Xu hướng Digital Marketing 2016 tại Việt Nam (P1)

Trong 1 – 2 năm trở lại đây, người dùng Việt Nam đã quen với việc xem nội dung dạng video hơn. Theo các báo cáo ngành digital thì tỉ lệ người dùng truy cập Internet để xem các video gia tăng đáng kể. Xem video cũng là hành động đứng trong nhóm đầu về thói quen khi online của người dùng.

1. Quảng cáo video và video content sẽ phát triển mạnh

Việt Nam là quốc gia có số lượng người xem video online phát triển nhanh nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á (Theo Báo cáo toàn cảnh Digital Marketing Việt Nam 2015 – Moore Corporation)

Theo thống kê gần đây, Việt Nam là quốc gia có số lượng người xem video online phát triển nhanh nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á và số người xem video online qua các thiết bị di động đang tăng rất nhanh. Video là mảnh đất màu mỡ cho quảng cáo, vì nó không tốn kém như quảng cáo truyền hình, người dùng chủ động hơn trong việc quyết định xem tiếp hay không, và thời lượng không hạn chế cho phép sáng tạo nội dung quảng cáo đa dạng.

Tuy nhiên, điều đáng nói là sự thay đổi chính sách quảng cáo và sử dụng video của Google và Facebook. Nhiều chuyên gia dự đoán rằng, Google sẽ sớm cho hiển thị video quảng cáo trong kết quả tìm kiếm. Với hàng tỷ video hiện có trên Youtube và đa dạng hình thức quảng cáo, thay đổi này của Google sẽ tạo ra một làn sóng thực sự đối với quảng cáo video.

Còn Facebook đã cho phép các video bật tự động trên feed của người dùng. Tốc độ tăng trưởng lượt xem video trên Facebook trong thời gian ngắn qua là 50% (con số do Facebook cung cấp). Facebook đã đi nước cờ chủ động đẩy nội dung vào mắt người dùng. Không ít người phàn nàn về việc tốn dung lượng 3G vì video tự động chạy (khi không có wifi), tuy nhiên Facebook cũng cho phép người dùng tự cài đặt để tắt đi nếu không muốn. Nhưng có vẻ như người dùng đã dần chấp nhận việc xem video thụ động vì họ được cung cấp nhiều nội dung hấp dẫn đã được đẩy tới họ. Với sự thay đổi chóng mặt này, các nhà quảng cáo và làm nội dung không thể làm ngơ hay bỏ lỡ. Mặc dù dịch vụ quảng cáo video của Facebook mới ra mắt được vài tháng nhưng hiệu quả các video đang nhìn thấy rõ hàng ngày với tỉ lệ ROI gia tăng đáng kể.


Video đã và đang là “mảnh đất màu mỡ” cho các nhà quảng cáo

Cơ hội rất lớn nhưng thử thách không phải là nhỏ. Nếu như việc viết ra một đoạn text, thiết kế một tấm ảnh gây được chú ý khó 1 thì sáng tạo 1 video thú vị khó 10. Và không chừng nó là 1 cái bẫy tốn thời gian và tiền bạc. Trước mắt, các video chia sẻ bí quyết, hướng dẫn thực hành … dễ được chấp nhận và an toàn hơn cả, so với việc sáng tạo các video có khả năng viral cao nhờ nội dung độc đáo.

2. Mobile trở thành xu hướng chính

Trong 3 – 4 năm vừa qua, Mobile chưa bao giờ lọt ra ngoài danh sách xu hướng Digital Marketing của năm kế tiếp. Tuy vậy, năm 2016 mới thực sự là một năm mà các marketer không thể làm ngơ với Mobile Marketing nếu như không muốn bị hất ra ngoài cuộc chơi.


Di động tiếp tục là thiết bị được sủ dụng nhiều nhất tại Việt Nam (Theo Báo cáo toàn cảnh Digital Marketing Việt Nam 2015 – Moore Corporation)

Lại vẫn là Google dẫn dắt sân chơi này. Với việc đánh tụt hạng các website không thân thiện với các thiết bị di động trong năm vừa qua, giờ đây Google ngày càng niềm nở hơn với các Mobile Site và đánh dấu (index) đối với cả Mobile App. Mặc dù Mobile App chưa thể một sớm một chiều thay thế toàn bộ các Mobile Site nhưng động thái này của Google sẽ khiến Mobile App thực sự bùng nổ. Cho tới lúc đó thì các chủ doanh nghiệp, những người làm Marketing không thể chần chừ việc đầu tư cho Mobile Marketing.

