Quản lý thương mại điện tử vẫn còn lỗ hổng

Là một xu hướng mới trong hoạt động giao thương giữa người bán và người mua, thương mại điện tử (TMĐT) đang được nhiều người tiêu dùng (NTD) ưa chuộng.

Hiện nay, một số đối tượng lợi dụng hình thức này để lừa NTD, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của họ. Mới đây, Chính phủ ban hành Nghị định số 52/2013/NĐ-CP về TMĐT nhằm đưa hoạt động này vào quản lý.

Từ ngày 1-7, Nghị định số 52/2013/NĐ-CP chính thức có hiệu lực. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng nội dung được đưa ra trong Nghị định mới chỉ mang tính chung chung, chưa bao quát được hết những hoạt động trong TMĐT. Điểm khó nhất ở đây có lẽ là việc xác định những hành vi như thế nào khi thực hiện giao dịch mới được gọi là hành vi lừa đảo.

Anh Thành, nhân viên kinh doanh mạng cho biết, để xác định được một giao dịch có dấu hiệu lừa đảo khá là phức tạp bởi nó còn liên quan nhiều đến các quy định kèm theo về việc thanh toán trực tuyến, thời hạn giao hàng, chất lượng sản phẩm,…. “Chúng ta chưa có một chế tài hay hình thức xử lý cụ thể nào đối với vi phạm trong những quy định này. Đây là một trong những lỗ hổng lớn để một số website TMĐT và DN lợi dụng để trục lợi”, anh Thành phân tích.

  

TMĐT
Hoạt động TMĐT đang ngày càng phát triển.

Ngay các quy định trong Nghị định 52 cũng mới chỉ có thể giải quyết được khoảng 60% vấn đề nhức nhối, còn tồn tại trên thị trường TMĐT hiện nay. Theo đó, các hành vi bị cấm trong hoạt động kinh doanh TMĐT, thông tin trên TMĐT, giao dịch trên TMĐT và các hành vi khác như: sử dụng, chuyển nhượng các thông tin cá nhân của NTD hay tiết lộ các bí mật kinh doanh của DN khi chưa có sự đồng thuận. Hoặc việc sử dụng các giao diện, màu sắc của các website “nổi tiếng” nhằm cố ý tạo sự nhầm lẫn, gây hiểu lầm cho khách hàng về sản phẩm và DN.

Thực tế, các hoạt động trong TMĐT đa dạng, có sự đổi mới liên tục. Hình thức kinh doanh và các loại hình sản phẩm khá phong phú và phát triển. Còn các nội dung trong Nghị định mới chỉ mang tính khái quát, chưa gắn liền với thực tiễn và các hành động cụ thể trong TMĐT. Cho nên, để quản lý được điều đó thì các thông tư hướng dẫn phải liên tục cập nhật nhằm theo kịp với thực tiễn.

Có lẽ, điều mà NTD quan tâm nhất là các chế tài, quy định về xử phạt hành vi vi phạm trong lĩnh vực TMĐT thì các cơ quan quản lý lại chưa đưa ra. Một số đơn vị kinh doanh TMĐT sẽ tiếp tục dựa vào đó để lách luật. Vô hình trung, những quy định trong TMĐT mới chỉ mang tính chất nửa vời, chế tài xử phạt chưa đi vào thực tiễn mà mới chỉ “nằm trên giấy”. Điều này sẽ khiến cho quyền lợi của NTD khó được đảm bảo, nhất là khi TMĐT đang ngày càng phát triển tại nước ta.

Theo một số chuyên gia, Nghị định 52 đang gặp một số khó khăn về chế tài và xử lý hành vi vi phạm. Bởi các phương án liên quan đến nội dung quy định cần phải chính xác và phù hợp, tránh khiên cưỡng và thiếu thực tế. Hiện nay, Cục TMĐT đang trong quá trình xây dựng và hoàn thiện văn bản quy định các chế tài xử phạt cho những hành vi vi phạm trong hoạt động TMĐT. Dự kiến trong năm 2013 sẽ hoàn thành và đưa vào áp dụng.

Một điểm nổi bật trong Nghị định chính là đánh giá đang mang tính bao quát nhưng lại chưa quá rõ ràng. Đây là lỗ hổng lớn khiến cho các DN có thể rơi vào tình trạng “chơi xấu nhau”, cạnh tranh không lành mạnh nếu như bị một đối thủ nào đó phản ánh dấu hiệu vi phạm pháp luật với mục đích “triệt hạ” DN. Theo đó, tên DN và các trang web bị phản ánh sẽ bị “vinh danh”, cho dù đó mới chỉ dừng ở khía cạnh có dấu hiệu vi phạm. Điều này đồng nghĩa với việc uy tín, thương hiệu cũng như mọi hoạt động của DN sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, sụt giảm doanh số cũng như “mất” khách hàng.

Đây là vấn đề được nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực TMĐT quan tâm và lo ngại. Nếu như đơn vị kiểm tra, giám sát không thực sự công tâm thì việc lợi dụng quy định để “bôi nhọ”, hạ thấp uy tín của nhau là điều khó tránh khỏi. Lúc đó thay vì quản lý và thúc đẩy phát triển TMĐT thì các đơn vị có thể phải nhận và xử lý các khiếu nại của DN.

Có thể thấy, vấn đề TMĐT là hình thức kinh doanh mới trên thế giới nhưng trong những năm gần đây nó lại khá phát triển tại nước ta. Nếu như chúng ta không có những bước đi đúng đắn trong việc quản lý thì rất dễ phát sinh các mặt tiêu cực, vừa gây thiệt hại cho NTD vừa gây thiệt hại cho chính các DN tham gia mô hình này. Chúng ta vẫn còn khá lỏng lẻo trong việc xử lý các vi phạm như nguồn gốc, chất lượng hàng hóa, mức giá mà các DN đưa ra, sự chặt chẽ trong hợp đồng liên kết của website với các đối tác,…. Điều này khiến cho NTD gặp nhiều khó khăn trong việc giải quyết những vấn đề gặp phải khi mua, sử dụng sản phẩm hàng hóa tại một số đơn vị kinh doanh thiếu minh bạch. Có lẽ, đã đến lúc các cơ quan chức năng cần quan tâm hơn nữa đến hoạt động TMĐT, tránh việc tạo ra những lỗ hổng trong quản lý. Điều này vừa giúp cho cơ quan quản lý đảm bảo được sự công bằng trong kinh doanh giữa các DN cũng như đảm bảo quyền lợi của NTD.

Theo PL&XH*

related-post