Kiên trì sáng tạo đến cùng

Rất nhiều người nói về sáng tạo, nhưng ít ai dám mạo hiểm với những gì đang có để theo đuổi sáng tạo đến cùng. Đó là lý do tại sao ý tưởng sáng tạo không phải là vấn đề, mà biến ý tưởng sáng tạo thành hiện thực mới là điều khó khăn và là chìa khóa dẫn đến thành công.

 

Để tạo ra những sản phẩm, dịch vụ mới cũng như đạt được vị trí dẫn đầu thị trường, doanh nghiệp (DN) cần nắm vững hai vấn đề vô cùng quan trọng dưới đây:

Vấn đề thứ nhất: Sự cần thiết của mục đích trong hành trình theo đuổi sáng tạo. Bắt đầu hành trình sáng tạo với việc suy ngẫm sâu sắc về sự phát triển của xã hội hay về tiềm năng đổi mới về dịch vụ và sản phẩm của DN sẽ dẫn đến hình thức sáng tạo có ý nghĩa với nhân loại hơn thay vì chỉ nhấn mạnh về số lượng nhằm đạt được một vài đột phá nhất định. Trước khi dấn thân vào hành trình sáng tạo có chất lượng, DN cần quan tâm đến 3 yếu tố sau:

1) Mục đích: Khi nhân viên của một DN hiểu rõ về điều cả DN đang đấu tranh để đạt được, họ dường như buộc phải tập trung cống hiến hơn bởi họ hiểu rằng sự đặt cược vào tương lai ở đây là rất lớn.

Samsung cố gắng vươn lên để trở thành một người khổng lồ về công nghệ như hiện nay là do họ nhận ra họ không thể tiếp tục với những ý tưởng thông thường, họ cần phải đặt cược tất cả hoặc mãi mãi theo sau các DN Nhật Bản và phương Tây. Với họ, đó là con đường duy nhất.

2) Kết quả: Cần nghiên cứu rõ ràng kết quả của sáng tạo để nhận dạng kết quả của việc DN đang liều lĩnh đặt cược. Nếu như DN đặt ra một lộ trình sáng tạo nhưng lại thiếu những kết quả dự kiến khi lộ trình này thành công sẽ có ý nghĩa như thế nào với DN và lĩnh vực đang hoạt động, thì sẽ làm cho nhân viên khó có thể đánh giá hoạt động của DN.

Tổng thống John F. Kennedy đã lường trước toàn bộ kết quả của việc đặt cược khi ông tuyên bố rằng nước Mỹ cần chiến thắng trong cuộc chạy đua vào không gian. Điều này đã làm cho mọi công dân cùng chung sức, bởi họ hiểu rõ họ đang đặt cược điều gì và điều gì sẽ xảy ra nếu như họ thất bại.

3) Đội ngũ nhân tài: Khi đã hiểu rõ mục tiêu đặt ra, điều quan trọng tiếp theo là DN phải tìm được nhân tài phù hợp để thực hiện mục tiêu đó. Những DN biết chiến đấu hết mình trong cuộc cạnh tranh giành giật nhân tài đều là những DN đang phát triển với tốc độ rất nhanh. Đây chắc chắn là một quy tắc quản trị tốt cần lưu ý để tạo ra những sáng tạo mang tính đột phá.

Vấn đề thứ hai: Nghệ thuật giữ được sự tập trung. Các DN thường có xu hướng thu thập các dự án sáng tạo khác nhau, thể hiện việc theo đuổi những hướng đi, cách thức khác nhau, tuy nhiên, việc này sẽ khiến các đội nhóm nhân sự bị rối trí về thứ tự dự án cần được ưu tiên.

Nên phân định rõ ràng các dự án cần thực hiện trước và xác định chúng có ý nghĩa như thế nào đối với sự phát triển của mô hình kinh doanh của DN. Nếu không đạt được sự rõ ràng trong khi sáng tạo, sẽ không thể bổ sung sự khác biệt trong việc tạo ra lợi thế cạnh tranh cho DN. Dưới đây là 3 cách để làm rõ và theo đuổi sáng tạo đến cùng:

1) Đặt ra mục đích rõ ràng: Khi lộ trình sáng tạo của DN đang tiến triển, có những lúc DN lung lay và muốn thay đổi hướng đi. Điều này xảy ra khi trong một giai đoạn DN không thấy có thành công mới nào, hoặc khi thành công ban đầu đã xuất hiện nhưng lại ở một khía cạnh khác thay vì ở cốt lõi sáng tạo DN đang theo đuổi.

Do vậy, cần thiết phải có những buổi rà soát chiến lược thường niên, tập trung nhấn mạnh mục tiêu của lộ trình sáng tạo và quan sát xem lộ trình này được phản ánh thường ngày như thế nào thay vì chỉ nhắm đến một kết quả nhất định.

2) Gạt bỏ mọi cản trở xung quanh: Cần loại bỏ những việc không cần thiết để chắc chắn rằng DN luôn đi đúng đường. Điều này không dễ dàng thực hiện, đồng thời chính là dấu hiệu chứng minh khả năng lãnh đạo khi người CEO sẵn sàng loại bỏ những hoạt động không cần thiết để đạt được kết quả tốt hơn.

Steve Jobs đã rất thành công xét về khả năng tập trung khi trở lại Apple và thẳng tay loại bỏ rất nhiều chương trình của Apple, bao gồm cả “Newton”, phiên bản hiện đại của iPad hiện nay. Cách thức tiếp cận của Jobs về tập trung để chiến thắng chắc chắn có hiệu quả hơn dàn trải nguồn lực cho quá nhiều dự định.

3) Xây dựng một hệ sinh thái: Những dự án khác nhau trong nỗ lực sáng tạo của DN cần có khả năng tích hợp để hỗ trợ mô hình kinh doanh của tổ chức. Nhưng thông thường, các DN triển khai những dự án sáng tạo chỉ nhằm tăng độ bao phủ thay vì củng cố, định vị giá trị hiện tại.

Có thể nói, cuộc chiến giành giật thị trường trong thời đại hiện nay đang trở thành cuộc chiến xem ai hiểu rõ khách hàng hơn và ai là người nắm giữ được thông tin và những ý tưởng của khách hàng.

Nếu lộ trình sáng tạo của DN không ngừng đưa lại cho DN cái nhìn tổng quát hơn về khách hàng một cách chuyên sâu và giúp DN tận dụng được nhiều nhất xét về khả năng đưa ra trải nghiệm tổng quát, có thể nói DN gần như đang đi đúng đường. Ngược lại, có lẽ DN nên dừng lại để suy ngẫm xem có nên tiếp tục theo đuổi đến cùng.

Theo DNSG

related-post