Doanh nghiệp tiếp tục kêu
Trong 14 năm qua, với 2 lần sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại/tổng chi phí hợp lý, hợp lệ được nâng từ 7% lên 10% và 15% áp dụng đối với doanh nghiệp mới thành lập. Trong lần sửa đổi Luật Thuế TNDN lần này, Bộ Tài chính dự kiến sẽ nâng tỷ lệ này lên 15% áp dụng cho tất cả các doanh nghiệp (DN). Nhìn vào con số thì có thể thấy đây là một sự tiến bộ, thế nhưng theo các DN, việc khống chế này là đã lạc hậu, cần cởi bỏ từ lâu. Theo khảo sát do một viện nghiên cứu của Bộ Tài chính thực hiện mới đây, có tới 34% số DN cho rằng, nếu tiếp tục khống chế quảng cáo thì sẽ tác động xấu và rất xấu tới hoạt động sản xuất – kinh doanh.
Với cách tính toán theo quy định như hiện nay thì ví dụ chi phí hoạt động của một DN 300 triệu đồng/năm thì đơn vị này chỉ được chi 45 triệu đồng cho quảng cáo. Với số kinh phí này thì chưa đủ để quảng cáo một phút trên truyền hình. Nếu quảng cáo trên các phương tiện khác thì tần suất xuất hiện cũng không nhiều, không có tác dụng thu hút người tiêu dùng.
Trần quảng cáo đang “trói” sự phát triển của doanh nghiệp trong nước
Theo các chuyên gia, việc nới mức chi quảng cáo lên mức 15% cho DN 3 năm đầu sẽ không có giá trị gì, vì trong khoảng thời gian ngắn ngủi này tới 90% DN chưa làm được gì. Phó chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) Nguyễn Hữu Dũng phân tích: Định mức khống chế đối với chi phí quảng cáo và khuyến mãi là một điểm hạn chế và gây thiệt hại cho DN, vì các đơn vị này đều chi cho các hoạt động này trên mức khống chế. Hơn nữa, việc khống chế chi phí này sẽ gây ra tình trạng bất bình đẳng giữa các DN. Những DN có vốn đầu tư nước ngoài ắt sẽ có lợi thế bởi chi phí hoạt động của họ lúc nào cũng cao hơn DN trong nước. Như vậy, nếu cùng đưa ra thị trường một sản phẩm thì DN có vốn đầu tư nước ngoài sẽ có lợi thế hơn trong việc quảng bá đến người tiêu dùng.
Nới hay cởi?
Theo các chuyên gia, hàng loạt doanh nghiệp trong nước vốn đã nhỏ về quy mô, kém về năng lực quản trị thiếu về kinh nghiệm cạnh tranh sẽ bị doanh nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài thôn tính. Về điều này, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Luật sư Trương Thanh Đức phân tích: Trên thực tế, với các DN lớn, nếu có bị khống chế 1% họ vẫn quảng cáo áp đặt tất cả các kênh truyền thông, còn các DN vừa và nhỏ sẽ không thể làm điều này được. Trong khi đó, DN nhỏ lại chiếm đến 97% trong tổng số DN trong nước.
Ông Nguyễn Thành Nhân, Trưởng phòng Tiếp thị Công ty CP Kinh Đô đưa ra một ví dụ: Nếu Kinh Đô tung ra một sản phẩm nước giải khát, công ty muốn đẩy mạnh quảng cáo sản phẩm này, nhưng với mức khống chế 15% làm sao sản phẩm này có thể cạnh tranh với hai đại gia là Pepsi và Coca – Cola, cho dù công ty có đủ tiềm lực tài chính để quảng bá cho sản phẩm mới của mình.
Ông Nhân nói: Cần nhớ rằng, Coca-Cola, Pepsi và một loạt DN lớn khác, với nghi án chuyển giá trong nhiều năm qua không đóng góp một đồng thuế thu nhập DN nào cho ngân sách, trong khi DN nội, lớn hay nhỏ vẫn đều đặn đóng góp. Với mức khống chế quảng cáo như trên, chẳng khác nào Nhà nước đang vô tình tạo thêm điều kiện để DN nước ngoài dễ dàng thâu tóm doanh nghiệp trong nước.
Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng, cần bãi bỏ mức giới hạn này hoặc mức khống chế phải được nâng lên 15-20% tổng doanh thu của DN kèm theo lộ trình dỡ bỏ hoàn toàn. “Những quy định tại dự thảo lần này tuy có “nới” hơn so với quy định hiện hành, nhưng cộng đồng DN vẫn khá thất vọng. Đồng tình với quan điểm này, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng thư ký Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, việc “trói” DN bằng chi phí quảng cáo như trên sẽ là một trong những điểm mấu chốt khiến các DN không tiếp cận được thị trường.
Việc giữ quy định như hiện hành khiến DN có sức ỳ vì họ thấy không được trừ chi phí quảng cáo nên sẽ quảng bá yếu ớt và ít khuyến mãi kích cầu. Doanh nghiệp đang rất mong muốn trần chi phí quảng cáo được cởi bỏ để họ có “quyền tự quyết” nhằm đẩy mạnh hoạt động khuyến mãi, quảng cáo kích cầu trong nước. Nếu tiếp tục khống chế trần, doanh nghiệp trong nước sẽ bị đẩy vào tình cảnh thua ngay trên sân nhà.
Theo Petrotimes