Hà Nội tiếp tục hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Song song với việc hỗ trợ từ ngân hàng, chính các doanh nghiệp cũng cần phải có những giải pháp phù hợp.

Ngay từ đầu năm 2013, được dự báo tình hình kinh tế sẽ tiếp tục gặp nhiều khó khăn, thành phố Hà Nội đã thành lập Ban chỉ đạo và các tổ công tác trực tiếp làm việc với doanh nghiệp, triển khai các giải pháp xúc tiến thương mại như: Hỗ trợ vay vốn, giảm lãi suất, tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản….

Tuy vậy, tình hình vẫn không mấy khả quan, các ngành nghề như du lịch, thương mại, khó khăn chồng chất khó khăn. Từ nay đến cuối năm, doanh nghiệp cần nhiều hơn nữa sự trợ giúp của thành phố để vượt qua khủng hoảng.

dsbfdh
Nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn trong 6 tháng đầu năm.

 

6 tháng đầu năm, sản xuất công nghiệp của thành phố Hà Nội gặp nhiều khó khăn do sức mua yếu, sản phẩm tiêu thụ chậm, việc tiếp cận vốn vay để các doanh nghiệp mở rộng sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Cùng với đó, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục gặp nhiều khó khăn, số doanh nghiệp đăng ký mới giảm, doanh nghiệp ngừng hoạt động nhiều. Tồn kho bất động sản và vật liệu xây dựng chậm được giải quyết. Lãi suất ngân hàng tuy giảm nhưng dư nợ tín dụng thấp, tỷ lệ nợ xấu có xu hướng tăng.

Ông Nguyễn Hữu Thắng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng Công ty thương mại Hà Nội cho biết, trong bối cảnh kinh tế như hiện nay, hàng hóa tiêu dùng, nông sản, thực phẩm tồn kho khá nhiều nhưng doanh nghiệp chưa tìm ra hướng giải quyết. Tuy nhiên, lượng hàng nhập khẩu lại gia tăng. Đây là một nghịch lý.

Ông Thắng đề nghị, cùng với các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, thành phố cần siết chặt hơn nữa tình trạng hàng nhập lậu qua biên giới trong cả nước, nhất là biên giới phía Bắc. Đây cũng là yếu tố để bảo vệ thị trường trong nước, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ sản xuất.

“6 tháng cuối năm, doanh nghiệp sẽ còn khó khăn nhiều, vì hàng ko bán được, doanh thu tiếp tục giảm, nợ xấu chồng chất, vay ngân  hàng kinh doanh thế nào để mà trả nợ, có lãi… Các doanh nghiệp còn băn khoăn, lo lắng, ko ít doanh nghiệp phải chờ đợi đến một lúc nào đó ko thể trụ được… Nếu nhìn vào con số có tính thuần túy thì kinh tế có dấu hiệu phục hồi.. Nhưng rõ ràng các doanh nghiệp cần có sự hỗ trợ mạnh hơn nữa của nhà nước, của thành phố. Cần của doanh nghiệp rất nhiều thứ đó là cải cách hành chính, vay vốn, giãn nợ thuế…”, ông Nguyễn Hữu Thắng cho biết.

Cũng như các ngành khác, do bị tác động tiêu cực của tình hình kinh tế thế giới, ngành du lịch Hà Nội mặc dù vẫn tăng trưởng và đa dạng hóa các hoạt động, phát triển khách lữ hành, nhưng 2 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng đã chậm lại.

Ông Phạm Đức Hùng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Hà Nội cho biết, trong bối cảnh đó, ngành du lịch đã có nhiều cố gắng để vượt qua khó khăn, tiếp tục phát huy thế mạnh và sức hấp dẫn riêng có, đạt tốc độ tăng trưởng khá. Tuy nhiên, những khó khăn trước mắt của ngành du lịch còn nhiều và rất cần sự giúp đỡ của cơ quan chức năng trong việc đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, tôn tạo di sản văn hóa, cảnh quan…. để thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

“Bài toán ngành du lịch hiện còn nhiều khó khăn, lượng khách du lịch tăng nhưng lượng buồng phòng với cái cung cầu  ko phù hợp với từng thời điểm. Khi các hội thảo lớn thì thiếu, mặc dù lượng khách tăng như thế nhưng giá buồng phòng so với 3 năm về trước giảm tới 30%. Công suất giảm 20%, vì vậy phải có sự nỗ lực lớn trong ngành du lịch, tốc độ đáp ứng được nhưng tỷ suất lợi nhuận lại giảm”, ông Phạm Đức Hùng chia sẻ.

Trước những khó khăn của doanh nghiệp và các ngành hàng, trong thời gian qua, các ngân hàng đã có nhiều gói sản phẩm tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, nông nghiệp nông thôn, công nghiệp hỗ trợ, các ngành nghề trọng điểm của thành phố, phát triển làng nghề và chương trình xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chương trình sử dụng gói 30.000 tỷ.

Bà Nguyễn Thị Mai Sương, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước, chi nhánh Hà Nội cho biết, từ nay đến cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ đạo quyết liệt các ngân hàng cố gắng tiết kiệm chi phí để chia sẻ với các doanh nghiệp giảm lãi suất cho vay, đáp ứng kịp thời nhu cầu của các doanh nghiệp; tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và xử lý nợ xấu.

“Trong 6 tháng tới, ngành tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng nỗ lực huy động nhiều vốn hơn, với nguồn vốn rẻ và dài hạn hơn. Về dư nợ tín dụng, một trong những khó khăn của các doanh nghiệp là trong thời gian vừa rồi, nhất là 3 tháng đầu năm ko đẩy được tín dụng ra. Dù có doanh nghiệp phát biểu rằng, lãi suất có giảm nữa chúng tôi cũng ko biết dùng vốn ấy để làm gì bởi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế quá kém, một số doanh nghiệp cầm chừng, một số doanh nghiệp không thể có đầu ra sản phẩm cả, do đó không thể vay vốn được ngân hàng. Do vậy, 3 tháng đầu năm dư nợ tín dụng của Hà Nội còn âm, gần 5%”, bà Nguyễn Thị Mai Sương phân tích.

Để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm 2013, thành phố Hà Nội cần thực hiện các biện pháp quyết liệt hơn. Song song với việc hỗ trợ từ ngân hàng, doanh nghiệp cũng cần phải có những giải pháp phù hợp về kinh tế, quản trị kinh doanh để làm sao trong tình hình khó khăn hiện nay, doanh nghiệp có đủ điều kiện, thủ tục để tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng.

Hy vọng rằng, với sự trợ giúp này, các doanh nghiệp Thủ đô sẽ vượt qua khủng hoảng và tăng trưởng sản xuất trong bối cảnh kinh tế đầy khó khăn.

Theo VOV

related-post