Xóa trần chi phí tiếp thị quảng cáo: Đường còn xa?

Vấn đề bỏ hạn mức chi phí tiếp thị quảng cáo một lần nữa lại được nêu lên tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ. Tuy nhiên, theo ghi nhận của VnEconomy, có lẽ rất khó để đề xuất này được thông qua.

Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, việc trần chi phí tiếp thị quảng cáo chỉ nhích từ 10 lên 15% chi phí là “bước nhích quá nhỏ”.

 

Quảng cáo

Bà Hương Vũ, đại diện cho nhóm công tác về thuế, cho biết trong cuộc đối thoại với Chính phủ tháng 11/2012, nhóm này đã kêu gọi Chính phủ xem xét xóa bỏ tỷ lệ khống chế 10% chi phí quảng cáo khuyến mại đối với các doanh nghiệp.

Tại cuộc đối thoại đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trương Chí Trung cũng đã đồng ý về mặt nguyên tắc sẽ xóa bỏ tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại này theo một lộ trình nhất định.

Tuy nhiên, theo dự thảo mới nhất Luật sửa đổi bổ sung Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, mức chi phí quảng cáo khuyến mại được khấu trừ chỉ được tăng từ 10% hiện nay lên 15% và các loại chi phí bị khống chế không có nhiều thay đổi.

Như vậy, theo bà Hương Vũ, có thể hiểu rằng lộ trình để xóa bỏ tỷ lệ khống chế mức chi phí quảng cáo khuyến mại sẽ còn kéo dài 10 – 15 năm nữa.

“Chúng tôi cho rằng việc vẫn duy trì tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại như vậy sẽ cản trở và can thiệp quá sâu vào hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bởi trong thời đại thông tin như hiện nay, quảng cáo, marketing là một phần tất yếu của hoạt động kinh doanh. Nếu coi chính sách này là biện pháp để bảo hộ doanh nghiệp trong nước thì càng nên xem xét lại”, bà nói.

Các doanh nghiệp cho rằng chính việc duy trì tỷ lệ khống chế sẽ ngăn cản doanh nghiệp Việt pháp triển thương hiệu vì mỗi đồng chi phí quảng cáo vượt mức khống chế sẽ tạo áp lực tài chính nặng nề hơn cho các doanh nghiệp Việt so với các doanh nghiệp nước ngoài trường vốn hơn.

“Với tinh thần tạo môi trường bình đẳng, tự do tối đa cho các doanh nghiệp, một lần nữa chúng tôi khẩn thiết kiến nghị Chính phủ cân nhắc việc đẩy nhanh lộ trình loại bỏ tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo. Tại dự thảo luật lần này, nên xem xét nới lỏng mức khống chế lên ít ra là 25%”, báo cáo của nhóm công tác kiến nghị.

Một tiếng nói khác cũng rất đáng chú ý đến từ bà Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam. Nói rằng mình phát biểu đại diện cho hàng chục hiệp hội doanh nghiệp lớn nhỏ, bà Loan nói việc trần chi phí tiếp thị quảng cáo chỉ nhích từ 10 lên 15% chi phí là “bước nhích quá nhỏ”.

“Câu hỏi tại sao lại không gỡ bỏ được mức này, vì đây là quy định bất hợp lý, nếu gỡ bỏ được thì sẽ thúc đẩy được sự phát triển của doanh nghiệp. Không lý do gì để giữ mức trần này. Đề nghị dỡ bỏ hoặc nâng trần lên 15% doanh thu”, bà Loan nói.

Tuy nhiên, đáp lại đề xuất của các doanh nghiệp, ông Phạm Đình Thi, đại diện Bộ Tài chính nói rằng qua tổng kết đánh giá thực tế cho thấy với tỷ lệ khống chế như vậy, nhưng nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đạt đến mức này (10%), chỉ có một số doanh nghiệp có tiềm lực tài chính mạnh mới có thể chi lớn.

Tuy nhiên, mặc dù đã đề xuất nới thay vì bỏ, Bộ Tài chính cũng sẽ “tiếp tục ghi nhận ý kiến”.

Đáng chú ý là theo ghi nhận của VnEconomy, qua thảo luận ở các tổ, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đồng tình với việc chỉ nâng hạn mức từ 10 lên 15%, như đề xuất của Bộ Tài chính.

Trao đổi với báo giới, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI và là đồng Chủ tịch VBF, nói quan điểm của VCCI là muốn bỏ quy định này và đã kiến nghị nhiều lần.

“Lộ trình” xóa bỏ tỷ lệ khống chế chi phí quảng cáo khuyến mại mà VBF ghi nhận từ Thứ trưởng Trương Chí Trung tại cuộc đối thoại cuối năm ngoái, nhiều khả năng sẽ còn kéo dài.

Theo VnEconomy

related-post