Tăng trưởng xanh – câu trả lời cho tương lai?

Nếu như những thập kỷ trước đây, tăng trưởng kinh tế thế giới tập trung vào số lượng, phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch thì trong tương lai tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ tập trung vào chất lượng, thông qua cải tiến công nghệ, áp dụng kiến thức xanh, bảo vệ môi trường…

anh

 

Chương trình môi trường của Liên hiệp quốc (UNEP) định nghĩa: “kinh tế xanh” là một nền kinh tế nhằm cải thiện hạnh phúc con người, công bằng xã hội và giảm thiểu đáng kể những nguy cơ kiệt quệ về môi sinh… nền kinh tế xanh sẽ làm chậm lại sự gia tăng của hàm lượng cácbon và ngăn chặn biến đổi khí hậu, có lợi cho sức khỏe con người, bảo đảm tính chịu đựng của hành tinh và sự sống còn của nhân loại”.

BÀI HỌC KINH NGHIỆM TỪ HÀN QUỐC

Trong nỗ lực thức đẩy quá trình tăng trưởng xanh ở phạm vi thế giới, Hàn Quốc đã hỗ trợ nhiều quốc gia lựa chọn con đường này. Năm 2011, Hàn Quốc đã hỗ trợ 1,3 tỷ đô-la, tăng 6,5 lần so với năm 2000 cho tăng trưởng xanh và dự định sẽ tăng 30% tổng số viện trợ đến năm 2020 cho những dự án phát triển về năng lượng tái tạo… Cơ quan phát triển Hàn Quốc (KOICA) đã có những dự án hỗ trợ tăng trưởng xanh ở Sri Lanka. Đó là dự án tăng cường khả năng sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu ở nước này. Ở Phi-lip-pin, KOICA đã cam kết xây dựng hồ chứa, kênh thủy lợi, hệ thống xử lý nước để quản lý nguồn nước phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững.

Hàn Quốc là một trong những quốc gia không có nhiều tài nguyên thiên nhiên, mà 97% tổng nhu cầu năng lượng lệ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu. Quốc gia này cũng phải đối mặt với vấn đề thiếu nước sạch trong thời gian dài, đặc biệt là trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu ngày nay.

Tháng 5 năm 2008, Hàn Quốc đã công bố Tầm nhìn mới với mô hình phát triển: Carbon thấp, tăng trưởng xanh, trong đó tập trung giải quyết ba mấu chốt đó là thách thức của biến đổi khí hậu, kinh tế suy giảm và thách thức về năng lượng.

Những thành quả thiết thực về kinh tế thu được từ việc thực hiện chính sách tăng trưởng xanh bước đầu đã cho thấy chính sách tăng trưởng xanh của Hàn Quốc mang tính khả thi. Từ năm 2007 đến nay, ở Hàn Quốc, riêng ngành sản xuất năng lượng tái sinh mới, số doanh nghiệp đã tăng lên 2,2 lần, số việc làm tăng lên 3,6 lần, kim ngạch xuất khẩu tăng 5,9 lần, đầu tư tư nhân tăng năm lần. Mua sắm công cộng xanh năm 2005 mới chỉ đạt một nghìn tỷ won đến năm 2009 đã đạt tới hai nghìn tỷ won. Đèn hình LED, LED TV, pin thế hệ 2, thiết bị điện mặt trời, điện gió, điện hạt nhân… tăng về số lượng sản xuất và xuất khẩu. Những kết quả thiết thực này đang đem lại hy vọng về một động lực tăng trưởng mới cho Hàn Quốc cũng như hợp tác quốc tế về tăng trưởng xanh.

Hàn Quốc quyết liệt để có được những thành quả đó. Thứ nhất: Cần sự tham gia của hệ thống chính trị để giải pháp quyết những vấn đề liên quan tới sự chuyển đổi và cải cách về thể chế, hệ thống ưu đãi, tổ chức và có thể tổng hợp được sức mạnh để phối hợp những quan điểm và lợi ích khác nhau.

Thứ hai: Có sự can thiệp chủ động của Chính phủ để xây dựng khung thể chế và pháp lý bền vững cho tăng trưởng xanh, giới thiệu những chính sách, kế hoạch điều tiết thống nhất, thúc đẩy sự thay đổi trong thực tế.

Tuy nhiên, những vấn đề như biến đổi khí hậu không nằm ở một quốc gia và một quốc gia không thể giải quyết được. Vì vậy, cần có sự huy động nguồn lực từ các đối tác khác nhau ở nước ngoài, chia sẻ kiến thức giữa các quốc gia láng giềng và các nhà lãnh đạo toàn cầu, phổ biến những bài học kinh nghiệm tốt tới nhiều quốc gia.

HIỆN THỰC HÓA CHIẾN LƯỢC TĂNG TRƯỞNG XANH Ở VIỆT NAM

Tháng 9 năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược quốc gia về Tăng trưởng xanh. Tăng trưởng xanh ở Việt nam là mô hình tăng trưởng dựa vào quá trình thay đổi các mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu nền kinh tế, nhằm khai thác tối đa lợi thế cạnh tranh, tăng hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh thông qua nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tiên tiến, phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng hiện đại, nhằm sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, giảm khí thải nhà kính, đối phó biến đổi khí hậu, góp phần giảm nạn đói nghèo, tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Chiến lược tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng đề ra ba nhiệm vụ quan trọng là: 1) giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. 2) xanh hóa sản xuất. 3) xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.

Ta có thể thấy rõ với chiến lược này, Việt Nam đang đi theo xu hướng chung của thế giới.

Để chiến lược tăng trưởng xanh thành công ở nước ta cần có sự kết hợp hài hòa và hiệu quả từ trên xuống cũng như từ dưới lên.

Tại Việt Nam, Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI) đã phối hợp với Chương trình Định cư Con người Liên hợp quốc (UN-Habitat) mở một số khóa tập huấn cho cán bộ ở Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố Hồ Chí Minh, Viện Nghiên cứu Phát triển Kinh tế Xã hội Đà Nẵng… chia sẻ kiến thức về tăng trưởng xanh, nhằm tăng cường năng lực cho lãnh đạo địa phương và tăng vai trò làm chủ của họ trong quá trình lập kế hoạch, triển khai các chính sách và những chương trình phát triển…

Cuối tháng 6 tới, GGGI, UN-Habitat và Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam sẽ tổ chức Diễn đàn đầu tư Tăng trưởng xanh Quảng Nam. Đây là cầu nối giới thiệu mô hình thành phố sinh thái Hội An, các sáng kiến và dự án đầu tư trọng điểm hướng tới tăng trưởng xanh tại Quảng Nam. Hy vọng thông qua diễn đàn này, các nhà đầu tư sẽ có cơ hội hiểu rõ hơn về môi trường đầu tư, những lợi thế khi đầu tư vào Quảng Nam và sẽ bước gần hơn tới việc hiện thực hóa chiến lược phát triển của tỉnh theo hướng tới tăng trưởng xanh.

… Kết luận Hội nghị T.Ư 3 khóa XI khẳng định: “Ðổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, bảo đảm phúc lợi và an sinh xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường”. Như vậy, những định hướng tăng trưởng, phát triển mà Ðảng ta lựa chọn trùng khớp với những tiêu chí của tăng trưởng xanh và mô hình kinh tế xanh mà thế giới đang triển khai rầm rộ.

Theo Nhân dân

related-post