá không phù hợp mà do thị trường tại thời điểm hiện nay không có nhu cầu.
Đến khi đấu giá thành thì giá bán thấp hơn nhiều lần so với giá trị thực tế của tài sản trong điều kiện bình thường. Điều này đã gây thiệt hại cho cả hai bên đương sự. Do vậy, chỉ với những sơ xuất nhỏ trong quá trình xứ lý tài sản cũng có thể dẫn đến những hậu quả sau này không khắc phục được.
Thứ hai là trường hợp THA đối với người phải THA là thành viên góp vốn vào DN.Trong thực tiễn phát sinh nhiều trường hợp người phải THA là thành viên góp vốn bằng tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng của mình là nhà ở, quyền sử dụng đất vào doanh nghiệp là Cty TNHH, Cty CP.
Theo quy định của Luật DN, phần vốn góp là một tài sản đặc biệt, được hình thành thông qua việc góp vốn vào DN và tồn tại song song với sự tồn tại của DN. Phần vốn góp và tài sản góp vốn vào Cty là hai tài sản độc lập và thuộc về hai sản nghiệp của hai chủ thể khác nhau. Phần vốn góp là tài sản thuộc sản nghiệp của nguời góp vốn. Tài sản đem góp vốn là tài sản thuộc sản nghiệp của Cty nhận tài sản góp vốn. Phần vốn góp không phải là tài sản cụ thể như những tài sản khi đem góp vốn.
Thế nhưng, không phải lúc nào cũng phân biệt được sự khác nhau này. Do đó, đã có trường hợp Chấp hành viên khi tổ chức thi hành án mà người phải THA là thành viên góp vốn vào doanh nghiệp đã kê biên chính tài sản người phải thi hành án đã góp vào doanh nghiệp dẫn đến phản ứng, khiếu nại gay gắt của doanh nghiệp.
Khó nhất là xác định phần giá trị vốn góp
Mặc dù Luật THADS đã quy định rõ Chấp hành viên có quyền kê biên phần vốn góp của người phải THA, đồng thời cũng quy định nghĩa vụ cung cấp thông tin nơi nhận góp vốn của người phải THA. Tuy nhiên, khi áp dụng những quy định trên vào thực tiễn công tác THA dân sự, chấp hành viên đã gặp phải một số khó khăn, vướng mắc trong việc xác định phần giá trị vốn góp và biện pháp kê biên xử lý phần vốn góp.
Một phần do các loại hình DN này ngay từ khi thành lập đã không có sự thỏa thuận rõ ràng về cơ cấu tổ chức, quyền và nghĩa vụ của các thành viên, mức góp vốn và cách thức phân chia lợi nhuận, cơ chế kiểm soát hoạt động sản xuất kinh doanh. Hai là để xác định phần vốn góp thực tế của các thành viên trong công ty yêu cầu nhiều tài liệu pháp lý khác nhau như: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; điều lệ công ty; giấy chứng nhận góp vốn, cổ phiếu; sổ đăng ký thành viên, sổ đăng ký cổ đông; báo cáo tài chính doanh nghiệp, sổ sách kế toán doanh nghiệp; các chứng từ khác về việc góp vốn, phân chia lợi nhuận của doanh nghiệp.
Như vậy việc xác định phần vốn góp thực tế của các thành viên trong công ty là hết sức phức tạp. Không phải trường hợp nào Chấp hành viên cũng thực hiện được. Khi đã xác định được phần vốn góp của người phải thi hành án trong doanh nghiệp thì việc kê biên xử lý phần vốn góp đó như thế nào lại là một vấn đề khác nữa.
Chẳng hạn như chấp hành viên phải áp dụng xử lý phần vốn góp theo quy định của Luật doanh nghiệp hay tổ chức bán đấu giá theo quy định của Luật THADS, để vừa đảm bảo đúng quy định của pháp luật và không ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp là vấn đề hiện nay cũng chưa có sự chỉ đạo, hướng dẫn của cấp trên.
Chi cục THA dân sự TP Vũng Tàu đang tổ chức thi hành, buộc Cty TNHH Thanh Châu phải trả nợ cho Cty CP đầu tư phát triển xây dựng DIC tiền thi công dự án Cao ốc Thùy Vân (do Cty TNHH Thanh Châu là chủ đầu tư) số tiền trên 9 tỉ 497 triệu đồng. Tài sản đảm bảo THA là quyền sử dụng 3.816m2 đất và phần móng nhà thi công dở dang. Kết quả xác minh xác định: quyền sử dụng đất đứng tên sử dụng của cá nhân góp vào DN. Việc góp vốn quyền sử dụng đất mới qua thủ tục công chứng. Trên cơ sở góp vốn, Công ty TNHH Thanh Châu đã được cấp giấy phép đầu tư xây dựng dự án Cao ốc Thùy Vân. Dự án đã thi công và đã bán một số căn hộ. Trong quá trình thực hiện dự án, một trong số những người đứng tên sử dụng đất chết và quyền sử dụng đất đuợc chia thừa kế qua thủ tục công chứng. Đến ngày 21/4/2011, những người đứng tên quyền sử dụng đất (gồm cả những người được thừa kế) làm thủ tục ủy quyền cho một thành viên của Cty thế chấp thấp vay vốn tại Chi Nhánh Ngân hàng NN&PTNT quận 8, TP HCM. Vấn đề khó khăn hiện nay là việc xác định quyền sử dụng đất là tài sản của DN hay là tài sản của những người đứng tên quyền sử dụng đất?. Do có sự xung đột pháp luật nên Chấp hành viên chưa có cơ sở pháp lý vững chắc để áp dụng biện pháp kê biên xử lý tài sản của DN. Để có đường hướng xử lý những vụ việc như thế này, Cục THADS Bà Rịa – Vũng Tàu đang đề nghị Tổng cục THADS có hướng dẫn cụ thể về việc kê biên vốn góp của các thành viên góp vốn vào doanh nghiệp trong trường hợp thành viên góp vốn là người phải THA. |
Theo Pháp luật