Doanh nghiệp vừa và nhỏ loay hoay tìm lối đi

Là khối doanh nghiệp tạo ra hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội và hơn một triệu việc làm mỗi năm nhưng hiện nay khối đơn vị này vẫn đang phải chật vật tìm lối đi cho mình.

Lỡ cơ hội vì không được vay vốn

 Theo báo cáo của Cục thống kê, mỗi năm cả nước có hơn 670 ngàn doanh nghiệp vừa và nhỏ được thành lập mới trong cả nước. Trong đó có tới gần 202 ngàn doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động, bằng 50% tổng số doanh nghiệp rời thị trường trong vòng 20 năm qua.

ry54754

Doanh nghiệp nhỏ và vừa gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận vốn để đầu tư sản xuất

Chỉ tính riêng tại TP HCM trong năm 2012 đã có khoảng 50 ngàn doanh nghiệp bị phá sản trong tổng số gần 152 ngàn doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chỉ tính riêng trong tháng 3/2013, tình tình kinh tế tiếp tục khó khăn đã khiến 1.484 doanh nghiệp ngừng kinh doanh.

 

Đa phần rào cản khiến những doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động đều nằm ở vấn đề khó khăn trong tiếp cận vốn. Theo Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) Việt Nam, dù Nhà nước đã cải thiện đáng kể khả năng tiếp cận tín dụng cho DNNVV khu vực nông thôn, tuy nhiên, trong số 35-45% doanh nghiệp tin tưởng nộp hồ sơ vay vốn thường xuyên vẫn có tới 19% gặp khó khăn và đã bị từ chối.

 

Các ngân hàng dù “mạnh miệng” lên tiếng về ưu đãi lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, trong thực tế khi triển khai các ngân hàng vẫn rất dè dặt và e ngại cho các doanh nghiệp có cơ hội vay vốn. Ông Hoàng Văn Tuấn, chủ doanh nghiệp chế biến thực phẩm ăn liền (Q. Tân Bình) cho biết: Khó để nhận được vốn vay từ các ngân hàng bởi họ rất dè chừng trong việc thẩm định hồ sơ cho vay. Có những điều trong hoạt động sản xuất doanh nghiệp cho là bình thường thì ngân hàng lại coi đó là nguy cơ nợ xấu và không chấp nhận cho vay.

 

Phải tự cứu mình trước

 

Ông Phạm Lê Cường, Giám đốc trung tâm hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ TP HCM cho rằng: Hiện nay việc phân loại, thẩm định và nhận dạng đúng đối tượng doanh nghiệp cần hỗ trợ hay tiếp cứu chưa được chú trọng. Việt Nam đang thiếu hụt luật DNNVV, thiếu cơ quan đặc trách thực thụ cấp Nhà nước, chưa có các đơn vị hay các quỹ chuyên biệt phục vụ DNNVV. Vì vậy nên dù biết các doanh nghiệp gặp khó khăn, nhưng tiếp cứu ai, hỗ trợ thế nào cho đúng chỗ thì chúng ta chưa làm được.

 

“Trong khi đó, các ngân hàng trong nước lâu nay chỉ chuyên biệt về tín dụng và họ áp cách tính toán lời lãi vào hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp một cách rất cứng nhắc khiến nhiều đơn vị bị mất đi cơ hội tiếp cận vốn vay”- ông Cường phân tích.

 

Điều tra của Cục Thống kê TP HCM cho thấy có tới 43,9% doanh nghiệp cho rằng biết về chính sách ưu đãi cho vay, nhưng chỉ có 9,4% vay được lãi suất rẻ như yêu cầu. Nhiều doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa trong thời điểm điều tra vẫn phải vay với lãi suất cao hơn 19%.

 

Bên cạnh khăn về vốn DNNVV còn phải đương đầu với khá nhiều vấn đề trong bối cảnh kinh tế khó khăn như: giải quyết đầu ra cho sản phẩm, tìm kiếm thị trường mới…. Đặc biệt, hệ quả của việc thiếu vốn khiến doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, kim ngạch xuất khẩu giảm trong khi nhiều chi phí phát sinh khiến các DNNVV phải ngụp lặn trong những khó khăn chồng chất.

 

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà Nước thì các DNNVV cần phải có mối quan hệ mật thiết và cung cấp đầy đủ các thông tin cho ngân hàng để được vay vốn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần phải đánh giá, theo dõi sát thị trường, diễn biến lạm phát để chủ động điều chỉnh kế hoạch kinh doanh. Trước khi để các chính sách của nhà nước ứng cứu thì doanh nghiệp phải tự cứu mình trước đã.

 

Theo Petrotime

related-post