Lợi ích từ thương mại “xanh”

Thương mại “xanh” dù đang phải đối mặt với những thách thức lớn song vẫn là một xu thế không thể đảo ngược đối với phát triển bền vững, nhất là tại các quốc gia đang phát triển.

  Sử dụng năng lượng sạch
Sử dụng năng lượng sạch như bio gas sẽ giúp thúc đẩy phát triển bền vững

Trong báo cáo “Thương mại và Kinh tế Xanh: Xu hướng, Cơ hội và Thách thức” công bố ngày 8-5 tại Geneva (Thuỵ Sĩ), Chương trình Môi trường LHQ (UNEP) khẳng định, thương mại “xanh” là một nhân tố quan trọng giúp đạt được mục tiêu phát triển bền vững toàn cầu. Được hưởng nhiều lợi ích nhất từ thúc đẩy phát triển thương mại “xanh” chính là các quốc gia đang phát triển vốn đang dựa vào khai thác quá mức tài nguyên thiên nhiên phục vụ mục tiêu tăng trưởng.

Tuy nhiên, theo Giám đốc điều hành UNEP kiêm Phó Tổng thư ký LHQ Achim Steiner, thương mại “xanh” hiện đang đối mặt với những thách thức to lớn, do sự bùng nổ các giao dịch hàng hóa và dịch vụ có giá trị lớn trên thế giới. Điều này có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giúp xóa đói giảm nghèo ở nhiều nước đang phát triển song lại gây ra những sức ép ngày càng lớn tới các nguồn tài nguyên thiên nhiên, làm gia tăng lượng khí thải và nới rộng khoảng cách phát triển xã hội.

UNEP cho rằng, chịu ảnh hưởng lớn nhất là những nước đang phát triển, vốn phụ thuộc rất nhiều vào việc khai thác, sử dụng và xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên. Vì vậy, để đảm bảo phát triển bền vững, các quốc gia này phải biết nắm bắt cơ hội phát triển kinh tế “xanh” và cách khai thác các lợi thế riêng trong bối cảnh đang có sự gia tăng mạnh nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ “xanh” trên toàn cầu.

Không phải các nước đang phát triển không thấy được lợi ích lâu dài từ việc phát triển kinh tế “xanh”, thương mại “xanh” nhưng ngặt nỗi là “cái khó bó cái khôn”. Trong đó, hai trở lực lớn nhất ngăn cản phát triển thương mại “xanh” hiện nay là vấn đề việc làm và vốn đầu tư để phát triển kinh tế “xanh”.

Theo Tổng Giám đốc Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) Guy Ryder, dự kiến ít nhất một nửa lực lượng lao động trên toàn cầu, tức khoảng 1,5 tỷ người, có thể bị ảnh hưởng bởi tiến trình chuyển đổi sang nền kinh tế “xanh”. Trong đó, chịu tác động nhiều nhất là trong 8 lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp, năng lượng, công nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên thiên nhiên, tái chế, xây dựng và vận tải.

Nghiên cứu của UNEP cũng ước tính thế giới cần đầu tư 1.300 tỷ USD, tương đương 2% GDP toàn cầu hàng năm, để phát triển kinh tế “xanh” nhằm thay thế mô hình sản xuất không bền vững sử dụng quá giới hạn sinh thái của Trái đất. Sự đầu tư này tập trung vào 10 lĩnh vực kinh tế then chốt là nông nghiệp, năng lượng, xây dựng, nước, lâm nghiệp, ngư nghiệp, công nghiệp chế tạo, du lịch, vận tải và chất thải.

Dù vậy, UNEP vẫn thúc giục thế giới hãy quan tâm và dành đầu tư thích đáng cho các sản phẩm thương mại “xanh” bởi nhu cầu đối với các hàng hóa và dịch vụ thân thiện với môi trường sẽ có xu hướng tăng mạnh trong thời gian tới. Chỉ riêng thị trường toàn cầu đối với các sản phẩm sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng, có khí thải carbon thấp sẽ tăng gấp 3 lần quy mô hiện nay vào năm 2020, đạt khoảng 2.200 tỷ USD.

Chính vì thế, LHQ đã triển khai một chương trình quan hệ đối tác mới, theo đó sẽ hỗ trợ 30 quốc gia xây dựng các chiến lược nền kinh tế xanh nhằm tạo nhiều công ăn việc làm, thúc đẩy công nghệ sạch và giảm thiểu những rủi ro về môi trường trong 7 năm tới.

Theo ANTĐ

related-post