Khủng hoảng, doanh nghiệp thẳng tay áp dụng chính sách “thắt lưng buộc bụng”

Kinh tế khó khăn, số lượng doanh nghiệp “rơi rụng” khỏi thị trường không ngừng tăng lên. Trong khi đó, các công ty đang sống sót cũng chật vật không kém khi phải tìm đủ chiêu trò để giảm thiểu chi phí, thậm chí buộc phái áp dụng những chính sách có phần tiêu cực, hy vọng sống nổi qua giai đoạn khủng hoảng này.

rỷyyyu

Kinh doanh thiếu hiệu quả các doanh nghiệp dùng mọi biện pháp nhằm giảm bớt chi phí hoạt động

 

Bài ca muôn thủa cắt thưởng, giảm lương

Thực tế, việc cắt thưởng, giảm lương đã được nhiều công ty thực hiện từ năm ngoái. Nhưng đến năm nay, khi nền kinh tế vẫn đang tiếp tục chìm sâu hơn trong khó khăn thì tình trạng này càng trở nên phổ biến hơn. Tại nhiều công ty việc nợ lương, chậm lương diễn ra trường kỳ đến nỗi tháng nào có lương đúng hạn các nhân viên lại mắt tròn, mắt dẹt.

Mới ra trường không lâu, nhờ các mối quan hệ của bố mẹ, Khánh, 24 tuổi, đã nhanh chóng có được một vị trí mà nhiều sinh viên mới ra trường “chẳng dám mơ tới” tại một công ty con của tập đoàn xây dựng có tiếng ở Hà Nội. Mỗi lần tụ tập với bạn bè, Khánh tỏ ra rất tự hào về công việc hiện tại, trong khi nhiều bạn vẫn đang chật vật tìm việc hoặc buộc phải làm những công việc trái ngành để… duy trì cuộc sống.

Thế nhưng niềm vui của chàng trai trẻ chưa kéo dài được lâu thì mới tháng trước anh đã nhận được một tin “sét đánh ngang tai” khi lãnh đạo công ty báo tin giảm lương, cắt thưởng. Thậm chí, còn đưa ra kiến nghị: nhân viên có thể xin tạm nghỉ không lương ở nhà vì lý do tình hình kinh tế khó khăn, các dự án, công trình bị ngừng trệ không còn vốn để giải ngân. Mặc dù, rất thất vọng, nhưng sau khi ban lãnh đạo công ty nói rõ đây chỉ là những giải pháp tạm thời để các nhân viên cùng chung lưng chia sẻ khó khăn với công ty thì Khánh và mọi người đành ngậm ngùi… chấp nhận. Tuy vậy, trong tâm lý ai cũng tỏ ra mơ hồ về tương lai phía trước bởi không biết đến khi nào tình hình kinh tế sẽ “ấm” lên. Điều đó đồng nghĩa với việc thời gian áp dụng chính sách “khắc khổ”, cắt giảm lương thưởng kia sẽ kéo dài đến khi nào?.

Tương tự là trường hợp của Trương Nga, 26 tuổi, nhân viên kinh doanh của một công ty phần mềm có trụ sở trên đường Nguyễn Phong Sắc. “Mang tiếng đi làm mấy năm rồi mà nhiều tháng mình vẫn trong tình trạng “cháy túi” vì công ty nợ lương. Chán nản với tình trạng 3-4 tháng mới được nhận lương một lần, thậm chí có những tháng chỉ được nhận vỏn vẹn… lương tạm ứng, nhiều bạn xin nghỉ làm, sếp sẵn sàng tạo điều kiện. Hiện tại, số lượng nhân viên ở công ty mình chỉ còn bằng một nửa so với 2 năm trước”, Nga buồn rầu chia sẻ.

Không chỉ có các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng hay kinh doanh phần mềm mới có hiện tượng cắt giảm lương, thưởng mà tại các ngân hàng, tình hình cũng rất “ảm đạm”. Thụy Anh, nhân viên một ngân hàng thương mại cho biết: “Tết vừa rồi cơ quan mình cắt thưởng đã khiến tình trạng làm việc của các nhân viên vô cùng uể oải. Vậy mà, ra tết nhiều ngày lễ, các khoản thưởng cũng “bỗng dưng biến mất” luôn. Không chỉ vậy, một số khoản phụ cấp, lương cũng bị cắt giảm theo. Tâm lý nặng nề vì bị cắt giảm thu nhập nhưng chẳng ai nghĩ đến chuyện nhảy việc vì giờ kinh tế quá khó khăn, cũng cần thông cảm cho cơ quan. Thêm nữa, tìm kiếm một công việc như hiện tại giờ cũng không phải dễ”.

