Tái cấu trúc: Doanh nghiệp đang lạm dụng cách cào bằng cho dễ?

Nhìn vào phương án tái cấu trúc kiểu cào bằng của doanh nghiệp, quan ngại liệu công cuộc này đã thực sự vì sự thay đổi về chất được dấy lên.

tru65Phải nói, năm 2012 là năm khởi động và năm 2013 là  năm tăng tốc của quá trình tái cấu trúc doanh nghiệp. Hàng  loạt công ty niêm yết đã dành thời gian thực sự nhìn lại “đống” tài sản của mình. Cái gì nên giữ, cái gì nên bỏ, cái gì cần phải đầu tư mạnh thêm….

 

Sáp nhập, hợp nhất và tư duy cộng ngang

 

Vãn nhớ cách đây không lâu, PVFC và WesternBank đã thông qua phương án tái cấu trúc với cách làm cộng ngang. 1 cổ phiếu PVFC đổi lấy 1 cổ phiếu Ngân hàng hợp nhất và 1 cổ phiếu WesternBank đổi lấy 1 cổ phiếu Ngân hàng hợp nhất. Điều này có nghĩa là đánh đồng giá trị mỗi cổ phần của PVFC và WesternBank là như nhau.

 

Không thể phủ nhận phương án cộng ngang đó giúp quá trình tái cấu trúc 2 tổ chức tín dụng này đẩy nhanh hơn quá trình thông thường với cơ số việc phải làm như đánh giá lại, như tính toán thiệt hơn…

 

Và, không chỉ trường hợp lớn trên. Thị trường chứng khoán đang chứng kiến rất nhiều phương án tái cấu trúc dạng cộng ngang đó.

 

Thị trường chứng khoán tuần này chứng kiến một kế hoạch không nhỏ của 3 công ty thuỷ điện vừa và nhỏ niêm yết. Kế hoạch sáp nhập được đưa ra khiến những cổ đông nắm giữ cổ phiếu của 3 công ty này thấp thỏm chờ đợi…Sau nhiều năm hoạt động, điều kiện, cơ hội, địa điểm kinh doanh khác nhau nhưng nếu kế hoạch sáp nhập được thông qua thì 1 cổ phiếu RHC, NLC sẽ được đổi lấy 1 cổ phiếu SJD. Tức, giá trị mỗi cổ phiếu của 3 doanh nghiệp này được đánh đồng tương đương nhau.

 

Hoặc như phương án sáp nhập được HĐQT trình là MEC sẽ phát hành thêm 750.000 cổ phần cho tất cả các cổ đông của Someco Hoà Bình (ngoại trừ cổ đông là MEC). Tỷ lệ hoán đổi là 1:1 tức mỗi cổ phần Someco Hoà Bình sẽ được đổi lấy 1 cổ phần của MEC. Someco Hoà Bình chưa niêm yết. Bằng cách làm này, MEC sẽ giúp Someco Hoà Bình niêm yết đường vòng và giá trị mỗi cổ phiếu cũng được tính tương đương MEC.

 

Tái cấu trúc hay chỉ dễ quản lý cho công ty mẹ?

 

Nếu nhìn lại cơ cấu sở hữu của bộ 3 thủy điện nêu trên thì Tập đoàn Sông Đà có tiếng nói lớn nhất khi sở hữu quá nửa tại mỗi doanh nghiệp. Có lẽ đây là lý do vì sao 3 công ty thủy điện khác nhau về vốn điều lệ, điều kiện kinh doanh, tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận lại có thể có 1 phương án sáp nhập với tỷ lệ cào bằng như vậy.

 

Thông qua hay không chuyện sáp nhập còn chờ ở ĐHCĐ nhưng đa phần khi phương án đã vạch ra lại có thêm “sức mạnh” của cổ đông nắm quyền chi phối thì chuyện thông qua chỉ còn là vấn đề thời gian.

 

Điều cần thiết cho cổ đông nhỏ lẻ bây giờ, nếu vẫn muốn tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp, là nên nhìn thật kỹ những phương án hợp nhất, sáp nhập mà HĐQT đệ trình, chất vấn nguyên nhân có được con số cào bằng và đâu là lợi ích hậu sáp nhập để thấy được liệu phương án đưa ra đã là công cuộc tái cấu trúc thực sự hay chỉ đơn giản là vấn đề dễ cho quản lý của công ty mẹ.

 

Theo CafeF

related-post