5 mẹo social media cho doanh nghiệp nhỏ

Truyền thông trên mạng xã hội (social media) vẫn được biết đến là cách tuyệt vời giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, sản phẩm hay dịch vụ đến khách hàng. Tuy nhiên, bạn vẫn băn khoăn tại sao cách này vẫn chưa đem lại hiệu quả cho doanh nghiệp? Hãy chậm lại một chút và kiểm tra bạn có đang thực hành theo những tập quán hiệu quả nhất.

1. Truyền thông điều khiến bạn khác biệt

 

Quá nhiều doanh nghiệp hiện nay cố gắng quảng bá rằng mình giỏi ở nhiều mặt. Thay vì làm việc này, hãy tập trung vào điều thực sự khiến doanh nghiệp bạn khác biệt và hợp nhất điều đó vào chiến lược tiếp thị trên mạng xã hội.

Thông điệp bạn truyền tải cần phải cho khách hàng thấy được giá trị của bạn khác biệt như thế nào so với các đối thủ khác. Việc này không phải đơn thuần là một chiêu thức cạnh tranh, quan trọng hơn, nó có nghĩa rằng thương hiệu hay sản phẩm/dịch vụ bạn cung cấp có cá tính riêng biệt.

 

Đâu là điểm khác biệt của bạn?

Nếu như bạn đang gây dựng công việc kinh doanh từ chính thương hiệu cá nhân của bạn, đừng ngại ngần khiến hình ảnh của mình tỏa sáng.

Nếu như tất cả nhân viên trong công ty đều sử dụng mạng xã hội, hãy cân nhắc việc phát triển một tài liệu chỉ dẫn thông điệp trên các kênh mạng xã hội cho cả công ty, với một “giọng điệu” và “cá tính” riêng biệt, truyền đạt giá trị mà sản phẩm, dịch vụ công ty bạn tạo ra. Từ đó, nhân viên trong công ty có thể hiểu và chia sẻ những thông điệp này theo những cách khác nhau trên mạng xã hội.

2. Hãy ngừng ngay việc bán hàng mọi nơi, mọi lúc

Việc các doanh nghiệp có thể bán hàng thông qua các kênh mạng xã hội không đồng nghĩa rằng bạn nên bán hàng trên các kênh này, hoặc ít nhất là đừng lập các tài khoản mạng xã hội chỉ vì mục đích bán hàng.

 

Chẳng hạn, bạn muốn quảng bá rằng mình là một chuyên gia môi giới bất động sản chuyên nghiệp. Bạn muốn mọi người xung quanh biết rằng, bạn không những có kiến thức chuyên môn, mà còn hiểu rất rõ về khu vực thành phố bạn đang sống. Bạn có gia đình ở đó, bạn tham gia vào các hoạt động cộng đồng, bạn biết rõ những tiện nghi của từng khu vực dân cư. Từ đó, bạn có thể đưa ra những lựa chọn rất phù hợp cho khách hàng.

 

Khéo léo chọn hình thức bán hàng 

Tuy nhiên, khi ai đó truy cập trang Facebook của bạn, những thông tin họ thấy không gì khác ngoài những đăng kê bất động sản – listing tràn ngập trên trang chủ. Cũng như chẳng có thông tin gì cho thấy bạn hiểu về khu vực bạn đang tư vấn. Đó là một sai lầm, vì bạn đã cho mọi người thấy bạn là chuyên gia trong việc đăng kê bất động sản – một việc mà bất kỳ ai cũng có thể làm.

Để tăng lượng người xem, gắn kết hơn với khách hàng, việc đầu tiên bạn nên làm là chấm dứt suy nghĩ như một người môi giới, hãy đặt mình vào vị trí một dân cư, một người khách hàng.

Chẳng hạn, bạn hãy đăng tải một chia sẻ về một trường học có chất lượng tốt đang được các phụ huynh rất quan tâm cho con cái, và gợi ý họ chia sẻ quan điểm. Hoặc, bạn có thể chia sẻ về khu phức hợp vui chơi mới tại một khu dân cư nào đó, những lợi ích khu vui chơi này đem đến cho các gia đình. Trong một vài chia sẻ như vậy, bạn có thể “đính kèm” một mẩu tiếp thị về một căn nhà đang cho thuê/bán với những tiện ích trong khu dân cư đem lại.

Tóm lại, việc ra rả quảng cáo về sản phẩm, nói tốt về mình, “tra tấn” khách hàng mỗi ngày với những thông tin bán hàng trên các tài khoản mạng xã hội là việc càng đẩy khách hàng ra xa bạn hơn.

 

3. Kể chuyện với hình ảnh

 

Hình ảnh sống động luôn có sức hút mạnh mẽ

Hình ảnh chính là vũ khí bí mật giúp bạn tạo ra đột phá trong một “bể” những đăng tải trên mạng xã hội. Hình ảnh chính là cách thức kỳ diệu giúp bạn truyền đạt rất nhiều thông điệp, nhanh gọn, dễ dàng, theo cách mà những khách hàng, người theo dõi – follower dễ dàng phản hồi và trở thành một phần của cuộc hội thoại bạn đã mở đầu.

