Kiên trì giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp

Theo Bộ Tài chính, 5 tháng đầu năm, tổng thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) thực hiện ước đạt 36,6% dự toán, mức rất thấp so với nhiều năm gần đây. Ước tính mỗi tháng, tổng thu NSNN giảm 15.800 tỷ đồng. Những con số này báo hiệu hoạt động thu NSNN sẽ gặp nhiều khó khăn và dự báo cả năm nay khó có thể đạt kế hoạch Quốc hội (QH) đã đề ra.

 Mỗi tháng giảm thu gần 16.000 tỷ đồng

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, tổng thu cân đối NSNN thực hiện 5 tháng đầu năm đạt 299.000 tỷ đồng, chỉ đạt 36,6% dự toán. Tại Hà Nội, một trong hai địa phương có số thu lớn nhất cả nước, 5 tháng đầu năm, tổng thu NSNN trên địa bàn ước đạt 51.420 tỷ đồng, bằng 31,8% so với dự toán năm, mức rất thấp so với những năm gần đây. Số thu đạt thấp, song việc triển khai các nhiệm vụ chi trên thực tế vẫn bảo đảm theo dự toán được giao và tiến độ thực hiện. Tổng chi NSNN 5 tháng đầu năm ước đạt 376.820 tỷ đồng, bằng 38,5% dự toán, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm 2012.

 

reyrtuy

Doanh nghiệp, cá nhân nộp ngân sách nhà nước tại điểm giao dịch của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam

 

Tại kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho biết, số thu NSNN 5 tháng đầu năm chỉ đạt 36,6% dự toán. Nếu so cùng kỳ các năm trước thì thấp hơn rất nhiều. Năm 2010, số thu 5 tháng đạt 43,7%, tăng 18,5%; năm 2011 đạt 45,9%, tăng 22,2%. Năm 2012, mặc dù tình hình kinh tế rất khó khăn nhưng số thu 5 tháng vẫn đạt 38,1% và tăng 1,9%. Tính đến nay, có 46/63 địa phương thu chưa đạt mức bình quân chung của các năm. Nếu tính bình quân thu một tháng theo dự toán QH giao, phải thu đạt 68.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, qua 5 tháng mới đạt bình quân 52.200 tỷ đồng/tháng, chênh lệch giảm 15.800 tỷ đồng/tháng. Dự báo hoạt động thu NSNN cả năm nay khó đạt được kế hoạch đề ra. Số thu đạt thấp do nhiều nguyên nhân, nhưng có nguyên nhân chính là sản xuất, kinh doanh khó khăn, tăng trưởng kinh tế chậm lại. Bên cạnh đó, việc Chính phủ thực hiện một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường thông qua việc giãn, giảm nhiều khoản thuế, phí cho DN đã tác động không nhỏ đến số thu từ nay đến cuối năm.

 

Tăng cường bồi dưỡng nguồn thu và chống thất thu

 

Trước những khó khăn trong cân đối thu NSNN năm nay, Phó Thủ tướng cho biết, ngoài các nhóm giải pháp đã được ban hành trong Nghị quyết 01 và 02 về các giải pháp tài chính – tiền tệ, cuối tháng 5 vừa qua Thủ tướng đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các ngành, các cấp tăng cường công tác kiểm soát thu NSNN nhằm chống thất thu và gian lận thương mại, bảo đảm kiểm soát chặt chẽ các khoản chi. Thủ tướng đã chỉ đạo đặc biệt cắt giảm những khoản chi chưa thật sự cần thiết, cấp bách như hội thảo, hội nghị, đi công tác nước ngoài. Đối với chi xây dựng cơ bản (XDCB), việc bố trí ngân sách cho các dự án mới phải bảo đảm cân đối được nguồn thì mới được thực hiện. Với các địa phương, trước khi phân bổ NS cho các dự án mới, phải bố trí tối thiểu 30% để thanh toán nợ XDCB…

 

Song song với việc tăng cường kỷ luật NSNN, QH, Chính phủ cũng tiếp tục kiên trì thực hiện những giải pháp hỗ trợ về thuế cho cộng đồng DN. Ngày 19-6 vừa qua, QH đã thông qua Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) sửa đổi với nhiều quy định ưu đãi thuế cho DN theo tờ trình của Chính phủ. Theo Luật Thuế TNDN vừa được thông qua, kể từ ngày 1-1-2014, mức thuế suất phổ thông thuế TNDN giảm từ 25% xuống còn 22%. Hai đối tượng DN được áp thuế suất ưu đãi hơn mức phổ thông, gồm: DN có mức doanh thu dưới 20 tỷ đồng, được áp thuế suất 20%. DN thực hiện dự án đầu tư kinh doanh nhà ở xã hội và hoạt động báo in được hưởng mức thuế TNDN 10%, áp dụng từ ngày 1-7-2013. Với Luật Thuế GTGT, từ ngày 1-7-2013 đến 30-6-2014, nhà ở xã hội và nhà ở có diện tích dưới 70m2, giá dưới 15 triệu đồng/m2 chỉ chịu thuế suất 5%, giảm 50% so với mức cũ.

 

Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc giảm mức thuế suất phổ thông từ 25% xuống 22% và áp dụng thuế suất 20% đối với DN có quy mô vừa và nhỏ sẽ làm giảm thu NSNN năm 2014 khoảng 14.000 tỷ đồng. Tuy nhiên sau vài năm, NSNN sẽ bảo đảm phát triển ổn định do môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện, chính sách thuế được quy định rõ ràng, công khai, minh bạch. Việc giảm thuế sẽ tạo điều kiện để DN có thêm nguồn lực tài chính, tăng tích lũy tái đầu tư và đóng góp tích cực vào NSNN.

 

Theo Hà nội mới

related-post