Theo thống kê của Google thì lượng traffic đến từ Mobile đã vượt qua traffic từ Desktop. Cho nên Mobile Optimization (tối ưu hóa cho các thiết bị di động) là yếu tố sống còn. Gần như mọi hoạt động của người dùng Internet hiện nay đều được thực hiện qua các thiết bị di động: gửi tin nhắn, đọc báo, mua sắm, đặt chỗ, chuyển tiền, tìm kiếm khách hàng, đối tác, học tập, tra cứu … Tỷ lệ người dùng mua sắm và chuyển tiền qua mạng ngày càng tăng.

Gần như mọi hoạt động của người dùng Internet hiện nay đều được thực hiện qua các thiết bị di động: gửi tin nhắn, đọc báo, mua sắm, đặt chỗ, chuyển tiền, tìm kiếm khách hàng, đối tác, học tập, tra cứu …

Ngày 7/10/2015, Blog chính thức của Google đã thông báo việc công ty này ra mắt dự án Accelerated Mobile Pages với mục tiêu cải thiện tốc độ mở trang trên các thiết bị di động. Với dự án này, Google tung ra mã nguồn mở Accelarated Mobile Pages dành cho các đơn vị sản xuất nội dung và các công ty công nghệ, nhằm cải thiện tốc độ của các Mobile Web, hỗ trợ tốt các webpage có chứa Rich Content như Videos, Animations, Graphics mà mục đích cuối cùng là nhằm hiển thị tốt các Smart Ads, trong đó có Video Ads. Dự án này dựa trên ngôn ngữ AMP HTML, một nền tảng mở cho phép xây dựng các webpage siêu nhẹ. Hiện nay Google mới chỉ bắt tay với các Publisher và các công ty công nghệ hàng đầu như Twitter, Pinterest, WordPress.com, Chartbeat, Parse.ly, Adobe Analytics và Linkedin để bước đầu triển khai dự án này. Với tham vọng của Google, AMP HTML sẽ là một “chuẩn mới” cho website trong thời gian tới.

Dù vậy, Google không phải là người đầu tiên lo lắng tới việc tải nội dung nhanh nhất đến thiết bị di động của người dùng. Facebook trước đó đã ra mắt Instant Articles cho phép các Publisher hiển thị bài báo tốt nhất trên Facebook App. Với tính năng này, nội dung (bài báo, video) được xuất hiện trên Facebook App nhanh gấp 10 lần so với trên một mobile web tiêu chuẩn. Cho dù có rất nhiều quy định nghiêm ngặt dành cho Publisher khi sử dụng Instant Articles, Facebook đã tạo một cơ hội mới cho các Publisher và các nhà marketing trong việc đưa thông tin và quảng cáo đến với người dùng Mobile. Facebook đang cho phép các Publisher đăng ký để lần lượt được sử dụng tính năng này. Ở một nơi mà quảng cáo thông qua các Publisher vẫn là một xu hướng chính như Việt Nam thì khi tính năng này được mở cho toàn bộ Publisher, đây sẽ là một địa chỉ không thể không để mắt tới.

3. Social Influencer Marketing là cách hiệu quả nhất

Trước đây, khi nói đến những người có ảnh hưởng (Influencers), chúng ta thường nghĩ ngay tới các ngôi sao nghệ thuật, các chuyên gia, người nổi tiếng nói chung. Nhưng giờ đây, khi nói đến Influencers, những đối tượng có trong danh sách trên còn phải đi kèm với một yếu tố không thể thiếu là họ có tiếng nói có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. Một cụm từ xuất hiện bên cạnh Infuencers gần đây là KOLs (Key Opinion Leaders – những người có tiếng nói). Sự phát triển nhanh tới mức khó lường của mạng xã hội, sự tăng trưởng về lượng người dùng và sự thay đổi thói quen trong giao tiếp xã hội đã khiến khái niệm Influencers được mở rộng. Nó không chỉ dừng ở phạm vi người nổi tiếng, mà nó có thể là bất kỳ ai mà tiếng nói của họ có sức ảnh hưởng và được cộng đồng ghi nhận. Đó có thể là một Blogger, Vlogger, một người dùng bất kỳ mà nội dung họ chia sẻ có sức lan toả, hoặc một người nổi tiếng có tài khoản mạng xã hội hoạt động tích cực và có tầm ảnh hưởng.