Những hình ảnh khác nhau trong một khung hình bắt mắt sẽ đặc biệt hiệu quả, giúp bạn truyền đi thông điệp mà không cần mô tả nhiều. Chẳng hạn, một người làm bánh chỉ cần đăng tải lên trang Facebook của mình một khung gồm 4 ảnh nhỏ: hình ảnh nguyên liệu, công đoạn làm bánh, chiếc bánh hoàn thiện, và hình ảnh một người bạn đang ăn chiếc bánh với khuôn mặt hạnh phúc.

Những hình ảnh đã thay chủ nhân kể một câu chuyện. Chúng là công cụ dễ “tiêu hóa” nhất, dễ yêu thích và dễ dàng chia sẻ. Đó là lý do tại sao Instagram lại “hot” như vậy trong thời đại hiện nay.

4. Hãy cho mọi người xem những video

Video là một cách khác để chia sẻ sự khác biệt của bạn và truyền tải những câu chuyện trong khi tạo ra những nội dung rất dễ dàng chia sẻ.

“Mới đây, chủ một cửa hàng xe đạp đã đến tìm tôi xin lời khuyên cho công việc kinh doanh và có nhắc tới việc anh ta đang lập một blog để giới thiệu với mọi người những sản phẩm rất tuyệt mà cửa hàng có”, tác giả Mario Amstrong viết, “Một blog là một cách tuyệt vời để đẩy lượng truy cập trang web của cửa hàng. Tuy nhiên, khi tôi truy cập vào blog của anh ấy, trang blog thực sự là một trang tĩnh. Blog chỉ gồm một vài bài viết về “làm cách nào để vá xăm xe khi bạn đang đạp xe trên núi”, cũng như không có những cập nhật thời xuyên khuyến khích người đọc vào thăm blog cũng như tối ưu hóa các công cụ tìm kiếm. Quả thực, trang blog không có những nội dung có thể tạo ra cho cửa hàng sự khác biệt so với các cửa hàng khác.

Khách hàng sẽ nhớ đến bạn qua những video thú vị

Do vậy tôi đã bảo anh ấy quay 1 video. Ví dụ, một đoạn video ngắn về những nhân viên trong cửa hàng, kể về chính họ, tại sao họ lại làm công việc này, tại sao họ lại là những chuyên gia về xe đạp. Hãy cho khách hàng nhìn thấy những mẫu xe đạp được thiết kế dành riêng cho những vận động chuyên nghiệp. Từ đó, người xem video có thể nhìn thấy những mẫu xe, cũng như lắng nghe những kiến thức “chuyên gia” của đội ngũ nhân viên. Nhưng tôi cũng nhắc anh ấy làm video một cách đời thường, chân thực và tránh tạo cảm giác đang bán hàng”.

Và họ đã bắt tay vào quay một đoạn video ngắn. “Đây là Jim, nhân viên kỹ thuật của cửa hàng. Jim, đâu là lỗi anh hay phải sửa nhất?” – ông chủ cửa hàng xuất hiện mở đầu video. Nhưng người xem cũng dễ dàng thấy rằng Jim đang cầm chiếc bánh sandwich ăn dở trên tay. Nói cách khác, video được quay một cách đời thường, không cần chuẩn bị bối cảnh cầu kỳ. Đơn giản, video chỉ là cái cớ để Jim kể nhiều hơn về công việc của anh ấy. Điều này tạo ra sự gắn kết rất đời thường. Đây cũng chính là cách thức rất tuyệt để khách hàng nhớ tới bạn.

 

Hãy tưởng tượng khách hàng bước vào cửa hàng và ngay lập tức nhận ra Jim vì đã họ xem video trên mạng. Có thể nói, đây chính là cảm tình, thậm chí, sự tin cậy, được gây dựng ngay từ ban đầu chỉ nhờ 1 video ngắn. Tuy nhiên, với video, chúng ta không cần phải sử dụng với tần số nhiều như ảnh.

5. Hãy thử nghiệm và kiểm tra

Nếu như bạn đã thử và thấy mình chưa đạt được hiệu quả mong muốn, hãy thử nghiệm với nội dung khác nhau một cách có hệ thống và khoa học. Rà soát lại những nội dung đăng tải và xem đâu là nội dung được mọi người yêu thích và tương tác nhiều nhất, hãy thử trong những thời gian khác nhau. Sau đó, hãy thử đăng tải ở những khung giờ khác nhau, và xem khung giờ nào là khung giờ “vàng” để được tương tác nhiều nhất.

Hãy nhớ rằng, bạn chỉ nên thử từng “biến số” một, nếu không bạn sẽ không thể phân biệt được nội dung gì, hoặc thời gian nào sẽ tạo ra sự khác biệt.

 

Theo strategy.vn

related-post