Vốn tiếp tục đổ vào lĩnh vực CNTT

Dòng vốn đầu tư vẫn tiếp tục chảy vào lĩnh vực dịch vụ công nghệ thông tin (CNTT) thông qua con đường mua bán sáp nhập (M&A) khi chỉ chưa đầy bốn tháng qua, nhiều thương vụ đã được lần lượt công bố.


Ông Nguyễn Hòa Bình (bìa trái), Tổng giám đốc Công ty phần mềm PeaceSoft bắt tay đối tác MOL trong buổi công bố bán 50% cổ phần cho MOL.

 

Vụ gần đây nhất là Công ty phần mềm PeaceSoft đã bán 50% cổ phần trong ví điện tử NgânLượng.vn cho Công ty MOL Access Portal Sdn. Bhd (MOL), một công ty cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử ở Malaysia, vào ngày 23-4 vừa qua.

Theo thỏa thuận liên doanh này, MOL và PeaceSoft sẽ cùng vận hành và khai thác ví điện tử NgânLượng.vn cùng với các dịch vụ thanh toán điện tử khác có liên quan của PeaceSoft.

Hiện, MOL là tập đoàn có hệ thống giao dịch thanh toán điện tử lớn trong khu vực khi họ xử lý hơn 60 triệu giao dịch với khối lượng thanh toán hàng năm lên tới hơn 300 triệu đô la Mỹ. Tập đoàn này đang phát triển mạng lưới gồm hơn 680.000 điểm thu thanh toán trên hơn 80 quốc gia, liên kết trực tuyến với hơn 88 ngân hàng tại 10 quốc gia trên toàn thế giới.

Trước thương vụ MOL mua 50% cổ phần của NgânLượng.vn, một số thương vụ khác cũng đã được công bố là en-japan mua 89,8% của Navigos và CareerBuilder mua lại 100% cổ phần của VON, đơn vị đang sở hữu trang web tuyển dụng KiemViec.com và HR Vietnam.

Điểm đáng chú ý ở các thương vụ này, hầu hết các nhà đầu tư đều mua với mức cổ phần khống chế là trên 50%.

Ở lĩnh vực gia công phần mềm, Công ty phần mềm FPT (thuộc tập đoàn FPT)  lập liên doanh với Công ty AGREX Nhật Bản nhằm kinh doanh các dịch vụ gia công quy trình doanh nghiệp (BPO – Business Process Outsourcing) như nhập số liệu, phân tích kinh doanh…

Ỡ lĩnh vực bán lẻ CNTT, một thương vụ khác sẽ được công bố trong tháng 5 tới là một quỹ đầu tư của châu Á sẽ đầu tư vào chuỗi bán lẻ thiết bị CNTT Thegioididong.com sau khi Quỹ Mekong Enterprises Fund II thoái một phần vốn khỏi Thegioididong.com vào cuối tháng 3 vừa qua.

Dòng vốn tiếp tục đổ vào lĩnh vực CNTT bởi hầu hết các nhà đầu tư đều đánh giá tiềm năng phát triển lĩnh vực dịch vụ Internet ở Việt Nam rất cao.

Ông Ganesh Kumar Bangah, Tổng giám gốc của MOL toàn cầu, cho rằng: các cơ hội phát triển của thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến ở Việt Nam là rất lớn, trên cả các thiết bị di động và sử dụng Internet.

Theo ông Ganesh, hiện Việt Nam không chỉ là một trong những thị trường phát triển nhanh nhất mà còn là một trong những thị trường Internet lớn nhất tại Đông Nam Á với hơn 31 triệu người dùng.

Ông Chu Tiến Dũng, Chủ tịch Hội Tin học TPHCM và kiêm Chủ tịch của Công viên phần mềm Quang Trung, cũng nhận định: dòng vốn đổ vào lĩnh vực CNTT ngày một tăng, đặc biệt là lĩnh vực phát triển các dịch vụ Internet.

Theo ông Dũng, thời gian qua Công viên Phần mềm Quang Trung và Hội Tin học TPHCM liên tục đón các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và châu Âu thăm và tìm kiếm đối tác tại thị trường Việt Nam. Hầu hết, các nhà đầu tư mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp CNTT trong nước để phát triển dịch vụ của họ tại Việt Nam.

“Việt Nam có lợi thế là hạ tầng Internet đã hoàn thiện, mạng 3G đã phủ sóng rộng khắp và thị trường nội địa lớn với hơn 31 triệu người dùng Internet. Thêm vào đó, các dịch vụ Internet đang ở thời kỳ đầu của sự phát triển. Đây chính là các yếu tố hấp dẫn nhà đầu tư”, ông Dũng phân tích.

Theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài (thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính hết tháng 4 năm nay, lĩnh vực CNTT đã thu hút được 853 dự án đầu tư với tổng số vốn đăng ký gần 4 tỉ đô la Mỹ.

Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa cấp phép cho dư án xây nhà máy của Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam tại Thái Nguyên với tổng vốn đầu tư 3,2 tỉ đô la Mỹ để sản xuất và lắp ráp các sản phẩm điện tử.

 

Theo TBKTSG

related-post