Hạn chế quảng cáo: “Quy định dại dột”

Việc Bộ Tài chính giữ quyết định hạn chế chi phí quảng cáo khiến nhiều doanh nghiệp bất bình. Chủ tịch HĐQT công ty Cổ phần Bia-Rượu-Nước giải khát Sài Gòn (SABECO) – Phan Đăng Tuất cho rằng, đây là quyết định “dại dột” chưa từng thấy.

Cản trở doanh nghiệp

Tại Hội thảo Cạnh tranh lành mạnh bảo vệ người tiêu dùng và Thương hiệu Việt sáng 14/5, vấn đề cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp được trao đổi khá thẳng thắn. Theo các diễn giả, một trong những vấn đề khiến doanh nghiệp luôn bị lép vế trước các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và các doanh nghiệp không chân chính là việc bị khống chế chi phí quảng cáo, maketting.

GS.Nguyễn Lân Dũng – Hội Sinh học Việt Nam cho rằng, quyết định này rất “vô lý”. Theo quy định của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp bị giới hạn quảng cáo trong doanh thu, trong khi đó doanh thu thì cuối năm mới biết.

“Làm sao biết được doanh thu năm nay bao nhiêu mà quảng cáo? Tại sao nước ngoài được quảng cáo thoải mái mà ta lại cấm?”, ông Dũng thắc mắc.

Không chỉ “vô lý”, việc hạn chế chi phí quảng cáo trong con mắt của ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch HĐQT công ty SABECO còn rất “dại dột”. Theo ông Tuất, việc này sẽ “góp phần cản trở sự phát triển của các doanh nghiệp”.

“Đây là quyết định dại nhất còn sót lại ở thế kỷ 21”, ông Tuất thẳng thắn.

 

  Quảng cáo
Quảng cáo lành mạnh giúp nhiều doanh nghiệp cùng “sống” (Ảnh minh họa)

Có 3 lý do mà vị này cho rằng đây là quyết định “dại” nhất. Theo quy định của Bộ Tài chính, các doanh nghiệp không được phép vượt quá 10% chi phí phát sinh trong kỳ. Trong khi đó, chi phí phát sinh trong kỳ của một doanh nghiệp chỉ được biết sau ngày 31/3 năm sau – khi có báo cáo kiểm toán Nhà nước.

“Trước 1 năm 3 tháng, các doanh nghiệp không biết được mình được phép chi bao nhiêu để chinh phục thượng đế”, ông Tuất nói.

Việc khống chế chi phí quảng cáo khiến nhiều doanh nghiệp nội không thể cạnh tranh được với doanh nghiệp FDI vì các doanh nghiệp này “thoải mái quảng cáo nếu có chứng từ”.

“Chúng tôi không được chi và Tổng công ty của tôi đang chết vì điều này”, lãnh đạo SABECO nói. “Làm sao chinh phục được khách hàng nếu không truyền thông quảng cáo, không hỗ trợ khách hàng?”.

Thêm nữa, quy định quản lý chi phí dựa trên chi phí của Bộ Tài chính cũng hết sức vô lý. Theo ông Tuất, trên thế giới, không có nước nào quản lý chi phí dựa trên chi phí. Nghĩa là chi phí maketting không được vượt quá 10% chi phí phát sinh thực tế trong kỳ. Điều này khuyến khích các doanh nghiệp đẩy chi phí lên, cố gắng cài thêm chi phí để được thêm % quảng cáo.

“Không có ai quản lý chi phí lại lấy mẫu số là chi phí cả”, ông Tuất khẳng định.

Việc tăng chi phí quảng cáo từ 10% lên 15% theo dự thảo mới đây của Bộ Tài chính khiến vị Chủ tịch HABECO càng thêm lo ngại bởi sẽ có nhiều doanh nghiệp “lấy 15% tiêu xài bậy bạ, nhất là với doanh nghiệp Nhà nước”.

Học tập thế giới, trừ Trung Quốc

Kết quả khảo sát khoảng 50 nước trên thế giới cho thấy chỉ còn Việt Nam và Trung Quốc thực hiện khống chế chi phí quảng cáo, tiếp thị, khuyến mãi… Tuy nhiên, mức khống chế này của Trung Quốc là 35% trên tổng doanh thu hàng năm. Số vượt mức khống chế có thể được chuyển sang khấu trừ vào các năm tiếp theo. Tình trạng này làm cho Việt Nam dễ bị xem là “một mình một chợ” trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, tư duy của những người làm chính sách của Việt Nam vẫn lấy mẫu hình Trung Quốc làm chuẩn. Tuy nhiên, những nhà hoạch định chính sách “quên” rằng, Trung Quốc tuy cũng hạn chế chi phí quảng cáo nhưng lại làm “kiểu khác”.

Trên thực tế, Trung Quốc không tính chi phí quảng cáo trên thực chi như Việt Nam khiến chi phí quảng cáo của họ cao hơn rất nhiều. “Chúng tôi sẽ kiến nghị với Quốc hội không có % nào hết mà tùy theo nhu cầu của doanh nghiệp”.

Ông Quốc cho rằng, các nhà làm chính sách đã “quên” mất trong nền kinh tế của Việt Nam còn có rất nhiều công ty truyền thông, quảng cáo. Việc hạn chế này vô tình “giết” chết nhiều doanh nghiệp.

“Vị trí các công ty quảng cáo ngày càng có tác động tích cực trong xã hội”, ông Quốc nói.

 

   Hàng hóa
Hạn chế quảng cáo bằng áp chi phí khiến các doanh nghiệp Việt chịu thiệt thòi (Ảnh minh họa)

Theo kiến nghị của PGS.TS Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia–Rượu–Nước giải khát, nếu không bỏ được, chi phí quảng cáo phải được nâng lên.

Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, các doanh nghiệp mới có quyền quyết định tỷ lệ chi cho quảng cáo, truyền thông của mình. Theo ông Phú, với các doanh nghiệp tư nhân, không có chuyện họ “vung tay quá trán” như các doanh nghiệp Nhà nước. Các doanh nghiệp sẽ tính toán liều lượng chi tiết, cụ thể bởi: không tư nhân nào tự móc túi mình ra để tổn thất.

“Họ biết tiêu tiền của mình thế nào. Tiền của họ hãy để họ tự quyết định, lời lãi họ chịu”, ông Phú kiến nghị.

Trước đó, ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ phó Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), cho biết theo dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế Thu nhập DN đang được Chính phủ hoàn thiện trình Quốc hội, chi phí quảng cáo của DN được nâng từ 10% lên 15% trên tổng chi được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế. Mức khống chế phí quảng cáo là để bảo vệ DN. Bởi các DN nước ngoài sẵn sàng bơm khoản tiền quảng cáo lớn để đánh bật doanh nghiệp trong nước, chiếm thị phần, đồng thời tránh tình trạng chuyển giá của doanh nghiệp nước ngoài.

Tuy nhiên, điều này đã vấp phải nhiều phản ứng từ cộng đồng doanh nghiệp. Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia đều cho rằng nên bỏ quy định khống chế chi phí quảng cáo này. Trong trường hợp không bỏ ngay thì có thể nâng tỉ lệ khống chế ở mức cao hơn.

Theo TC Khám phá

related-post