Quyết định kinh doanh: Nên độc tài hay đẽo cày?

Tin Steve Ballmer, Tổng giám đốc (Cceo) của Microsoft, 12 tháng nữa sẽ từ chức lập tức làm cho nhà đầu tư hớn hở ra mặt. Và cổ phiếu hãng này đã tăng lên gần 10%, đạt 34,2 USD/cổ phiếu trong những ngày cuối tháng 8.

 
Steve Ballmer – CEO Microsoft

Tây độc tài ta cũng độc tài

Ballmer đã làm Microsoft mất đi gần nửa giá trị và cổ phiếu hãng này cũng chưa từng chạm mốc 50 USD kể từ ngày ông nhậm chức vào năm 2000. Ông chính là người đã khai tử dự án Courier vốn được coi là cơ hội để Microsoft tiến sâu vào lĩnh vực thiết bị di động. Đây là dự án được đánh giá cao bởi tính tức thời cũng như sự hoàn hảo của phiên bản màn hình cảm ứng, chạm đa điểm của chiếc máy tính bảng đầu tiên.

Lý do khai tử dự án là mặc dù nguyên mẫu Courier được phát triển dựa trên nền tảng Windows, nhưng lại xây dựng một hệ điều hành di động chuyên biệt. Trong khi đó, Ballmer muốn tất cả những sáng tạo phải xoay quanh Windows và chỉ Windows mà thôi. Sự việc này không những khiến Microsoft mất mảnh đất màu mỡ đó vào tay Apple, Samsung mà còn khiền Hãng quanh quẩn với nền tảng Windows cũ kỹ.

Steve Jobs, cựu CEO quá cố của Apple cũng nổi tiếng là “nhà độc tài vĩ đại”. Nhà báo Joe Nocera của báo New York Times mô tả ông là “một nhà độc tài chỉ tin tưởng trực giác của mình”. Dưới thời Steve, niềm kiêu hãnh cá nhân không cho phép ông và Apple nhận lỗi, ví dụ như lỗi ăng-ten trên iPhone 4. Ban đầu, chuyên gia về ăng-ten Ruben Caballero của Apple đã bày tỏ lo ngại với Jobs về việc thiết kế ăng-ten của iPhone 4 có thể gây rớt sóng liên tục, nhưng Jobs đã phớt lờ. Ông tin tuyệt đối vào ý kiến của mình, thậm chí là đến mức bị ám ảnh. Ông không nghe bất cứ ý kiến nào trái chiều. Sau đó, Apple đã phải trả giá khi người dùng liên tục phản ứng về lỗi này. Apple đã tổ chức họp báo giải thích, nhận sai và sửa chữa lỗi lầm. Apple cũng đã phải hoàn trả 15 USD cho khách hàng mua iPhone 4 tại Mỹ hoặc cung cấp cho họ một vỏ bảo vệ miễn phí.

CEO Stephen Elop của Nokia cũng thể hiện sự độc tài khi nhất nhất đi cùng đối tác Microsoft, bỏ qua Android của Google. Kết quả là Nokia đã bị Samsung soán ngôi và lâm vào cảnh kinh doanh thất thường với những khoản lỗ khổng lồ.

Ở Việt Nam không thiếu những câu chuyện quản lý độc tài như thế trong giới doanh nhân. Đó là một trong những lý do khiến những công ty gia đình khó lòng tìm kiếm được nhà điều hành giỏi. Làm sao kiếm được người thay thế khi CEO Việt đã quá quen với việc tất cả mọi quyết định đều do mình đưa ra?

Chủ một công ty cà phê lớn ở Việt Nam nổi tiếng là người độc tài. Giới tư vấn truyền tai nhau câu chuyện ông này nhiều lần bỏ tiền thuê đội tư vấn hùng hậu về tư vấn chiến lược nhưng ai nấy đều thất bại. Ông đã bác bỏ tất cả những “lời mua bằng tiền” kia vì trái với quan điểm, cách nhìn của ông ta. Cuối cùng, không nhà tư vấn nào trụ nổi. Và công ty đó cứ phát triển theo kiểu “mọi quyết định kinh doanh là của tôi, đến cái thông cáo báo chí cũng viết giọng văn của tôi mới được”.

