Không hiểu khách hàng như những con người cụ thể, doanh nghiệp sẽ không thể có những nội dung thú vị cho họ.
Một tập đoàn lớn của nhà nước, muốn xây dựng lại hình ảnh của mình để có được thiện cảm nhiều hơn từ người tiêu dùng, và cách họ chọn là viết một loạt bài ca ngợi.
Một công ty sản xuất thực phẩm thấy doanh thu giảm sút liền nghĩ cách tiếp thị trên Facebook. Họ tìm thuê người quản trị trang Fanpage với yêu cầu sao cho “nhiều like, nhiều share, nhiều comment hơn chứ ì ạch vài trăm người theo dõi thế này thì không ăn thua”.
Muốn giới thiệu một sản phẩm mới ra thị trường, một công ty nhập khẩu đồ chơi nghĩ ngay đến việc làm một viral video rồi đưa lên mạng để gây sự chú ý.
Thật lạ là đến ngày hôm nay, vẫn không ít người tư duy rằng một giọt nước sẽ làm nên biển cả, một động thái truyền thông hay tiếp thị sẽ thay đổi tâm trí khách hàng, hoặc củng cố địa vị, hoặc gia tăng doanh số.
Thiếu nghiên cứu, thừa giải pháp
Sai lầm phổ biến nhất là khi bắt đầu xây dựng một chiến dịch truyền thông, doanh nghiệp thường nghĩ ngay đến giải pháp.
Nhiều kế hoạch truyền thông vẫn được lập trong khi chưa tiến hành bất kỳ một cuộc nghiên cứu đối thủ, thị trường nào cho tử tế. Hoặc nếu có cũng chỉ là ngồi văn phòng “search” những thông tin thật, ảo lẫn lộn trên Internet mà thiếu đi các số liệu thực tế, các phương pháp khoa học và hệ thống để có thể đánh giá thực chất vấn đề.
Việc vội vàng đưa ra các giải pháp mà không dựa trên nghiên cứu sẽ dẫn đến hậu quả là sai mục tiêu. Khi vấn đề cần thì không được giải quyết, khi mục tiêu không rõ ràng, hoặc quá ôm đồm, thì hậu quả nhãn tiền là nó sẽ khiến doanh nghiệp hao tài tổn lực bằng con voi mà hiệu quả nhận về chỉ như con kiến.
Nội dung không hấp dẫn
Cũng dễ nhận thấy rằng, cứ thương hiệu nào đó chuẩn bị tung ra một sản phẩm, một chiến dịch bán hàng thì sẽ xuất hiện một loạt các bài báo “dự kiến xu hướng” hay “phân tích thị trường”… mà trong đó kiểu gì cũng phải cài cắm bằng được một vài thông tin về thương hiệu.
Những thông tin đó có thật sự hữu ích với người đọc? Có phù hợp với thị hiếu và mong muốn của họ? Hay chỉ là suy nghĩ chủ quan của doanh nghiệp?
Doanh nghiệp có thể nói vanh vách về khách hàng của họ: họ ở độ tuổi nào, sống ở đâu, mức thu nhập ra sao, và học vấn cao hay thấp. Tuy nhiên, những con số thống kê đó không đảm bảo việc doanh nghiệp “nắm” được khách hàng.
Khách hàng không phải là những con số vô cảm. Họ là những con người cụ thể. Không hiểu khách hàng như những con người cụ thể, doanh nghiệp sẽ không thể có những nội dung thú vị cho họ.
Theo ông Lê Quang Vũ, Giám đốc Công ty Cổ phần Phát triển nội dung Blue C, “rất nhiều doanh nghiệp vẫn đang chủ yếu nói những điều họ muốn nói mà không để ý xem thực chất khách hàng có muốn nghe không. Các kế hoạch truyền thông mà thiếu sự thấu hiểu khách hàng chỉ là một cách doanh nghiệp bỏ tiền… tự sướng”.
“Khác với trào lưu chụp ảnh tự sướng, truyền thông tự sướng không làm cho doanh nghiệp đẹp lên, mà chỉ tốn tiền hơn,” ông Vũ nói.
Và kết quả là một thông cáo báo chí có khi được đăng y nguyên hoặc chỉ chỉnh sửa đôi ba từ trên mấy chục trang báo khác nhau. Hoặc không ít bài báo viết ra mà chả mấy ai ngó đọc. Hoặc có rất nhiều hình thức thể hiện nội dung khác bị bỏ qua trong khi lẽ ra nó cần được tập trung đầu tư.
Hậu chương trình bị bỏ quên
Một sai lầm phổ biến khác trong cách làm truyền thông là chuẩn bị một loạt bài cho một loạt báo, và bài lên báo là coi như xong việc.
Nhiều chiến dịch truyền thông không thể đo đếm được hiệu quả thật, mà chỉ là các báo cáo dạng press clipping, hoặc số view, số like trên mạng, cộng với vài ba nhận xét cho “đẹp nghiệm”.
Rất nhiều chiến dịch truyền thông đang được thực hiện theo kiểu đầu voi đuôi chuột. Ban đầu thì rầm rộ, hoành tráng, nhưng khi kết thúc thì nhiều khi không trống không kèn. Trong sự thừa mứa của thông tin trên báo, trong những dòng chảy timeline trên facebook đang trôi với tốc độ chóng mặt, thì khi chiến dịch đóng lại, hình ảnh của thương hiệu cũng sẽ trôi luôn khỏi trí nhớ người tiêu dùng.
Vậy thế nào mới là cách làm đúng?
Theo Vneconomy