Tìm hiểu về những chữ P trong marketing

Mô hình Marketing Hỗn hợp (cũng được biết đến như là mô hình 4P) được những người làm marketing dùng như một công cụ để thực hiện chiến lược marketing. Vậy nghĩa của những chữ P trong marketing là gì?

Sản phẩm (Product)

Bao gồm tất cả sản phẩm cụ thể và những sản phẩm vô hình tại các doanh nghiệp dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Dù là sản phẩm dưới hình thức nào cũng cần phải đáp ứng các yếu tố sau: Dễ dàng sử dụng, vẻ ngoài thu hút và được đóng gói trong những bao bì hấp dẫn.

Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp dịch vụ, lãnh đạo cần cân nhắc đến việc đạo tạo đội ngũ nhân viên có năng lực, đồng phục đẹp mắt… để thu hút khách hàng.

Địa điểm (Place)

Đặt văn phòng tại những vị trí đắc địa, khách hàng dễ dàng tìm kiếm là mong muốn của hầu hết các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyến cáo rằng, mỗi doanh nghiệp cần phải nghiên cứu kỹ lưỡng trước khi tiến hành đặt địa điểm văn phòng tùy vào lĩnh vực và chiến lược kinh doanh. Đó có thể không phải là nơi đông đúc, sầm uất nhất, nhưng nhất thiết phải là nơi dễ dàng nhất để tiếp cận với lượng khách hàng mục tiêu của công ty.

Một công ty vệ sinh môi trường chuyên phục vụ các khu dân cư có thể đặt văn phòng tại vùng ngoại ô thành phố. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của họ là phục vụ những doanh nghiệp, tập đoàn lớn thì nhất thiết vị trí văn phòng phải được đặt tại những trung tâm kinh doanh sầm uất.

 

Tiếp thị (Promotion)

Ngày nay, nếu không có kế hoạch tiếp thị, quảng bá đúng cách cho sản phẩm thì công ty khó có thể sống sót.

Tiếp thị có thể bằng nhiều cách, tuy nhiên nhanh, hiệu quả và chi phí rẻ nhất hiện nay có lẽ là thông qua mạng xã hội. Hàng triệu người đăng nhập, tham gia Facebook, Twitter mỗi ngày, họ chính là khách hàng của bạn, chính vì thế, sản phẩm của bạn cũng cần có mặt tại đây.

Giá (Price)

Khi tiến hành định giá sản phẩm, có bốn quy tắc cần phải biết là: chi phí, giá của đối thủ cạnh tranh, mục tiêu gia nhập hay lợi nhuận được đặt lên hàng đầu và cuối cùng giá trị mang đến cho khách hàng là gì.

Câu hỏi cần phải được đặt ra là: “Khách hàng sẽ đánh mất bao nhiêu nếu không sở hữu sản phẩm này?”. Nếu doanh nghiệp không thể chỉ rõ được giá trị đối với khách hàng đồng nghĩa với việc sản phẩm của họ chưa hoàn thiện.

Ngoài ra, một quy tắc tối quan trọng cần lưu tâm đó là Không nên cạnh tranh về giá. Đối với những khách hàng đưa ra quyết định mua chỉ dựa vào giá, họ sẽ không phải là khách hàng lâu dài của công ty bạn. Với bất kỳ sản phẩm nào, họ sẵn sàng chọn hãng khác nếu giá của nó ít hơn thậm chí chỉ vài xu.

Lợi nhuận (Profit)

Để đảm bảo hoạt động của công ty cũng như đưa ra mức giá hợp lý nhất tới khách hàng, các doanh nghiệp cần cân nhắc kỹ về tỷ lệ lợi nhuận mà họ mong muốn. Thông thường, các công ty thực phẩm cộng thêm 20% lợi nhuận vào giá thành, con số này là 50% với nhà bán lẻ quần áo. Không có một quy tắc cứng nhắc nào về việc này, tuy nhiên các nhà lãnh đạo cần phải đưa ra mức lợi nhuận mong muốn chính xác nhất.

 

Theo Trí Thức Trẻ

related-post