Thảm họa nước Nhật vào ngày 11/3/2011, liệu đã đưa con người lên giới hạn cao nhất của cùng cực khổ đau? Hơn nửa thế kỷ, Người Nhật bản đã lặng lẽ xây dựng đất nước để cả thế giới nghiêng mình kính phục, nhưng chỉ sau vài phút, chỉ còn một đống hoang tàn. Có thể có các gia đình người Nhật, cả nhà, mấy thế hệ cùng ra đi về cõi vĩnh hằng. Ta cầu cho linh hồn họ siêu thoát. Nhưng có những gia đình sẽ chia lìa mãi mãi. Vợ, chồng, cha, mẹ, con, anh chị em… mất nhau. Có nhiều đứa trẻ mồ côi, có nhiều thai nhi không được chào đời…
Ảnh minh họa
Đối mặt với thảm họa lớn nhất trong lịch sử loài người, ta chứng kiến cảnh người Nhật kiên cường mà điềm tĩnh, cam chịu trong trật tự. Từ chính phủ đến người dân, những con người quả cảm không hoảng loạn, miệt mài làm công việc của mình để hy vọng đứng dậy từ đống hoang tàn. Dường như người Nhật ý thức được rằng, đất nước họ có thể sẽ gặp thảm họa, và những đứa trẻ đã được giáo dục về điều đó. Chính vì vậy, cả dân tộc đã luôn nỗ lực cống hiến, xây dựng một đất nước để có thể giảm thiểu những thiệt hại từ thiên tai.
Theo tôi, tai họa Nhật bản đã khơi dậy cho chúng ta hai bài học lớn: Thứ nhất, Con người (với những toan tính không cùng) phải xem lại cách đối xử với thiên nhiên. Thứ hai, Tinh thần dân tộc, ý thức hệ của người Nhật làm lay chuyển nhận thức của thế giới.
Sự kiên cường của người dân Nhật Bản
Chúng ta, những người con dân đất Việt, có suy nghĩ gì từ thảm họa trên? Người Nhật cũng là người châu Á máu đỏ da vàng. Trong công cuộc đổi mới, người Nhật đã sát cánh bên dân tộc chúng ta, giúp chúng ta phát triển đất nước. Và nửa cuối thế kỷ 20, Người Nhật đã làm rạng danh châu Á.
Tôi vẫn tin rằng, với tố chất kiên cường và tinh thần dân tộc, dù tai họa này có lớn tới mức nào, đất nước Nhật bản cũng sẽ trỗi dậy mạnh mẽ sau khó khăn. Một nước Nhật mới sẽ chứng tỏ điều này với thế giới. Và điều đó khiến chúng ta phải học tập.
Cầu nguyện cho hơn một vạn linh hồn…
Xuân Tâm, MTX