Rõ ràng, việc cắt thưởng, giảm lương cũng ở mức hợp lý có thể coi là một giải pháp nhằm tiết kiệm ngân sách đang trong tình trạng eo hẹp cho công ty. Tuy nhiên, nếu doanh nghiệp kéo dài tình trạng nợ lương sẽ ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ tâm lý làm việc và cả cuộc sống của người lao động.

Cắt chi tiêu với nhiều hoạt động

Bên cạnh lương thưởng, các cơ quan cũng hạn chế hoặc cắt hẳn nhiều hoạt động bên lề như: liên hoan, du lịch…nhằm giảm thiểu tối đa chi phí.

Văn Anh, giám đốc một công ty xây lắp điện cho biết: “Thông thường, hàng năm mình cũng sắp xếp cho nhân viên đi du lịch hè 3-4 ngày nhưng năm nay chắc cũng không đi đâu cả. Công ty hơn 30 người, nếu tổ chức du lịch nhẹ nhàng nhất cũng mất 60 triệu. Công ty đang khó khăn nên giảm được gì thì cũng giảm đi.”

Hà Linh, nhân viên một công ty truyền thông tại Cầu Giấy cho biết: “Mọi năm cơ quan mình đều tổ chức 1-2 lần cho nhân viên đi du lịch. Năm ngoái công ty hơi khó khăn nhưng cũng được đi biển 3 ngày còn năm nay thì cắt hẳn.”

Trong khi đó, Quang, nhân viên một siêu thị điện máy cho biết: “Những năm trước công ty mình thường tổ chức liên hoan hàng quý, trao thưởng cho các nhân viên có thành tích xuất sắc. Nhiều hoạt động như giải bóng đá, đi du lịch…Giờ thì cũng giảm hẳn rồi liên hoan, thưởng thì chỉ vào dịp cuối năm. Đến giờ cũng chưa thấy các sếp nhắc gì đến chuyện đi du lịch, giải bóng đá thì anh em tự góp là chính cơ quan chỉ hỗ trợ phần nào”. Mặc dù vậy, anh Quang vẫn tự an ủi: “Thời buổi kinh tế suy thoái, nhiều công ty còn bị nợ lương, chậm lương, công ty mình vẫn nhận được đủ lương là tốt rồi”.

Ngoài việc cắt giảm một số hoạt động thì một số cơ quan còn giảm thiểu chi phí như chuyển từ nấu ăn trưa cho nhân viên sang trợ cấp tiền ăn với mức bằng 50% so với trước đó, hoặc cắt hoàn toàn. Các khoản như phụ cấp xăng xe, điện thoại, chi phí đi lại… cũng có thể bị giảm thiểu hoặc kiểm soát chặt chẽ hơn.

Thực tế, các nhà quản lý doanh nghiệp cực chẳng đã mới phải áp dụng chính sách khắc khổ “thắt lưng buộc bụng” nhằm mục đích duy trì hoạt động của công ty. Vì vậy, trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn như hiện nay người lao động cũng cần tập thích nghi với một vài những yếu tố khó khăn, khắc nghiệt hơn của công việc. Nếu cơ quan có cắt thưởng, giảm lương đôi chút cũng coi như đó là một sự chia sẻ khó khăn chung với doanh nghiệp. Bởi với tình hình “ở đâu cũng khó” như hiện nay, dù ở công ty nào người lao động cũng có thể gặp những trường hợp tương tự.

Hơn nữa, những biện pháp trên vẫn được đánh giá là khá “nhẹ tay”. Khi lâm vào tình trạng bi đát hơn một số doanh nghiệp đã sử dụng các biện pháp như: Thu hẹp quy mô sản xuất, cắt giảm nhân sự, thậm chí sa thải toàn bộ nhân viên và … đóng cửa vô thời hạn.

Theo SM kinh tế

related-post