Một nhân viên của ông này, đồng thời là một chuyên gia tư vấn nổi tiếng đã phải rời khỏi công ty sau khi không thể thuyết phục được ông chủ đi theo mô hình kinh doanh mới: chuỗi quán cà phê mang đi. Vị cựu nhân viên này sau đó đã lập ra chuỗi quán cà phê mang đi khá lớn. Mô hình này hiện đã phát triển rất nhanh.

Một nhân vật khá kín tiếng là một nhà quản lý uy quyền và độc tài là Dương Công Minh, ông chủ của Him Lam. Ông nắm tới 99% và khẳng định đây không phải là công ty gia đình trị mà là độc trị, chỉ mình ông ra quyết định. “Người đứng đầu của Him Lam sau này sẽ là con trai tôi! Trong 10 người cao nhất của Him Lam chỉ có 3 người trong gia đình tôi. Nhưng chủ của Him Lam sau này chỉ có thể là con trai tôi”. Ông Minh đã phát biểu như thế vào cuối năm 2010 khi con trai ông mới có 3 tuổi rưỡi.

Độc tài hay đẽo cày?

Chuyện kể rằng có một bác nông dân muốn làm một cái cày thật tốt để làm tăng năng suất và đỡ vất vả hơn. Một hôm, bác rất vui vì đã xin được một cây gỗ tốt nhưng chưa làm cày bao giờ, bác bèn mang khúc gỗ ra ven đường ngồi hỏi ý kiến mọi người và đẽo.

Bác đẽo được một lúc thì một người đi qua chê “bác đẽo to quá”. Nghe có lý, bác bèn sửa lại. Được một lúc lại có một người đi qua bảo “bác đẽo thế này không cày được đâu, cái đầu cày bác làm to quá….”. Bác nghe cũng có lý, lại chỉnh sửa theo lời khuyên… Cuối cùng, hết ngày hôm ấy bác nông dân chỉ còn một khúc gỗ nhỏ. Bác không còn cơ hội để đẽo cái cày theo ý mình nữa, cây gỗ quý đã thành một đống củi vụn.

Một người đã thành công rực rỡ như ông Đặng Thành Tâm cũng không tránh khỏi lúc mất tỉnh táo. Đang là người giàu nhất sàn chứng khoán, ông Tâm ngậm ngùi chịu thất bại khi nhảy vào ngân hàng, chứng khoán.

“Ở Việt Nam ai nghe tới ngân hàng cũng thích, mình cũng thế thôi, cứ thấy người ta ăn khoai thì mình vác mai đi đào. Có một thời người ta đổ xô mua cổ phiếu ngân hàng, cổ phiếu chứng khoán và cứ nhắm mắt mua là lãi, bây giờ thì chịu hậu quả”, ông ngậm ngùi.

Độc tài rõ ràng có thể mang nhiều hậu quả, nhưng nếu cứ nghe ai nói cũng thấy có lý thì sẽ còn nguy hiểm hơn. Lúc ấy việc “đẽo cày giữa đường” có khi còn gây hậu quả lớn hơn cả việc độc tài.

Steve Jobs có câu nói nổi tiếng – “Dân chủ không tạo nên những sản phẩm tuyệt vời. Để làm được điều đó, anh cần một nhà độc tài thông thái”. Ông cũng thường nói “chưa đủ tốt đâu”, dù chỉ nhìn thoáng qua sản phẩm của nhân viên. Chính sự độc đoán của ông đã buộc nhân viên Apple phải làm ra những sản phẩm tốt vượt sức mình. iPhone, iPad và sự thành công của Apple hiện nay là do sự độc đoán và cầu toàn của Jobs. Như vậy, cốt lõi chính là CEO cần tỉnh táo trước những lời khuyên để vừa không đẽo cày giữa đường vừa không bỏ mất cơ hội tốt.

Theo Nhịp cầu Đầu Tư

related-post