Influencer có thể là bất kỳ ai mà tiếng nói của họ có sức ảnh hưởng và được cộng đồng ghi nhận

Theo con số thống kê mới đây của Neilsen, 92% người tiêu dùng tin tưởng vào sự giới thiệu của người khác – cho dù họ không hề quen biết những người này – hơn là tin vào các quảng cáo trực tiếp từ doanh nghiệp. Là một người làm marketing, chắc chắn bạn biết rằng từ lâu người tiêu dùng đã ít tin vào quảng cáo, họ tin tưởng những đánh giá, nhận xét từ bạn bè, người thân, những người có ảnh hưởng và mạng lưới của họ hơn là quảng cáo.

Mạng xã hội đã làm nên sự thay đổi thật sự trong việc chia sẻ và tiếp nhận thông tin của người dùng. Với một chia sẻ ngắn gọn trên mạng xã hội, họ có thể nhanh chóng đẩy đi hay nhận về thông tin về doanh nghiệp, sản phẩm của bất kỳ thương hiệu nào, họ không còn dựa vào những gì doanh nghiệp nói mà họ tìm kiếm sự chia sẻ từ những người khác, với sự hỗ trợ đắc lực của mạng xã hội 24/7, ở bất kỳ đâu.

Các marketers đã nhận ra cách tốt nhất để xây dựng thương hiệu và khách hàng trung thành chính là thông qua “Social Influencer Marketing”. Một thế hệ mới nổi trên mạng xã hội, được gọi là “Authentic Social Influencers”, là những đối tượng “nóng” được các nhãn hàng săn đuổi nhiều nhất hiện nay. Những đối tượng này có số lượng người theo dõi trung thành, và họ cũng rất biết cách, rất chuyên nghiệp trong việc quyết định viết/nói cái gì mà cộng đồng yêu thích, làm thế nào để giữ được fan trung thành, biết cách tạo ra xu hướng. Trên thế giới, trong một khảo sát được Adweek đăng tải, các marketer đang đánh giá Influencer Marketing là xu hướng tăng trưởng nhanh nhất trong số các xu hướng mà những người làm digital marketing theo đuổi, nó vượt qua các chiến thuật sử dụng Organic Search, Paid Search, Display Adversting, Affiliate Marketing hay Email Marketing.


Facebook Page những người nổi tiếng tại Việt Nam luôn có số lượng fan rất lớn (Theo Báo cáo toàn cảnh Digital Marketing Việt Nam 2015 – Moore Corporation)

Theo một thống kê khác thì giới trẻ hiện nay đang tin tưởng vào các “ngôi sao mạng xã hội” hơn là các “ngôi sao truyền hình”, tương ứng với tỷ lệ người trẻ dành thời gian sử dụng mạng xã hội nhiều hơn là thời gian xem tivi.

Thách thức lớn nhất của doanh nghiệp khi sử dụng Social Influencer Marketing là làm thế nào chọn đúng mặt để gửi vàng, cần phải xác định được “Authentic Social Influencer” (ASI) của mình là ai và đặt mục tiêu rõ ràng. ASI dù là ai, họ cũng nên có một hoặc vài tính chất sau: là một khách hàng trung thành, một người ủng hộ thương hiệu, một người có nhiều fan trung thành, một Blogger/Vlogger. Một điều rất quan trọng khác là doanh nghiệp phải xác định được phong cách của mình để lựa chọn đúng Influencer. Bạn muốn Influencer của bạn như thế nào? Hình dáng, tính cách, số lượng fan hâm mộ, giọng điệu…?

Marketer phải luôn nhớ rằng thành bại của chiến dịch marketing sử dụng Influencer phụ thuộc hoàn toàn vào việc bạn chọn ai. Song song, bạn cần phải xác định mục tiêu rõ ràng. Bạn muốn sử dụng Influencer để làm Brand Awareness hay muốn tăng sự tương tác, gắn kết của thương hiệu với người dùng? Bạn muốn Influencer biến người dùng thành khách hàng tiềm năng? Hay Influencer hỗ trợ bạn bán hàng? Hay họ giúp bạn củng cố lòng trung thành của người dùng đối với thương hiệu? Hay họ giúp bạn mở rộng tới một đối tượng khách hàng hoàn toàn mới? Dù mục tiêu nào thì bạn cũng phải gọi tên nó ra rõ ràng thì mới có thể có được chiến lược và chiến thuật phù hợp.

(Còn tiếp)
Nguồn: Time Universal

related-post